Cây mít giờ không còn nữa, sân Trường THPT Hoàng Hoa Thám giờ đã khang trang và đẹp hơn xưa, nhưng câu chuyện về cây mít vẫn còn mãi - Ảnh: N.Hùng |
Năm 2007, tôi được về thực tập tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Hiệu trưởng nhà trường lúc đó là cô Nguyễn Thị Phòng nhỏ nhắn, tài hoa. Lần đầu tiên đứng trên bục giảng, tôi và cô bạn không khỏi ngỡ ngàng khi được giao chủ nhiệm một lớp 11 siêu quậy với nhiều học sinh cá biệt. Lớp quậy đến nỗi được nhà trường “ưu tiên” hẳn một giám thị ngồi canh chừng bên ngoài phòng học. Mỗi lần chúng tôi vào lớp đều phải có thầy giám thị cầm cây thước dài thật dài để hù dọa thì cả lớp mới chịu im lặng.
Sau một tuần tìm hiểu và làm quen với lớp, tôi và cô bạn bắt đầu mệt mỏi, chán nản. Bao nhiêu tâm huyết với nghề cũng dần tan theo mây khói. Một buổi chiều, hai chúng tôi đang lang thang trong sân trường với vẻ mặt ưu tư thì cô Phòng bỗng xuất hiện hỏi thăm và động viên như người thân thiết trong gia đình. Thấu hiểu được nỗi lòng chúng tôi, cô chỉ tay về phía cây mít sum sê quả, đứng sừng sững nơi góc trường và cô bắt đầu kể câu chuyện về học trò cá biệt của mình.
Ngày ấy có cậu học trò rất quậy phá bao lần gây tai tiếng cho nhà trường. Nhiều lần hội đồng nhà trường muốn kỷ luật và đuổi học em, nhưng cô thì không nỡ. Cuối cùng cô đã cho em học sinh ấy cơ hội để sửa sai bằng cách giao cây mít này cho em chăm sóc. Mỗi sáng em phải đến trường thật sớm, xách từng xô nước tưới cây mít rồi mới được vào học. Cuối tuần em cũng phải dành thời gian đến trường chăm sóc, bón phân cho cây.
Ngày qua ngày, cây mít bắt đầu ra hoa kết trái. Rồi cô cho em viết bài cảm nhận về những tháng ngày chăm sóc cây mít. Hóa ra cùng với sự đơm bông kết trái của cây mít là sự lớn dần về ý thức và trưởng thành của em học trò cá biệt qua bài học lao động “trồng cây”. Em hiểu được nỗi cực nhọc của người lao động, sự vất vả của cha mẹ kiếm đồng tiền lo cho em ăn học. Em bắt đầu tập trung vào học, không còn la cà, quậy phá nữa. Giờ đây em đã ra trường và thành tài, trở thành giám đốc của một công ty.
Nghe xong câu chuyện, tôi và cô bạn mới hiểu vì sao người phụ nữ nhỏ nhắn ấy có thể quản lý được hàng nghìn người ở ngôi trường rộng lớn và xinh đẹp này. Với tấm lòng yêu thương học trò hết mực cùng bài học giáo dục “trồng cây”, cô đã cảm hóa được học sinh cá biệt của mình. Tôi và cô bạn bất chợt hiểu mình cần phải làm gì để giúp các em học sinh. Nhờ cô, tôi và cô bạn đã hoàn thành tốt kỳ thực tập của mình trong sự yêu thương, quý mến của học trò.
Tôi thầm cảm ơn câu chuyện của cô đã giúp tôi hiểu hơn về nghề giáo: để “trồng” được một con người thì ngoài kiến thức giáo viên cần phải có tấm lòng bao dung, vị tha, kiên nhẫn và yêu thương học sinh hết mực. Nếu ngày ấy cô cũng chạy theo bệnh thành tích, thẳng thừng đuổi cậu học trò cá biệt khỏi trường thì cuộc sống của cậu học trò ấy có được như ngày hôm nay?
“Bao Công xử án trái mít” Ngoài 60 tuổi, cô Nguyễn Thị Phòng, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP.HCM) - nhân vật trong bài viết của bạn đọc Thanh Thúy - về hưu đã bảy năm nay. Cô sống trong con hẻm nhỏ ở gần cầu Thị Nghè (TP.HCM). Cô nói không còn nhớ tên những giáo sinh thực tập ngày ấy, cũng không thể kể tên bao lứa học sinh đã đi qua cuộc đời dạy học nhưng những câu chuyện, những kỷ niệm nơi lớp học vẫn còn in sâu trong ký ức, trong đó có câu chuyện về cây mít. Cô Phòng kể lại câu chuyện: “Trước năm 2000 tôi là hiệu phó phụ trách kỷ luật. Trường tôi có trồng một cây mít, khi cây ra quả, một hôm trái mít bị ai đó hái mất. Thời đó hái trộm trái mít là chuyện rất nặng nề, học sinh có thể bị đuổi học vì tội này (trộm cắp). Tôi phải mở cuộc “điều tra” và phát hiện một học sinh đã hái trộm trái mít với mong muốn chờ mít chín thì chia cho nhóm bạn cùng ăn. Cả trường xôn xao, học sinh đó bị đưa ra hội đồng kỷ luật, cha mẹ em cũng đến trường năn nỉ vì sợ con bị đuổi học. Học trò gọi tôi là “Bao Công xử án trái mít”. Tôi xử thế này: gọi học sinh đó đến và nói “hằng ngày em hãy chăm sóc, tưới nước cho cây mít đến khi cây có trái thì sẽ hết “án” phạt”. Nói xong tôi cũng chỉ kiểm tra vài ngày rồi quên bẵng đi. Sau đó khá lâu, thấy học trò nán lại trường khi tan lớp, tôi hỏi thì em nói: “Em còn phải ở lại tưới cây mít nữa cô. Bây giờ em mới biết chăm cây mít cho ra quả lâu và khó quá”. Tôi động viên em “đến mùa mít sẽ ra trái” và sau đó cho em được miễn án phạt sớm. Cách đây vài năm trong buổi hội trường, em có đến chào tôi: “Cô ơi, cô nhớ em không, vụ xử án trái mít đó cô”. Tôi mừng vì học trò đã trưởng thành, các em bị kỷ luật nhưng không oán hận mình. Tuổi trẻ nông nổi, kỷ luật là làm sao để giáo dục học trò biết sai, dạy các em biết lao động, từ đó quý trọng công sức của người khác, thay đổi các em bằng tình yêu thương, sự quan tâm chứ không phải đưa ra để trừng trị”. Ngôi trường Hoàng Hoa Thám hiện nay đã được xây mới, cây mít bị đốn bỏ trong quá trình xây dựng, nhưng câu chuyện về cô Phòng và người học trò bị kỷ luật chắc hẳn vẫn khắc sâu trong trái tim rất nhiều người. L.TRANG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận