Bão Irma tàn phá đảo Saint-Martin, từ đó có tin đồn hàng ngàn người chết - Ảnh: outremernews.fr
Trước khi đổ bộ vào bang Florida (Mỹ) hôm 10-9-2017, siêu bão Irma đã càn quét các đảo vùng biển Caribê, trong đó có đảo Saint-Martin với 60% lãnh thổ thuộc Pháp và 40% thuộc Hà Lan.
Trong bối cảnh bão tố tang thương, Facebook đã đăng clip dài gần 20 phút. Trong clip, nhân chứng Rebecca Riviera và vài người nữa khẳng định có trên 1.000 người chết trên đảo Saint-Martin và đảo Saint-Barthélemy chứ không phải chỉ 10 người như Pháp công bố.
Chỉ trong bốn ngày băng video đã thu hút hơn 4 triệu lượt xem và hơn 120.000 lượt chia sẻ.
Kiểm tra chéo thông tin
Báo Le Monde (Pháp) đã sử dụng công cụ tìm kiếm Décodex để đối chiếu thông tin. Kết quả cho thấy tin "hàng ngàn người chết" chỉ là tin đồn.
Nhiều tin giả khác về siêu bão Irma được đăng trên Facebook như 250 phạm nhân cướp súng đào thoát khỏi trại giam Pointe-Blanche, người đứng đầu Saint-Martin đào tẩu, hãng máy bay Air France nhân bão tố đã tăng giá vé...
Trước nạn tin giả, một tài khoản trên YouTube mang tên Ahmed Lndy đã quyết định thực hiện một clip với đầu đề "Sự thật về đảo Saint-Martin" để bạn gái biết đâu là sự thật.
Để đối phó với tin giả trên mạng xã hội, cuối năm 2016 Facebook đã phối hợp với năm đối tác truyền thông ở Mỹ gồm ABC News, AP, FactCheck.org, Politifact và Snopes thiết lập hệ thống đánh dấu tin giả.
Đến đầu tháng 2-2017, tám báo lớn tại Pháp hợp tác với Facebook lập hệ thống xác minh dữ kiện tương tự như ở Mỹ.
Hệ thống đánh dấu tin giả hoạt động như sau: thông tin bị nghi ngờ là giả được đưa lên một cổng chung. Khi hai cơ quan truyền thông kiểm tra và kết luận đó là tin giả, tin giả sẽ được gắn cờ báo hiệu. Người dùng muốn xem tin đó sẽ nhận được cảnh báo.
Cũng trong tháng 2-2017 có 37 cơ quan báo chí đã hợp tác với Google và Facebook tham gia dự án kiểm tra chéo thông tin CrossCheck trong khuôn khổ dự án First Draft do Trung tâm Shorenstein về báo chí, chính trị và chính sách công (Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy) thành lập.
Dự án CrossCheck dựa trên ba nguyên tắc: hợp tác giữa báo chí và công chúng để ngăn chặn tin giả, sử dụng chung các công cụ kỹ thuật và kiến thức và xác minh thật kỹ nguồn tin.
Đây không phải là ảnh nhà du hành Thomas Pesquet tự sướng trên vũ trụ - Ảnh: Robert Jahns
Ưu thế của báo truyền thống
Với tư cách là một đối tác tham gia dự án CrossCheck, trang tin Buzzfeed (Mỹ) đã phát hiện hàng loạt tin giả trong năm 2017 như bức ảnh một phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) cải trang thành phụ nữ trốn khỏi Mosul, nhà du hành vũ trụ Pháp Thomas Pesquet chụp ảnh tự sướng trên vũ trụ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu "cắt âm vật không phải là tập tục văn hóa dã man", nhiều người ở Đức bỏ ôtô giữa quốc lộ để phản đối giá xăng tăng (ảnh chụp ở Trung Quốc), Algeria cấm người nhập cư da đen lên xe buýt và taxi, người Hồi giáo Rohingya tấn công đền chùa Phật giáo và Ấn giáo (ảnh chụp ở Bangladesh).
Đầu tháng 2-2018, Viện nghiên cứu Reuters thuộc Đại học Oxford (Anh) đã công bố nghiên cứu về tác động của tin giả. Phạm vi tin giả được khoanh vùng ở Pháp và Ý. Kết quả phân tích đưa ra hai kết luận.
Kết luận đầu tiên là các báo truyền thống lớn vẫn thu hút bạn đọc hơn các trang chuyên đăng tin giả. 20 trang chuyên đăng tin giả được đọc nhiều nhất trong 38 trang khảo sát chỉ thu hút 1% dân số ở Pháp.
Đứng đầu bảng là tạp chí về sức khỏe Santé+ cũng chỉ thu hút 3,1%. Trong khi đó, báo truyền thống chủ chốt thu hút đến 20% dân số.
Kết luận thứ hai là dù các trang tin giả ít bạn đọc hơn song lại mang tính tương tác rộng hơn. Ví dụ tạp chí Santé+ có số lượng tương tác trên Facebook nhiều hơn cả các báo truyền thống. Santé+ đăng vô số tin giả về sức khỏe. Chủ trang này là Othman Kabbaj chẳng có chuyên môn gì về y khoa.
Algeria cấm người nhập cư da đen lên xe buýt và taxi là ảnh giả - Ảnh: Africa24.info
Chính xác quan trọng hơn độc quyền
Công ty Cision đứng đầu thế giới về phần mềm quan hệ công chúng đã hợp tác với Đại học Canterbury Christ Church (Anh) tiến hành khảo sát đối với 1.857 nhà báo ở sáu quốc gia (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Phần Lan) về tác động của truyền thông xã hội đối với nghề báo.
Kết quả khảo sát công bố cuối tháng 5-2018 đã chứng tỏ mạng xã hội là con dao hai lưỡi.
Kết quả khảo sát nêu các số liệu như sau: 96% số nhà báo sử dụng mạng xã hội để làm việc; 46% xác định không thể bỏ qua mạng xã hội trong quá trình hành nghề; 51% sử dụng số liệu thống kê từ mạng xã hội làm tiêu chí đánh giá;
Các mạng xã hội được sử dụng phổ biến là Facebook (85%), Twitter (62%), LinkedIn (51%); các mạng nghe nhìn được sử dụng chủ yếu là YouTube, Instagram và Pinterest.
Mục đích sử dụng mạng xã hội nhằm quảng bá bài viết (77%), theo dõi thông tin và tìm đề tài (73%) và tương tác với bạn đọc (70%). Song chỉ 38% nhà báo đánh giá mạng xã hội tác động tích cực đến nghề báo, 82% cho rằng truyền thông xã hội đưa thông tin nhanh nên khiếm khuyết các bài phân tích.
Các nhà báo nhận xét mạng xã hội đã làm giảm các giá trị truyền thống của nghề báo. Chỉ 29% sử dụng mạng xã hội để kiểm tra thông tin. Phần lớn đánh giá nạn tin giả mang tính chất toàn cầu và 52% xem đó là vấn đề nghiêm trọng vì tin giả khiến bạn đọc ngày càng hoài nghi báo chí.
Để đối phó với thách thức từ mạng xã hội, các nhà báo tham gia khảo sát khẳng định yếu tố quan trọng nhất: xuất bản đầu tiên không còn là ưu tiên số 1 và tính chính xác quan trọng hơn độc quyền.
-----
Kỳ tới: Làm gì để hạn chế tin giả?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận