13/03/2018 14:59 GMT+7

Báo chí Trung Quốc bảo vệ lãnh đạo, cáo buộc phương tây nói xấu

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Báo chí nhà nước Trung Quốc lần này đã "phản pháo" dữ dội khi các chuyên gia và truyền thông phương Tây chỉ trích về quyết định bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước.

Báo chí Trung Quốc bảo vệ lãnh đạo, cáo buộc phương tây nói xấu - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội ở địa phương Trung Quốc mặc trang phục truyền thống dự phiên họp thường niên ở Bắc Kinh, ngày 13-3 - Ảnh: REUTERS

Hôm 11-3, với số phiếu ủng hộ áp đảo, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa 13 đã thông qua các nội dung sửa đổi Hiến pháp, trong đó có xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước.

Sự thay đổi này đã mở đường cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc vào năm 2023.

Theo sau diễn biến này là nhiều luồng ý kiến của truyền thông và giới chuyên gia phương Tây. Và tương tự những cuộc tranh cãi có liên quan tới Bắc Kinh trước đây, các tờ báo tại Trung Quốc lần này cũng "lên nòng" bác bỏ các chỉ trích một cách mạnh mẽ.

Phương Tây thích "nói xấu"?

Như một sự mở màn cho cuộc "khẩu chiến" này, Hoàn Cầu Thời báo - tờ báo nổi tiếng "diều hâu" của Trung Quốc, ngày 12-3 chỉ trích rằng các học thuyết chính trị của phương Tây vốn dĩ không áp dụng được với Trung Quốc.

"Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự thăng trầm của các quốc gia và đặc biệt là thực tế nghiệt ngã rằng hệ thống chính trị phương Tây vốn không áp dụng được cho các quốc gia đang phát triển, nó chỉ tạo ra kết quả tệ hại" - bài xã luận của Hoàn Cầu Thời báo viết.

Tờ báo chính thống của chính quyền Bắc Kinh nói: "Chúng ta ngày càng tự tin rằng chìa khóa đối với con đường phát triển của Trung Quốc nằm ở việc tin tưởng vào sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng và kiên quyết theo sau sự lãnh đạo của Ban chấp hành trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt".

Trong khi đó, tờ China Daily cùng ngày lặp lại một bình luận của tờ Nhân Dân Nhật báo trước đây nói rằng nội dung sửa đổi Hiến pháp trên không "hàm ý trao quyền lực cả đời cho bất kỳ lãnh đạo nào".

Sự đánh giá sai lầm của phương Tây chỉ là một phần trong chuỗi dài những lời vu khống thiển cận nhắm vào Đảng và nhà nước Trung Quốc"

Báo China Daily của Trung Quốc chỉ trích

Báo chí Trung Quốc bảo vệ lãnh đạo, cáo buộc phương tây nói xấu - Ảnh 3.

Lực lượng an ninh bảo vệ ở đường dẫn vào Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nơi diễn ra kỳ họp Quốc hội - Ảnh: REUTERS

Truyền thông phương Tây trước đó bình luận rằng việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước có nguy cơ dẫn đến chế độ do một người có quyền lực tuyệt đối dẫn dắt. 

Theo đài NBC News của Mỹ, giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm của Chủ tịch nước được đưa vào Hiến pháp của Trung Quốc vào năm 1976 bởi lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là nhằm tránh nguy cơ này.

"Việc chỉ trích hệ thống chính trị của Trung Quốc đã trở thành thói quen của một số người ở phương Tây… Bất cứ khi nào nói đến Trung Quốc, họ sẽ nhìn qua lăng kính vấy bẩn" - tờ China Daily đả kích.

Tuy nhiên, một số tờ báo Trung Quốc khác, điển hình là Beijing Youth Daily, chỉ đề cập tới các nội dung sửa đổi trong Hiến pháp mà không chỉ trích các bình luận của phương Tây, theo hãng tin Reuters.

Với hệ thống kiểm duyệt gắt gao, nhiều tài khoản trên mạng xã hội của các tờ báo chính thống Trung Quốc đã đóng hẳn chức năng cho phép người dùng bình luận hoặc chỉ cho phép những bình luận tích cực xuất hiện liên quan tới vấn đề trên.

Siêu ủy ban chống tham nhũng Trung Quốc uy quyền vượt Tòa án tối cao Quốc hội Trung Quốc nhất trí sửa hiến pháp, mở đường cho ông Tập Ông Trump viết nhầm tên ông Tập Cận Bình khi khen Trung Quốc

Ông Trump: "Đó là chuyện riêng của Trung Quốc!"

Ở bên kia nửa vòng Trái Đất, ngay từ khi xuất hiện những đồn đoán về việc Trung Quốc sẽ xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành những lời lẽ "có cánh" cho ông Tập.

"Ông ấy (Tập Cận Bình) giờ có thể trở thành Chủ tịch Trung Quốc cả đời. Ông ấy thật tuyệt!... Biết đâu chúng ta sẽ phải làm giống như vậy một ngày nào đó" - ông Trump nửa đùa nửa thật vào hôm 3-3.

Ngay sau khi đề xuất được Quốc hội Trung Quốc thông qua, ngày 12-3 Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đã ra tuyên bố nói rằng việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch nước "là một quyết định do chính Trung Quốc đưa ra, chứ không phải là thứ gì đó để Mỹ can thiệp".

Báo chí Trung Quốc bảo vệ lãnh đạo, cáo buộc phương tây nói xấu - Ảnh 6.

Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đã được mở đường lên đỉnh quyền lực ở Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Bà Sophie Richardson đến từ tổ chức Quan sát nhân quyền (HRW) nói rằng bà đánh giá thấp lập trường của Nhà Trắng vì "mọi người trên khắp Trung Quốc không phải ai cũng được cơ hội bỏ phiếu bầu đối với những vấn đề này".

Giới chuyên gia nhận định việc Nhà Trắng không chỉ trích những sửa đổi trong Hiến pháp của Trung Quốc cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Mỹ.

Các chính quyền tiền nhiệm của ông Trump trong trường hợp như thế này sẽ chỉ trích quyết định trên của Trung Quốc, theo hãng tin AP. Điều này là có cơ sở căn cứ vào các vụ chỉ trích liên miên trước đây của Washington nhắm vào yếu tố dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc.

Ông Yun Sun - giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson chuyên về nghiên cứu chính sách ở Mỹ, nhận định lập trường của ông Trump sẽ có lợi trong việc giải quyết các lo ngại lớn nhất của Mỹ hiện nay.

Đây có thể là một động thái lấy lòng Trung Quốc trong bối cảnh Washington muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên và thương mại - hai trong số những vấn đề cấp bách cần giải quyết của Washington hiện nay.

"Chính quyền ông Trump đã có một nỗ lực thận trọng khi tránh đụng chạm các vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc" - chuyên gia Yun đánh giá lập trường của Washington.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp