Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa các nhà báo lão thành - Ảnh: Q.T. |
Tại buổi gặp mặt, sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đề xuất của các nhà báo, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại trong các cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng VN đã lớn mạnh vượt bậc và có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Hiện cả nước có hơn 850 cơ quan báo chí, hơn 35.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí với hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin tuyên truyền. |
Thủ tướng đánh giá cao báo chí đã làm tốt nhiệm vụ thông tin về chủ trương, chính sách pháp luật; sự lãnh đạo, quản lý điều hành của Đảng và Nhà nước và phản ánh mọi mặt kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, tăng cường tuyên truyền những mô hình, cách làm hay, biểu dương gương người tốt, việc tốt…
“Bản thân tôi cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công việc hằng ngày thường xuyên tiếp xúc với báo chí. Những phóng viên, nhà báo tôi tiếp xúc đều là những người luôn truyền cho những người xung quanh nhiệt huyết làm nghề, lòng say mê cống hiến cho đất nước, quê hương, sự lăn xả quyết liệt vì lẽ phải, vì sự thật. Dù bận cỡ nào, hằng ngày những người lãnh đạo, trong đó có bản thân tôi, cũng đọc tin tức trên các báo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp… đối với các chính sách của Chính phủ để qua đó góp phần xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, liêm chính” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Thủ tướng cũng nhắc lại sự kiện gần đây nhất khi đưa phi công Trần Quang Khải về đất liền, nhiều phóng viên đã thức trắng đêm tại Nghệ An truyền trực tiếp tin tức và hình ảnh xúc động từ hiện trường đến với người dân cả nước.
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng cũng đề nghị báo chí phải làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội, hướng người dân vào những giá trị chân, thiện, mỹ…
Thủ tướng nhấn mạnh báo chí đã phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc của xã hội. Nhiều vụ việc được điều tra, nhiều vấn đề phát sinh được chấn chỉnh kịp thời không phải xuất phát từ cơ quan chức năng, mà từ sự phản ánh của báo chí.
Thủ tướng lấy ví dụ như vụ cá chết ở miền Trung vừa qua, do địa phương chưa nhận thức được vấn đề nghiêm trọng đến mức nào, chưa kịp thời báo cáo nhưng nhờ báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã phát hiện, chỉ đạo quyết liệt để tìm ra nguyên nhân và sớm kết luận trong nay mai.
Ngoài ra, báo chí còn phản ánh được các vấn đề nóng như phòng chống tham nhũng, vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, an toàn giao thông… Nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm những bài báo gây hoang mang cho xã hội, làm cho doanh nghiệp, người dân điêu đứng vì thông tin không đúng sự thật.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn cũng đánh giá cao vai trò của báo chí: “Nhìn lại quá trình ra đời và phát triển 91 năm qua, báo chí cách mạng VN đã có bước phát triển vượt bậc cả về nội dung, hình thức và chất lượng thông tin. Ngày nay, những người cầm bút vẫn là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa bảo vệ Đảng, chế độ; vì sự bình yên, ấm no của người dân. Báo chí đã tích cực tuyên truyền những sự kiện nổi bật của đất nước”.
Tại cuộc gặp, nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng trình bày những khó khăn của báo chí gặp phải trong thời buổi bùng nổ thông tin trên mạng xã hội.
Ông Võ Đăng Thiên, tổng biên tập báo điện tử Infonet, cho rằng khó khăn nhất của người làm báo điện tử là vừa thông tin đúng định hướng vừa hấp dẫn, thu hút được bạn đọc. Nếu làm sai chỉ đạo thì bị xử lý, nhưng không thu hút được bạn đọc thì cũng “chết” bởi không có nguồn thu. Đây là vấn đề rất khó của những người làm báo điện tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận