Tin giả không mới vì đã xuất hiện hàng trăm năm. Nhưng khái niệm tin giả, tiếng Anh là fake news, chỉ thực sự nổi lên sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 năm ngoái.
Tin giả - vấn nạn toàn cầu
Ngày 4-12-2016, một người đàn ông 28 tuổi tên Edgar Maddison Welch, sống tại Bắc Carolina, đã cầm khẩu súng trường AR-15 nã ba phát đạn vào một cửa hàng bán bánh pizza Comet Ping Pong tại Washington.
Người đàn ông này cho biết ông ta muốn “tự điều tra” về một thuyết âm mưu cho rằng ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Đảng Dân chủ đã bí mật điều hành một đường dây tình dục trẻ em.
Nguồn cơn của sự việc xuất phát từ một tin tức giả mạo - fake news - một vấn nạn đang gây ảnh hưởng xấu trên toàn cầu hiện nay.
Thực tế có nhiều cách hiểu về tin giả. Từ xưa, báo chí chính thống cũng sản xuất tin giả, nhưng đó chỉ là những thể loại trào phúng, hài hước, châm biếm xã hội, sử dụng chất liệu tin tức không thật để đánh vào một vấn đề nào đó. Ví dụ đơn giản là nội dung các chương trình như Táo quân hằng năm ở Việt Nam vậy.
Nhưng loại tin giả mà dư luận quan tâm hiện nay là dạng tin bịa đặt có ý đồ xấu, là những tin được dàn dựng hoàn toàn, dựa trên những dữ kiện không có thật.
Những kẻ tung tin giả làm ra website tin tức và sản xuất tin bài y như thật, song tất cả đều là tin bịa, hoặc trộn lẫn nửa thực nửa hư, tạo ra một thế giới hỗn loạn, mờ mờ ảo ảo.
Đó là sự lừa dối nguy hiểm. Việc khiến cho người ta hiểu nhầm (misinform), nhìn nhận sự thật chưa chuẩn là một chuyện, bị hiểu nhầm bằng những thứ hoàn toàn bịa đặt lại càng nguy hiểm hơn.
Những người không theo dõi tin tức kỹ lưỡng rất dễ bị sa vào việc coi các tin giả đó là sự thật. Thậm chí như vụ ‘pizzagate’ nêu trên, người ta có thể đọc tin giả, rồi mù quáng tới mức xách súng đi bắn người.
Tin giả gặp thời, báo chí càng trở nên quan trọng
Thời đại công nghệ, sự phát triển của mạng xã hội càng tạo ra một môi trường cho tin giả mạo hoạt động mạnh mẽ hơn.
Thứ nhất, trong môi trường này người ta hay đọc lướt, thậm chí chưa đọc cũng bấm nút chia sẻ trên mạng xã hội.
Thêm vào đó, vấn đề ý thức hệ chính trị cũng khiến người ta khô cứng, cuồng tín, sẵn sàng tin vào bất cứ những gì họ muốn tin.
Người ta cũng có thói quen theo kiểu bầy đàn, tức là dễ tin vào những điều có nhiều người tin – vì họ cảm thấy an toàn hơn.
Cứ thế, độc giả có xu hướng cuốn theo sự đồng ý hơn là bất đồng. Họ không thể, và có khi không muốn nghe ý kiến trái chiều.
Họ giống như bị nhốt trong một bong bóng lọc (filter bubble), hay một căn phòng nhỏ hẹp, chỉ nghe đi nghe lại những tiếng vọng từ niềm tin của mình, chẳng thể nghe bên ngoài có gì cả.
Thứ hai, các mạng xã hội như Facebook vận hành bằng các thuật toán, cho phép người dùng tiếp xúc nhiều với ý kiến từ những người đồng quan điểm với họ hơn.
Bản thân mỗi người đều ít nhiều có thiên kiến, tin vào những cái họ muốn tin. Mạng xã hội vì thế khiến con người càng trở nên nhạy cảm, dễ tổn thương, dễ bị ảnh hưởng và dính chặt vào thiên kiến hoặc thái độ thiên vị với tin tức (bias). Họ bị phân cực về mặt quan điểm, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi cho tin tức lan truyền.
Như một con virus, tin giả gặp đúng khí hậu, môi trường thì phát tán rất nhanh. Những người thiếu bản lĩnh trước tin tức, không theo dõi thường xuyên sẽ dễ bị lừa, không loại trừ cả trí thức.
“Thậm chí cả những tờ báo lớn cũng bị tin giả đánh lừa. Một xã hội tin vào những thứ không tồn tại thì xã hội đó sẽ đi về đâu?” |
Tiến sĩ Nguyễn Đức An |
Các công ty công nghệ như Facebook, Google và Twitter đã cam kết tự nguyện loại bỏ những tài khoản cố tình tung tin giả để trục lợi, loại bỏ những nội dung bịa đặt. Bản thân chính phủ các nước cũng có động thái buộc các mạng xã hội phải hành động.
Tuy nhiên vai trò của báo chí chính thống vẫn đặc biệt quan trọng. Báo chí phải là người tiên phong trong việc giáo dục ý thức của người đọc, nâng cao khả năng cảm thụ, phân tích tính đúng đắn của tin tức. Đây là một quá trình đòi hỏi thời gian và công sức chứ không phải chuyện một sớm một chiều
Sau khi cụm từ “fake news” nổi lên, báo chí phương Tây đã xuất hiện những mục kiểm chứng thông tin (fact-check). Ngoài ra, nhà đồng sáng lập Wikipedia Jimmy Wales cũng ra mắt một phiên bản trực tuyến mới nhằm chống lại nạn tin giả.
Thế giới mạng đang đi ngược lại truyền thống. Thường thì báo chí truyền thống lọc thông tin trước khi xuất bản, còn Facebook lại là nơi người ta có quyền xuất bản trước, rồi mới lọc ngược lại người đọc.
Sự ngược chiều này không phải không có điểm hay, nhưng riêng về vấn nạn tin giả thì nó thực sự là chi tiết nguy hiểm.
Tôi cho rằng báo in hiện nay vẫn có năng lực lớn nhất trong việc đối đầu tin giả vì có kinh nghiệm và đã tồn tại hàng trăm năm nay.
Báo in có thể làm người gác cửa tiên phong, và thực tế những tác phẩm điều tra lớn nhất vẫn thuộc về thể loại báo này. Đây là lúc báo in phát huy thế mạnh từ năng lực, sự sâu sắc của mình
Có thể thấy hậu quả của tin giả đã tác động lên cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, nơi báo chí chính thống có vẻ đã chịu thua trước vấn nạn tin giả. Tuy nhiên, cơ hội để sửa sai vẫn còn nếu báo chí thay đổi khớp với những điều chỉnh về chính sách cũng như thái độ hợp tác từ phía người cung cấp hạ tầng mạng xã hội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận