22/11/2020 07:56 GMT+7

Báo chí Mỹ đang 'chơi tất tay' để loại ông Trump?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Khi Stacey Abrams của Đảng Dân chủ từ chối thua cuộc ở Georgia, bà được tung hô là người hùng. Khi Donald Trump từ chối thua cuộc năm 2020, ông bị xem là kẻ chà đạp nền dân chủ Mỹ.

Báo chí Mỹ đang chơi tất tay để loại ông Trump? - Ảnh 1.

Truyền thông Mỹ thể hiện sự yêu ghét trong cách tiếp cận với ông Donald Trump và bà Stacey Abrams - Ảnh: REUTERS, WIRED

"Mary Katharine Ham của CNN có vẻ khiến các đồng nghiệp của mình khó chịu vào hôm thứ bảy, khi chỉ ra sự đạo đức giả trong cách thức đưa tin về ứng viên từng tranh cử thống đốc bang Georgia Stacey Abrams khi bà này từ chối công nhận kết quả, so với cách truyền thông Mỹ nhìn nhận về ông Donald Trump khi ông tuyên bố có gian lận phiếu bầu", Fox News viết trong bản tin ngày 18-11.

Từ Georgia tới Georgia

Năm 2018, bang Georgia trở thành tâm điểm khi Stacey Abrams của Đảng Dân chủ thua sát nút Brian Kemp của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử thống đốc. Nhưng Abrams không chấp nhận kết quả. Đơn kiện này được đưa ra với sự liên kết giữa các tổ chức ủng hộ bà Abrams, bao gồm Fair Fight Action, nhánh tổ chức phi lợi nhuận thuộc một tổ chức đấu tranh vì quyền bỏ phiếu mới do bà Abrams thành lập.

Trả lời phóng viên vào tháng 11-2018, ông Lauren Groh-Wargo - CEO của Fair Fight, đồng thời là cựu quản lý chiến dịch tranh cử của bà Abrams - nói: "Cuộc tuyển cử cho vị trí thống đốc đã chấm dứt, nhưng công dân và cử tri Georgia xứng đáng được hưởng một hệ thống bầu cử mà họ có thể tin tưởng".

Trên các mặt báo lớn ở Mỹ, Abrams được mô tả như một người hùng của nền dân chủ Mỹ vì đã đấu tranh, chống lại "đàn áp cử tri". Khoảng tháng 8-2019, những dòng tít đẹp được đưa lên. Vogue viết: "Stacey Abrams có thể cứu được nền dân chủ Mỹ không?". New York Times giật tít: "Stacey Abrams trong cuộc chơi đường dài cho nền dân chủ của chúng ta".

Georgia đã trả lại cho Abrams một thứ có vẻ đáng giá hơn chức thống đốc. Người phụ nữ da màu này đã trở thành người hùng của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 của Đảng Dân chủ, là biểu tượng cho việc Georgia lần đầu tiên kể từ năm 1992 đổi từ "màu đỏ" ủng hộ Cộng hòa sang "màu xanh" Dân chủ, một cú xoay chuyển tác động lớn tới việc ông Trump có thể thua ứng viên Dân chủ Joe Biden. Đối với người Dân chủ, đó là một màn trả thù rất mỹ mãn của bà Abrams.

Tình hình ngược lại hoàn toàn với Trump. Cho đến ngày 20-11, ông Trump tiếp tục phản đối kết quả kiểm phiếu lại của Georgia sau khi bị xác nhận thua. Hành động này có thể gây cảm giác bất mãn cho nhiều người vì ông mãi không... chịu thua. Một số khác dĩ nhiên lập luận gay gắt hơn rất nhiều.

Ví dụ CNN, một đài chống Trump quyết liệt và công khai, viết hôm 20-11: "Tổng thống Donald Trump đang cố đánh cắp cuộc bầu cử tự do và công bằng mà ông ta đã thua đậm trước tổng thống đắc cử Joe Biden, bằng cách xé nát nguyên tắc cơ bản nhất của nền dân chủ Mỹ: Ông ta đang cố ném bỏ hàng trăm ngàn lá phiếu".

Ở Georgia có hai câu chuyện. Ở Georgia có một Georgia khác sau hai năm.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Đáp lại cáo buộc "đạo đức giả" của Ham, người dẫn chương trình Ana Cabrera của CNN bảo vệ bà Abrams: "Tôi phải lưu ý về sự so sánh với Stacey Abrams, ý tôi là, lý do bà ấy hiệu quả trong hành động này là vì bà ta thực sự đã điều hành một tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh cho phiếu bầu, để thực sự kích thích tỉ lệ cử tri đi bầu, nhằm đảm bảo mọi người có quyền thực thi nó".

Cuộc tranh luận của những nhà phân tích trên Đài CNN phản ánh một thực tế giới truyền thông Mỹ vẫn ít nhiều chia rẽ về cách thức họ mô tả một con người, một tình huống. Điều này tùy thuộc vào quan điểm của họ. Và khi nói về quan điểm, chắc chắn ông Trump bất lợi.

Vị tổng thống này đã gây sốc khi chỉ trích thẳng thừng truyền thông Mỹ, gọi họ là những người đưa "tin vịt". Thái độ đối đầu này dễ hiểu khi dẫn tới việc báo chí Mỹ không thể ưa đương kim tổng thống. Và báo chí Mỹ có quyền lựa chọn đăng tải những gì họ muốn.

Lấy ví dụ, một bài trên Boston Herald ngày 24-10 chỉ ra rằng một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trước ngày bầu cử là cuộc chiến giữa Trump và truyền thông.

Nhà báo Grace Curley của đài Newsmax (được cho là thân ông Trump) chỉ trích báo chí Mỹ kịch liệt, khẳng định báo Mỹ đang "chơi tất tay" để loại ông Trump, đánh đổi uy tín của mình bằng việc cho phép đối thủ Biden "được miễn trừ khỏi bất kỳ và tất cả những câu hỏi khó. Báo chí Mỹ cũng im lặng về vụ bê bối của con trai ông Biden".

Về điều này, thư ký tòa soạn của Đài NPR Terence Samuel nói: "Chúng tôi không muốn phí thời gian vào những câu chuyện vốn thực sự chẳng phải là câu chuyện, và chúng tôi không muốn phí thì giờ của độc giả và thính giả cho những câu chuyện vốn hoàn toàn giải trí/xao nhãng".

Trong tình huống đối đầu trực diện với truyền thông, những người phát ngôn cẩn thận như ông Biden có khả năng hạn chế tối đa nguy cơ bị "bóc mẽ". Ngược lại, ông Trump với nhiều phát biểu không cung cấp bằng chứng hay căn cứ vững chắc, sẽ cảm nhận rằng đây là một cuộc chiến mà ông không thể thắng.

Tương tự trường hợp Abrams ở Georgia, năm nay sẽ có người hỏi rằng: Vì sao khi Đảng Dân chủ của bà Hillary Clinton thua vào năm 2016 thì rộ lên việc Nga tung tin giả, can thiệp bầu cử Mỹ, còn năm nay khi Đảng Dân chủ của ông Biden đang nắm lợi thế lớn, không ai nhắc tới việc Nga hay Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ nữa?

Hãng tin AP có "câu trả lời" bằng một bài viết ngày 21-11 bằng dòng tít: "Ai cần Nga? Những màn tấn công ồn ào nhất vào lá phiếu của nước Mỹ đều xuất phát từ Trump".

Nghị sĩ Michigan tôn trọng kết quả bầu cử

Sau cuộc gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 20-11, ông Mike Shirkey - lãnh đạo phe đa số Thượng viện bang Michigan và ông Lee Chatfield - chủ tịch Hạ viện bang Michigan, ra tuyên bố cam kết không can thiệp vào quá trình xác nhận kết quả bầu cử tại bang. Michigan sẽ chốt sổ kết quả bầu cử vào ngày 23-11.

"Là các nhà lãnh đạo cơ quan lập pháp, chúng tôi sẽ tuân thủ luật pháp và thực thi bình thường tiến trình xem xét các đại cử tri của Michigan, đúng như những gì chúng tôi đã nói trong suốt cuộc bầu cử này", thông cáo dẫn quan điểm của hai nghị sĩ Mike Shirkey và Lee Chatfield.

Ông Trump bất ngờ phát biểu tại diễn đàn APEC trực tuyến Ông Trump bất ngờ phát biểu tại diễn đàn APEC trực tuyến

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump có sự xuất hiện hiếm hoi và bất ngờ tại diễn đàn APEC trực tuyến ngày 20-11 sau khi đã không tham dự APEC kể từ 2017, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp