02/12/2022 16:15 GMT+7

Báo cáo Thủ tướng về kết luận thanh tra mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 ở Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Liên quan việc thanh tra mua sắm kit xét nghiệm, vắc xin COVID-19 tại Hà Nội, TP.HCM và Bộ Y tế, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho hay Thanh tra Chính phủ đã kết luận và báo cáo Thủ tướng. Sau khi Thủ tướng có ý kiến sẽ công bố.

Báo cáo Thủ tướng về kết luận thanh tra mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 ở Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM - Ảnh 1.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm - Ảnh: PHẠM THẮNG

Chiều 2-12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước các luật đã được kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV thông qua.

Việc chậm ban hành kết luận thanh tra sẽ không còn

Liên quan đến dự án Luật thanh tra (sửa đổi), Tuổi Trẻ Online đã đề nghị lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết với luật sửa đổi có khắc phục được việc chậm ban hành kết luận thanh tra mà nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ở phiên thảo luận về dự án luật này không? Trong trường hợp nếu vẫn chậm ban hành kết luận thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Liên quan đến các cuộc thanh tra về mua sắm kit xét nghiệm, vắc xin COVID-19 tại Hà Nội, TP.HCM và Bộ Y tế đến nay đã gần 1 năm nhưng chưa có thông báo về kết luận. Vậy khi nào sẽ ban hành kết luận thanh tra?

Trả lời các câu hỏi này, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho hay một trong những nội dung được sửa đổi của Luật thanh tra lần này là khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Ông khẳng định khi luật này có hiệu lực thi hành, được thực hiện chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc chậm ban hành kết luận thanh tra và tiến tới sẽ không còn chậm nữa.

Điều này thể hiện rõ trong quy định của luật. Theo đó đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành thì thời gian xây dựng, báo cáo kết quả thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.

Tương tự sau khi có kết quả thanh tra xong thì xây dựng dự thảo kết luận thanh tra cũng ngắn như thế.

“Với tư cách phó tổng Thanh tra Chính phủ, tôi khẳng định, luật khi có hiệu lực thì việc chậm ban hành kết luận thanh tra sẽ không còn”.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng có riêng một nghị quyết quy định về nâng cao chất lượng và thời gian ban hành kết luận thanh tra.

"Khẳng định rằng những cuộc thanh tra khi chưa có báo cáo Thủ tướng thì không bố trí trưởng đoàn cuộc đó làm trưởng đoàn cuộc tiếp nữa. Việc này để tập trung làm xong thì mới tiếp tục làm. Đó là giải pháp cụ thể", ông Liêm nói.

Gần đây nhất, trên cơ sở đó, theo ông Liêm, Thanh tra Chính phủ ban hành quy chế cho đoàn thanh tra, quy định rất cụ thể.

Trong đó có nội dung siết chặt để sau khi thanh tra trực tiếp xong thì xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra phải bảo đảm đúng theo thời gian quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc thanh tra mua sắm kit xét nghiệm, vắc xin COVID-19 tại Hà Nội, TP.HCM và Bộ Y tế, ông Liêm cho hay Thanh tra Chính phủ đã kết luận và báo cáo Thủ tướng.

"Sau khi Thủ tướng có ý kiến, chúng tôi sẽ công bố công khai theo quy định của pháp luật", ông Liêm thông tin.

Tiền ảo, tài sản ảo sẽ được quản lý như thế nào?

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về việc quản lý tiền ảo, tài sản ảo trong Luật phòng, chống rửa tiền, ông Tạ Quang Đôn, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước, cho hay hoạt động phòng chống rửa tiền luôn cập nhật với thời gian và nhận diện được các hoạt động về rửa tiền trong thực tiễn.

Theo ông Đôn, trong luật thông qua đã có quy định ứng xử với các lĩnh vực mới.

Về vấn đề pháp lý liên quan quản lý tiền ảo, tài sản ảo, ông Đôn nêu trong kế hoạch 941 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch phòng chống rửa tiền giai đoạn 2022 - 2025 đã giao các bộ, ngành ban hành các quy định về tài sản ảo làm cơ sở cho công tác này.

Về các hoạt động chứng khoán, bất động sản có nguy cơ rửa tiền cao, ông Đôn nêu trong luật đã có các quy định cụ thể từ nhận biết khách hàng cho đến báo cáo, xây dựng các quy định...

Ông nhấn mạnh các điều khoản về báo cáo dấu hiệu giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đã có các quy định nêu rõ từng dấu hiệu và đối tượng báo cáo phải thực hiện phân tích thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về thanh toán bất động sản thông qua ngân hàng, ông Đôn nói theo kế hoạch 941 của Chính phủ thì sẽ xử lý vấn đề này trong Luật kinh doanh bất động sản. Hiện Bộ Xây dựng đang tiến hành xây dựng dự án luật này và Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp thực hiện.

Tại cuộc họp báo, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố sáu luật được kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện; Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật dầu khí; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật thanh tra và Luật phòng, chống rửa tiền.

Đại biểu Quốc hội: Kết luận thanh tra chậm ban hành 1-6 năm, ai chịu trách nhiệm? Đại biểu Quốc hội: Kết luận thanh tra chậm ban hành 1-6 năm, ai chịu trách nhiệm?

TTO - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho hay thực tế còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận và thời gian chậm ban hành từ 1- 6 năm.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp