Nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An) được đầu tư gần 3.000 tỉ đồng nhưng đến nay chưa thể ra sản phẩm, khiến Bộ Tài chính liên tục phải trích quỹ trả nợ thay - Ảnh: SƠN LÂM |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu như vậy tại thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 1-11 về kế hoạch tài chính 5 năm, nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Tại đây, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự lo lắng khi nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn. Trong khi đó các dự án đầu tư thì dàn trải, kém hiệu quả…
Thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thẳng thắn cho rằng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, việc chấp hành việc sử dụng vốn vay chưa nghiêm.
Theo đại biểu Phương, thời gian qua có những quyết định đầu tư nhưng không tính toán đến khả năng bố trí vốn, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, có tình trạng dự án chuẩn bị sơ sài, phê duyệt hình thức để được bố trí vốn dẫn đến dự án phải điều chỉnh nhiều lần, bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây thất thoát lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư.
Báo cáo rất thẳng thắn, chỉ ra nguyên nhân buông lỏng quản lý, nhưng chưa chỉ ra có bao nhiêu dự án hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ, bao nhiêu dự án cần xem xét, đề nghị truy tố.
Đại biểu Phương dẫn chứng “chỉ 5 dự án xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nguyên liệu sinh học Dung Quất đã làm "tiêu tan" trên 30.000 tỉ đồng.
Trong đó, dự án gang thép Thái Nguyên đầu tư dự kiến 3.800 tỉ đồng, nhưng tăng lên trên 8.100 gấp trên 2 lần.
Dự án bột giấy Phương Nam dự kiến 1.400 tỉ đồng điều chỉnh lên 3.400 tỉ đồng, nhưng sau này chạy thì không thành công, nay nhà máy gần như bỏ hoang.
Kiểu báo cáo và thẩm tra như trên chỉ là “bắn chỉ thiên”.
Ông Nguyễn Ngọc Phương- Ảnh: VIỆT DŨNG |
Về dự kiến đầu tư giai đoạn 2016-2020, đại biểu Phương đề nghị “bổ sung vốn đầu tư đúng đối tượng sao cho có hiệu quả.
Đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích, làm rõ nguyên nhân nợ công, áp lực trả nợ, khả năng trả nợ để người dân yên tâm”.
Cũng như đại biểu tỉnh Quảng Bình, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng bày tỏ lo lắng khi nợ công tăng gần sát 65% GDP, nhiều chỉ số khác cũng tăng và GDP 2016 khó có thể đạt như QH đề ra. Nguy cơ mất an toàn cho nền tài chính, nợ công có thể vượt 65% GDP.
Trước mắt VN vẫn phải vay nợ, trong khi áp lực nợ vẫn tăng, vay đảo nợ vẫn phải vay sẽ tạo áp lực cho cân đối vay - trả nợ.
Về nguyên nhân, ông Tiến cho rằng “đầu tư dàn trải”, “quản lý vốn vay không hiệu quả”. Vì vậy ông đề nghị Chính phủ phải có chiến lược rõ ràng, triệt để tiết kiệm, đề cao vai trò người đứng đầu.
Vẫn ưu tiên các dự án trọng điểm và giao thông
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết kế hoạch đầu tư 5 năm tới là “cần tập trung ưu tiên đầu tư công cho các dự án trọng điểm, bên cạnh đó cũng phải đầu tư cho các địa phương khó khăn để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương”. Ông cho biết theo quy định, việc chọn đầu tư danh mục dự án thì các bộ, ngành địa phương cần có thời gian rà soát, lựa chọn lại. Để tăng quyền tự chủ thì Chính phủ đã đề xuất Quốc hội để các bộ, ngành, địa phương tự quyết định danh mục dự án đầu tư theo mức độ quan trọng của mình. Về các dự án khởi công mới từ trái phiếu Chính phủ, do chưa có thẩm định nên phải chờ Quốc hội thông qua. Về quan điểm, định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, nói dàn trải, đầu tư cho lĩnh vực giao thông nhiều, ít cho y tế, nông nghiệp, bộ trưởng Dũng giải thích phải “dành tỷ trọng lớn vốn trái phiếu Chính phủ cho giao thông là nhằm đột phá theo nghị quyết Quốc hội”. “Nhu cầu vốn đầu tư lớn, khả năng hạn hẹp nên ưu tiên bố trí đủ những dự án nợ đọng, nếu còn thì mới bố trí cho các dự án khởi công mới” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận