14/05/2019 19:56 GMT+7

'Báo cáo hay nhưng heo chết quăng đầy đường'

S. ĐỊNH
S. ĐỊNH

TTO - Đó là ý kiến của ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ NN-PTNT - tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về công tác kiểm soát dịch tả heo châu Phi (ASF) vào chiều 14-5.

Ông Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc

Chiều 14-5, ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghệp và Phát triển Nông thôn - đã dẫn đầu đoàn công tác của bộ làm việc với Đồng Nai về việc kiểm soát ASF.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh có số lượng heo lớn nhất cả nước với khoảng 2,5 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 75%, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng 25% tổng đàn. Tuy nhiên vừa qua đã xảy ra 5 ổ dịch ASF trên địa bàn huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu. 

Vì vậy, ban chỉ đạo của tỉnh đã khẩn trương tiến hành các biện pháp kiểm tra xử lý và tiêu hủy, đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng cho các hộ chăn nuôi, lập thêm chốt kiểm soát các cơ sở giết mổ, vận chuyển…

Báo cáo hay nhưng heo chết quăng đầy đường - Ảnh 2.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Đồng Nai bằng mọi giá phải bảo vệ "thủ phủ" heo - Ảnh: S.Đ

Qua kiểm soát tình hình dịch ASF, ông Bạch Đức Lữu - giám đốc Trung tâm thú y vùng 6 - lưu ý: "Đồng Nai là địa phương cung cấp nguồn heo rất lớn cho thị trường TP.HCM nhưng vấn đề kiểm soát giết mổ trên địa bàn còn chưa chặt chẽ, thậm chí đã có trường hợp đánh tráo heo giữa các tỉnh nên hết sức nguy hiểm. Đồng Nai cần tiếp tục chỉ đạo giám sát và xử lý gọn trong trường hợp phát hiện ổ dịch". 

Ông Lữu dẫn chứng ổ dịch ASF xảy ra ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom là do giết mổ heo lậu, sau đó lây sang khu vực xã Đồi 61, huyện Trảng Bom. Còn ổ dịch xảy ra tại huyện Nhơn Trạch là do người chăn nuôi dùng thức ăn thừa ở các khu công nghiệp.

Ông Trần Văn Quang - chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai - nói: "Lo nhất của tỉnh là khó khăn kiểm soát vận chuyển. Trong thời gian các tỉnh phía Bắc bị chúng ta không kiểm soát được. Trong khi đó, Đồng Nai cả trăm cây số từ huyện Xuân Lộc đến thành phố Biên Hòa. Và thực tế đã xảy ra việc ném heo chết xuống kênh mương, ven đường cũng là nguyên nhân lây lan bệnh. Chúng tôi nỗ lực kiểm soát nhưng chưa biết diễn biến dịch ASF sắp tới như thế nào". 

Ông Quang cũng dẫn chứng phương pháp mà tỉnh hỗ trợ cho hộ có heo bệnh là tính con để tiêu hủy nhanh "chứ xảy ra bệnh hàng ngàn con thì không thể cân kịp".

Báo cáo hay nhưng heo chết quăng đầy đường - Ảnh 3.

Đại diện tỉnh Đồng Nai nói về công tác kiểm soát dịch ASF trên địa bàn - Ảnh: S.Đ

Giải thích thêm với đoàn về việc kiểm soát dịch bệnh, ông Võ Văn Chánh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết Đồng Nai khi xảy ra các ổ dịch tỉnh có ngay các ra các chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi tiêu hủy đàn heo bệnh. 

Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn lo nhất về ý thức của người dân, vì thực tế khi ban chỉ đạo của tỉnh xuống kiểm tra thì một số địa phương trong tỉnh còn làm rất sơ sài về công tác khử trùng tiêu độc. 

Lực lượng thú y  tổ chức tiêu độc khử trùng ở khu vực chăn nuôi phòng chống dịch ASF - Thực hiện: S.Đ

Ông Chánh nói: "Khi xác minh ổ dịch ASF tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom thì ngành chức năng làm chưa tốt. Vì vậy đã  xảy ra một số việc xử lý chậm trễ đáng tiếc và gây khó khăn cho công tác kiểm soát sau đó. Tuy chưa xảy ra hậu quả gì nghiêm trọng nhưng vẫn cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm". 

Ông Chánh cũng cho hay, khi ổ dịch xảy ra ở huyện Trảng Bom, tỉnh e ngại đưa thông tin sớm sẽ làm người dân hoang mang và quay lưng với thịt heo…

Phát biểu chỉ đạo, thứ trưởng Bộ Nông nghệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cũng đánh giá cao sự cố gắng và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn đầu chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Ông Tiến nói: "Tôi mong Đồng Nai phải kiểm soát hiệu quả nhất,  chắc chắn nhất để giữ được "thủ phủ" heo của cả nước".

Nói thêm về công tác phòng chống dịch, ông Tiến dẫn chứng: "Thời gian vừa qua ở một số tỉnh nghe báo cáo rất hay và khá bình tĩnh như chưa hề có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế thì heo chết lại quăng đầy bên đường, xác heo trôi đầy sông như ở Bắc Giang".

Theo ông Tiến, dịch ASF đang có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh qua rất nhiều khâu như vận chuyển, bày bán, chuột bọ, chim cũng là nơi cư trú và "phương tiện" lan truyền dịch bệnh nên các địa phương cần phải nghiêm túc thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghệp và Phát triển Nông thôn.

Dịch đã xuất hiện trên 29 tỉnh thành. Tuy số tỉnh không tăng, nhưng số lượng đàn heo bị dịch lại tăng. Nếu từng địa phương không có giải pháp và kiểm soát quyết liệt hơn nữa thì trong thời gian tới tình hình dịch ASF sẽ lây lan.

"Thú y vùng 6 phải cử lực lượng cán bộ xuống tận các địa phương để trực tiếp tập huấn theo kiểu "cầm tay chỉ việc" mới mong đạt hiệu quả. Đồng thời, cần phải xây dựng kịch bản ở các cấp độ khác nhau nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh"- ông Tiến yêu cầu.  

S. ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp