Thông tin này được đưa ra trong báo cáo "Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023" được công bố ngày 2-4.
TP.HCM và địa phương nào có nhiều người muốn đến sinh sống, vì sao?
4/5 thành phố trực thuộc trung ương là điểm đến lý tưởng
Đây là cáo cáo nghiên cứu chính sách chung của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) Việt Nam.
Báo cáo thể hiện cảm nhận, trải nghiệm, ý kiến và kỳ vọng của 19.536 người dân trên khắp Việt Nam về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền, thông qua khảo sát PAPI được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2023.
Những người dân tham gia khảo sát PAPI đại diện cho công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, thuộc nhiều thành phần nhân khẩu học khác nhau, được chọn ngẫu nhiên từ các đơn vị thôn/tổ dân phố/ấp/ bản/buôn, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/ thành phố trực thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương được chọn mẫu thông qua phương pháp phân tầng và xác suất theo quy mô dân số (PPS).
Trong báo cáo này có nghiên cứu vấn đề di cư nội địa.
Kết quả cho thấy TP.HCM là địa phương mà người dân các tỉnh thành khác muốn di cư đến nhiều nhất.
Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, ngoại trừ Hải Phòng, bốn thành phố còn lại đều là những lựa chọn di cư mong muốn nhất của người dân.
Di cư chủ yếu là để đoàn tụ gia đình
Ở chiều ngược lại, Lai Châu là tỉnh có số người dân muốn di cư nhiều nhất. Một tỉnh khác là Điện Biên cũng có tỉ lệ người dân muốn di cư khá lớn.
Theo báo cáo, trung bình cả nước chỉ có 0,95% số người được hỏi cho biết họ dự định di chuyển tới địa phương khác vào năm 2023, thấp hơn khoảng 0,65% so với năm 2021 và 2022.
Số người cho biết có ý định di chuyển đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên và Lai Châu, và tỉnh miền Trung là Quảng Bình, nơi từng xảy ra lũ lụt nhiều hơn so với người đến từ các tỉnh, thành phố khác.
Nhiều người ở các tỉnh Tây Bắc như Điện Biên và Lai Châu thường nói rằng họ mong được chuyển đến Hà Nội.
Tiếp theo là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Đồng Tháp và các tỉnh Nam Trung Bộ như Bình Thuận và Ninh Thuận, với mỗi tỉnh có hơn 2% số người được hỏi bày tỏ mong muốn di cư sang tỉnh/thành phố khác.
Trong số những người muốn di chuyển lâu dài khỏi các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 40% cho biết họ muốn chuyển đến sinh sống ở TP.HCM và 20% muốn đến Cần Thơ.
Về lý do muốn di cư, đoàn tụ gia đình là yếu tố được nhiều người dân lựa chọn nhất. Trong khi đó, lý do không có thiên tai là yếu tố ít được lựa chọn nhất.
Về lý do người dân mong muốn di cư vào năm 2023, đoàn tụ gia đình là động lực chính của 40,68% người trả lời. Có việc làm tốt hơn và môi trường tự nhiên tốt hơn là động lực thứ hai và thứ ba (lần lượt với tỉ lệ người trả lời tương ứng là 21,8% và 17,4%). Trong khi đó, chỉ có 1,39% số người trả lời cho rằng họ có ý định chuyển tới nơi không có thiên tai.
Tuy là lý do được nhiều người chọn nhất nhưng tỉ lệ người muốn di cư vì đoàn tụ gia đình năm 2023 giảm so với năm 2020 và 2021, tăng nhẹ so với năm 2022. Các lý do có việc làm tốt hơn, dịch vụ công tốt hơn, không có thiên tai có tỉ lệ tăng so với năm 2022.
Người dân muốn đến TP.HCM vì có việc làm tốt hơn
Đối với 5 tỉnh, thành người dân muốn đến sinh sống nhất, mỗi nơi có các yếu tố thu hút khác nhau. Riêng TP.HCM, đoàn tụ gia đình, có việc làm mới tốt hơn là hai yếu tố được lựa chọn nhiều nhất.
Đoàn tụ gia đình là lý do chính khiến 49% người muốn di cư đến hai thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội và TP.HCM. Đoàn tụ gia đình cũng là lý do đối với 30% số người sẵn sàng chuyển đến Cần Thơ.
Lâm Đồng và Đà Nẵng là những điểm đến hấp dẫn đối với những người quan tâm đến điều kiện môi trường tự nhiên tốt hơn, với tỉ lệ lựa chọn hai tỉnh, thành phố này tương ứng là 70% và gần 40%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận