22/01/2018 18:05 GMT+7

Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân trình Chính phủ

Nguồn: Vietnam Finance
Nguồn: Vietnam Finance

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã có báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp gửi Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân trình Chính phủ - Ảnh 1.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã tổng hợp đề xuất của các doanh nghiệp trình Chính phủ

Báo cáo này sẽ được các bộ ngành góp ý trước khi chính thức trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2018.

Các phản ánh, kiến nghị nêu lên trong báo cáo được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Ban Nghiên cứu) tổng hợp tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp tổ chức hồi tháng 12/2017. Nội dung các phản ánh tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, du lịch, kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư tài chính…

6 bất cập của ngành nông nghiệp

Theo Ban Nghiên cứu, các doanh nghiệp cho rằng chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn chưa hiệu quả, chưa thiết thực, thiếu tính ổn định, độ hấp dẫn cũng như độ an toàn/bền vững của chính sách không cao.

Bên cạnh đó, quy trình thủ tục để tiếp cận ưu đãi, nhận ưu đãi còn rườm rà, phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức của doanh nghiệp. Các chính sách về thuế (VAT, thu nhập doanh nghiệp doanh nghiệp, thu nhập cá nhân…) còn bất bình đẳng giữa các chủ thể trong cùng một lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vì hiện tại chính sách thuế đang bảo hộ người nông dân so với doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa phù hợp. Cụ thể, quy trình thủ tục thành lập vùng, thủ tục chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn phức tạp; các hoạt động chứng nhận và cấp các loại giấy phép đang chủ yếu do cấp trung ương thực hiện khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và mất thêm chi phí.

Sàn giao dịch nông sản cũng chưa "đúng nghĩa" để có thể kiểm soát được chất lượng, sản lượng và giá trị cho nông sản cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển thương mại điện tử, chú trọng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Một điểm bất cập nữa là dù sản lượng xuất khẩu đã tăng lên hàng năm nhưng giá trị nông sản so với các nước trong khu vực lại chưa cao. Nguyên nhân là thói quen sử dụng các vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật một cách tùy tiện, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản của người sản xuất. Do vậy, thương hiệu nông sản Việt tại thị trường cao cấp không cao dẫn đến giá trị kinh tế thấp.

Theo các doanh nghiệp, cơ chế hợp tác công tư trong xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp còn hạn chế, hình thức, ít hiệu quả. Việc không xác định được thị trường trọng tâm dẫn đến phân bổ nguồn lực bất hợp lý. Hơn nữa, các chương trình xúc tiến còn hình thức, chưa thực sự kết nối được nhu cầu của các thị trường với tiềm năng sản xuất trong nước nên nhiều nguồn lực của cả hai phía công – tư còn bị lãng phí.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ cần có thêm các chính sách đặc thù và kịp thời cho ngành tôm giống để tăng cường ngành tôm, đảm bảo sự phát triển bền vững cho các vùng nuôi, trồng tôm giống.

Chính sách thị thực đang cản trở ngành du lịch

Theo Ban Nghiên cứu, trong năm 2017, ngành du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể nhờ một loạt cơ chế, chính sách phù hợp. Tuy nhiên những kết quả hiện tại vẫn chưa đủ để tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành du lịch. Nguyên nhân là mới chỉ chú trọng số lượng mà chưa phải chất lượng du khách; quá trình phát triển nóng về du khách chưa đi đôi với phát triển năng lực quản lý điểm đến và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù…

Cụ thể, đầu tư quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia chưa tương xứng với mục tiêu phát triển và tiềm năng du lịch quốc gia. Ngân sách quốc gia dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch còn quá thấp so với tiềm năng, mục tiêu của ngành.

Việc chi ngân sách còn dàn trải, kém hiệu quả, không gắn với thị trường trọng tâm. Các hoạt động thu chi, quyết toán… cho quảng bá, xúc tiến hoàn toàn không tạo điều kiện thúc đẩy cho hoat động này và do vậy khiến các đơn vị thực hiện gặp nhiều khó khăn khi xây dựng các nội dung quảng bá.

Chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam đang là rào cản của ngành du lịch. Các doanh nghiệp cho rằng chính sách thị thực của Việt Nam không có sức cạnh tranh và hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực; thời gian miễn thị thực trung bình chỉ được 15 ngày, ít hơn các nước láng giềng. Chính phủ lại thường công bố danh sách các nước được miễn thị thực theo từng năm một và trước thời điểm áp dụng chỉ 1 – 3 tháng do vậy gây khó khăn cho việc thu hút khách.

Môi trường điểm đến du lịch còn chưa được quản lý đúng mức và chuyên nghiệp, làm giảm đáng kể lượt du khách muốn quay lại Việt Nam. Theo WEF, mức độ an ninh và an toàn của Việt Nam chỉ đứng ở trên trung bình (hạng 57). Đáng chú ý, các chỉ tiêu về môi trường đứng ở thứ hạng thấp và rất thấp. Du khách quốc tế phản ánh một loạt các điểm xấu của du lịch như bị gian lận, bị làm phiền, thói quen xả rác bừa bãi của người bản địa, độ an toàn khi tham gia giao thông thấp…

Theo các doanh nghiệp, thái độ ứng xử của cơ quan công quyền đối với doanh nghiệp còn nhiều tùy nghi, lạm dụng thực thi chính sách pháp luật để làm khó doanh nghiệp. Tình trạng giao tiếp ứng xử tùy nghi, vòi vĩnh, lạm dụng thanh kiểm tra với doanh nghiệp rất phổ biến. Việc áp dụng pháp luật cũng tùy nghi, ít công khai minh bạch, thiếu thống nhất trên dưới…

Nhiều điểm nghẽn trong kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo

Ban Nghiên cứu cho rằng quá trình hình thành nền kinh tế số cũng như phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam, quá trình khuyến khích đổi mới sáng tạo để thúc đẩy sự chuyển dịch của nền kinh tế còn nhiều thách thức, chưa hội tụ các điều kiện thuận lợi cần thiết.

Cụ thể, chưa có chiến lược chuyển đổi số quốc gia nên các chính sách triển khai còn thiếu vắng hoặc không đồng nhất với chủ trương lớn. Doanh nghiệp công nghệ thông tin vẫn gặp sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tại NQ36A/NQ-CP về chính phủ điện tử; gặp khó khăn về quy trình thủ tục và cách thức định giá sản phẩm công nghệ thông tin tại Nghị định 102/2009/NĐ-CP; gặp rào cản đầu tư do quy định về phí viễn thông công ích tại Thông tư 572016/TT-BTC.

Chính sách cho các doanh nghiệp vận hành mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là các doanh nghiệp phát triển kinh số cần tiếp tục hoàn thiện cụ thể hơn. Doanh nghiệp công nghệ thông tin chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư; doanh nghiệp startup tuy có chủ trương mạnh mẽ nhưng khung pháp lý lại chưa hoàn thiện, đặc biệt vấn đề thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo đang gặp nhiều khó khăn.

Các quy định pháp lý về hướng dẫn các nhà đầu tư rót tiền vào và rút vốn ra khỏi nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thật rõ ràng, minh bạch khiến hiện tượng "chảy máu" startup về hướng các quốc gia lân cận ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa thống nhất nhận thức, còn thiếu nguồn lực để phát triển thành phố thông minh; việc triển khai còn lúng túng, rời rạc, chưa huy động được nguồn lực tư nhân dẫn tới gia tăng chi phí vốn.

Môi trường chính sách và khung pháp lý hiện hành còn nhiều điểm gây khó khăn cho doanh nghiệp mở rộng, phát triển hoạt động kinh danh. Chính sách thuế với doanh nghiệp trong và ngoài nước còn nhiều bất cập.

Chẳng hạn như trong khi các đơn vị cung cấp dịch vụ qua biên giới như Google, Facebook, Grab chỉ phải trả thuế nhà thầu 5% thì doanh nghiệp Việt phải trả VAT, thuế người dùng và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp Việt đua nhau mở công ty ở nước ngoài để tối ưu thuế.

Cổ phần hóa còn chậm, chế tài chưa nghiêm

Theo Ban Nghiên cứu, tốc độ cổ phần hóa cần được đẩy nhanh hơn và theo lộ trình rõ ràng từ đầu. Hiện tại, lượng chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp nhà nước phổ biến ở mức 5 – 15%. Tuy nhiên theo nghiên cứu của VinaCapital, các trường hợp cổ phần hóa thường thành công hơn khi có lộ trình rõ ràng giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước trong 3 – 5 năm. Khi nhà đầu tư chưa thấy lộ trình trong thời hạn rõ ràng, sự tham gia của họ sẽ không được như mong muốn.

Ngoài ra, Ban Nghiên cứu cũng nhấn mạnh cần tạo sân chơi công bằng với chế tài rõ ràng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chẳng hạn, Chính phủ đã có quy định về thời hạn các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải niêm yết trên sàn giao dịch đại chúng và cũng đã có những lời cam kết từ phía cơ quan quản lý để áp dụng chế tài nghiêm khắc nhằm thúc ép các công ty chưa chịu lên sàn. "Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa thấy doanh nghiệp nào bị phạt nặng", Ban Nghiên cứu cho biết.

Nguồn: Vietnam Finance
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp