Trang nhất các tờ báo lớn của Anh ra ngày thứ Tư, 16-1-2019, sau khi Thủ tướng Theresa May thất bại tại cuộc bỏ phiếu quan trọng về dự thảo Brexit - Ảnh: GUARDIAN
Tờ The Sun đã chơi chữ bằng cách ghép hai từ "Brexit" + "extinct" (tuyệt chủng) thành "Brextinct" với thông điệp rõ ràng: nhiệm kỳ thủ tướng của bà May giờ cũng chỉ mong manh và ngắn ngủi như thỏa thuận Brexit.
Chạy giữa trang nhất này là dòng chữ "May’s Brexit deal dead as a dodo" (Thỏa thuận Brexit của bà May đã tuyệt tích như loài chim dodo).
Cạnh đó là 2 con số nói lên nhiều điều: "For 202" (202 phiếu thuận) và "Against 432" (432 phiếu chống).
Báo THE GUARDIAN
Báo Guardian dàn gần hết trang nhất bức ảnh hiếm hoi chụp cảnh các nghị sỹ đang bước đi trong sảnh để bỏ phiếu chống với thỏa thuận Brexit của bà May.
Dòng tít lớn chạy ở giữa phía trên: "May suffers historic defeat as Tories turn against her" (Bà May chịu thất bại lịch sử khi bị các thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền chống lại".
Cũng ngay trong trang nhất, các thông tin đi kèm với bức ảnh là những gì quan trọng nhất độc giả cần nắm được về diễn biến quan trọng của chính trường Anh: "Trong một ngày vô cùng kịch tính tại Westminster, Hạ viện Anh đã đưa ra phán quyết hủy diệt với thỏa thuận của bà May, bỏ phiếu bác với tỉ lệ 432 trên 202 phiếu. Quy mô thất bại này, với chênh lệch tới 230 phiếu, là chưa có tiền lệ trong thời của nghị viện hiện đại".
Báo FINANCIAL TIMES
Báo Financial Times cũng đi trang nhất ngày 16-1 với hai điểm nhấn tương tự như Guardian khi chạy dòng tít lớn: "May’s Brexit deal crushed by Commons" (Thỏa thuận Brexit của bà May đã bị Hạ viện nghiền nát).
Trong khi đó báo Daily Mirror tập trung vào kiến nghị quốc hội tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm với thủ tướng Theresa May của ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng.
Báo DAILY MIRROR
Trên nền màu đen đầy ngụ ý, tờ báo này chạy tới 4 chữ "no" trong dòng tít lớn: "No deal, no hope, no clue, no confidence" (Không thỏa thuận, không hi vọng, không manh mối, không niềm tin).
Báo Telegraph gọi kết quả bỏ phiếu là "một điều hoàn toàn nhục nhã" và thỏa thuận Brexit đã "biến thành tro bụi".
Báo THE DAILY TELEGRAPH
Tờ báo này cay nghiệt chỉ trích thủ tướng Anh khi chạy ngay trang nhất đoạn bình luận với những câu: "Phải cần một loại kỹ năng đặc biệt thì mới khiến được ngần ấy người liên kết lại để chống lại bà".
Báo THE TIMES
Tờ The Times cũng chạy dòng tít lớn "May suffers historic defeat" (Bà May hứng chịu thất bại lịch sử) và cũng nhấn mạnh tới hai con số "khủng khiếp" của kết quả bỏ phiếu là 202 và 432 ngay trên trang nhất.
Báo DAILY EXPRESS
Tờ Daily Express chơi chữ với cách dùng chữ "Dismay" ("dismay" nghĩa gốc là "thất vọng", "không vui", nhưng nó cũng có nghĩa là không thích bà May).
Tuy nhiên vì quan điểm tờ báo này là ủng hộ Brexit nên kết quả bỏ phiếu không khiến tờ này giận dữ với bà May quá nhiều. Theo Daily Express, bà May "đã đấu tranh kiên cường để bảo vệ thỏa thuận của bà".
Tờ báo này còn chạy một hàng dài biểu đạt thông điệp chính muốn gửi tới các nghị sĩ ngay trên trang nhất: "Đất nước này đang rất cần sự đoàn kết, nhưng tất cả những gì ông Jeremy Corbyn muốn chỉ là phế truất thủ tướng. Giờ là lúc các nghị sĩ hãy thực hiện trách nhiệm của họ và hợp tác với bà May để có được một thỏa thuận thỏa mãn 17,4 triệu người đã bỏ phiếu chọn Brexit… Đừng để chúng tôi thất vọng!"
Báo DAILY MAIL
Ngay cả tờ Daily Mail, tờ báo vốn thường ủng hộ Thủ tướng Theresa May, trên trang nhất số ra ngày 16-1 cũng không thể nói gì hơn nữa ngoài một thông điệp kêu gọi những nghị sĩ Bảo thủ đã phản đối bà May trong khi bỏ phiếu hãy trở lại ủng hộ bà trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Lý do là nếu một thất bại nữa đến trong lần bỏ phiếu này, nước Anh sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử lại và nhiều khả năng ông Jeremy Corbyn sẽ trở thành ông chủ mới tại văn phòng số 10 phố Downing.
Những người ủng hộ EU vui mừng bên ngoài tòa nhà quốc hội Anh ở London ngày 15-1 sau khi các nghị sĩ bỏ phiếu bác dự thảo thỏa thuận Brexit của chính phủ - Nguồn: AFP
Hàng ngàn người Anh biểu tình phản đối Brexit
Trong khi các nghị sĩ Anh bỏ phiếu bác thỏa thuận Brexit, hàng hàng người dân nước này đã đổ ra đường để phản đối quyết định đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 15-1 hàng ngàn người Anh phản đối Brexit đã đổ ra tuần hành tại khu vực Quảng trường Nghị viện (Parliament Square) tại London.
Những người này đã vui mừng trước kết quả bỏ phiếu tại quốc hội khi số phiếu bác Brexit đã nhiều hơn gấp đôi số phiếu ủng hộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận