Phóng to |
Các em học sinh ngoại thành bên thư viện lưu động “Bánh xe tri thức” - Ảnh: Thư viện KHTH |
Đây là chương trình do Quỹ quốc tế Singapore (SIF) phối hợp với Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM thực hiện. Được chọn như một địa điểm đầu tiên của dự án tại TP.HCM, năm trường gồm tiểu học, trung học cơ sở và ba trung tâm văn hóa tại huyện Bình Chánh sẽ nhận được sự hỗ trợ của “Bánh xe tri thức”, với số học sinh được thụ hưởng chương trình hơn 3.000 em. Trước đây, chương trình đã rất thành công ở Bandung (Indonesia) và Hà Nội.
Ông Bùi Xuân Đức - giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM - không giấu được niềm vui mừng khi chương trình “Bánh xe tri thức” khởi động tại TP.HCM. Bởi mấy năm nay Thư viện Khoa học tổng hợp mới có một chiếc xe làm thư viện lưu động, mỗi năm thực hiện 30 chuyến đi phục vụ các xã ngoại thành. “Với một chiếc xe, chúng tôi chỉ phục vụ mỗi điểm 1 lần/năm. Nhiều địa phương đề nghị thư viện phục vụ mỗi năm hai lần nhưng không thể được” - ông Đức cho biết đó chính là lý do để Thư viện Khoa học tổng hợp viết dự án “Thư viện số lưu động - Bánh xe tri thức” và nhận được sự đồng ý tài trợ của SIF.
Hôm ra mắt “thư viện”, ông Đức nhiệt tình giới thiệu với mọi người từ chiếc xe bán tải loại 1,4 tấn đã được thiết kế thành xe chuyên dụng gồm ba khu vực: kệ để sách, bàn để máy tính (laptop) và tivi xem phim. Như vậy, đến với “Thư viện số lưu động - Bánh xe tri thức”, các em học sinh sẽ được làm quen với mạng Internet, sử dụng các thư viện eBook và cả sách đọc tại chỗ.
Trước sự hào hứng và cả ánh mắt lạ lẫm của các em học sinh Trường Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) - điểm đến đầu tiên của dự án, thầy hiệu trưởng Hồng Văn Tài cho biết lâu nay trường thường tranh thủ các buổi chào cờ để giới thiệu sách và vận động các em đọc sách. Nay có cả đoàn tình nguyện viên đến giới thiệu, tổ chức đọc và còn hướng dẫn các em cách truy cập điện tử, tiếp cận sách qua máy tính, thật là phấn khởi. Ghi nhận của các bạn tình nguyện viên trong buổi đầu tiên ở Trường Lê Minh Xuân là lời tấm tắc trầm trồ của các em trước sự hiện diện của thư viện mới lạ, như em Toàn - học sinh lớp 9, hay Minh Anh - lớp 6/3, cả hai đều có chung nhận xét là: “Trên xe này có nhiều sách tiếng Anh hay quá, hi vọng chương trình còn kéo dài để tụi con tranh thủ đến đọc”.
Trong đợt đầu của chương trình “Bánh xe tri thức”, các tình nguyện viên Singapore sang đến gần 20 bạn để hỗ trợ phía VN. Và xuyên suốt cả dự án dự kiến sẽ có 300 lượt tình nguyện viên đến từ Singapore tham gia hướng dẫn các em học sinh ở Bình Chánh trau dồi kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, các công cụ công nghệ thông tin để khai thác các thư viện eBook, các nguồn giáo trình, tài liệu học tập... Đều đặn mỗi tuần một lần, chuyến xe thư viện lưu động sẽ đến với các em, mở ra một chân trời mới để tiếp cận tri thức toàn cầu.
Không chỉ thực hiện thư viện truyền thống, các cô thủ thư còn tổ chức các sân chơi theo sách, giải câu đố, ô chữ, vẽ tranh, tô tượng... để thu hút các em. Bà Trần Thị Gìn - phó giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp - tâm sự rằng có đi mới thấy các em còn thiếu thốn và thiệt thòi nhiều lắm. Mỗi lần thư viện đến rồi đi, các em đều hỏi: “Chừng nào các cô trở lại nữa để tụi con tiếp tục đọc sách, được chơi với máy tính”.
Hi vọng mỗi nơi “Bánh xe tri thức” đi qua, dấu vết để lại là niềm yêu thích đọc sách và tinh thần học tập trọn đời sẽ hằn sâu trong nhận thức các em.
Khuyến khích việc học tập suốt đời Đọc và tự học thông qua các hoạt động tại các trường học và trung tâm văn hóa để khuyến khích việc học tập suốt đời - một khái niệm không mới với các nước phát triển như Singapore, khi một em bé vừa chào đời đã được nhà nước “quy hoạch” trong phần phúc lợi xã hội có cả đọc sách. Nhưng với VN, số sách đọc được trên đầu người hiện còn quá thấp, và mới đây quy hoạch ngành xuất bản định hướng đến năm 2020 mỗi người dân VN đọc năm quyển sách/năm. Trong bối cảnh đó, một dự án phát triển văn hóa đọc ưu tiên cho ngoại thành như vậy là tín hiệu đáng mừng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận