23/12/2011 08:55 GMT+7

Bánh kẹo dỏm ra chợ

Bánh ngoại chiếm 30% thị trường
Bánh ngoại chiếm 30% thị trường

TT - Mặc cho những cảnh báo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại mứt, bánh kẹo không thương hiệu, không nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng vẫn nhan nhản ở các chợ dịp tết do lợi nhuận quá hấp dẫn.

kU8u5adc.jpgPhóng to
Nhiều sản phẩm bánh kẹo không nhãn mác được bày bán tại chợ Bình Tây (TP.HCM) Ảnh: NHƯ BÌNH

Trong khi đó, cơ quan chức năng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra hàng hóa trong thời gian sắp tới.

Vỏ một đằng, ruột một nẻo

Theo Quản lý thị trường TP.HCM, cuối năm là thời điểm hàng hóa có mức tiêu thụ cao nhất, do đó hàng nhập lậu, hàng giả có chiều hướng tăng. Mới đây đội quản lý thị trường 3A Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra cơ sở sản xuất bánh kẹo Thiên Long (đường Tân Hòa Đông, P.14, Q.6) phát hiện nhiều sai phạm. Mặc dù cơ sở này khai báo mua các nguyên liệu trên thị trường để sản xuất nhưng thành phẩm đưa ra thị trường không hề có thông tin về hạn sử dụng, định lượng sản phẩm, cơ sở tận dụng bao bì cũ để đóng gói nên thông tin trên nhãn không đúng sự thật.

Ông Lý Ngọc Thắng - đội trưởng đội quản lý thị trường 3A (TP.HCM) - cho biết tình trạng các sản phẩm bánh kẹo vi phạm về nhãn mác, nhập lậu từ các tỉnh phía Bắc về tập kết tại các quận huyện vùng ven vẫn rất phức tạp và chất lượng sản phẩm không được kiểm định, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho người sử dụng. Hiện các đội cơ động quản lý thị trường tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, điểm tập kết hàng số lượng lớn để ngăn chặn nguồn tuồn ra chợ, các điểm bán lẻ.

Ngoài ra, một số sản phẩm của cơ sở còn làm nhái nhãn hiệu khác đã được đăng ký bảo hộ độc quyền. Kiểm tra kho hàng của đơn vị này tại đường Gò Công (P.13, Q.5), đội quản lý thị trường thu giữ hơn 20 thùng bánh vi phạm về nhãn hiệu, không hóa đơn chứng từ. Trước đó, cũng tại quận 6, công an kinh tế quận tạm giữ 500 thùng bánh kẹo nhập lậu có xuất xứ Trung Quốc tại kho hàng 21 Nguyễn Xuân Phụng (gần chợ Bình Tây). Trên bao bì các loại bánh kẹo không hề có nhãn thông tin ghi bằng tiếng Việt.

Ông Long - một thương lái chuyên lấy hàng bỏ mối cho các cửa hàng tại Long An, Tiền Giang - cho biết thời điểm này các cửa hàng chủ yếu đặt mua các loại kẹo, mứt khô như kẹo chuối, kẹo bắp vì có thể bán lai rai từ giờ tới tết. Các loại bánh nhân kem, sôcôla bán khá chạy nhưng khoảng một tuần nữa mới “đánh” hàng nhiều vì sợ để lâu không được. Hầu hết các loại bánh dạng này đều không có nhãn mác, đóng bịch lớn 5-10kg. Khi mua về, các cửa hàng chia nhỏ rồi đóng bịch để bán.

Chợ Bình Tây (Q.6) những ngày này thương lái đổ về lấy hàng khá nhiều. Bên cạnh những hộp bánh mứt, kẹo của cơ sở trong nước, có không ít bánh mứt, kẹo nhập khẩu đủ nhãn mác được bày biện khá bắt mắt, phong phú. Ngay cổng chợ Bình Tây hay các sạp chuyên bán hàng tết ở đường Lê Quang Sung (Q.6), các loại bánh kẹo, mứt, trái cây khô không nhãn mác được đóng hộp nhựa hoặc vào từng bịch nhỏ có giá 20.000-50.000 đồng/bịch chưng tràn lan trước sạp.

Tại chợ An Đông (Q.5), các gian hàng mứt, bánh kẹo được bày bán chỉn chu hơn. Tuy nhiên những loại kẹo màu sắc lòe loẹt hay mứt đựng trong các thùng cactông kém vệ sinh vẫn dễ dàng tìm thấy. Đặc biệt, nhiều loại bánh kẹo có xuất xứ nước ngoài, trên bao bì toàn tiếng Trung Quốc, Thái Lan nhưng không hề có bất cứ thông tin sản phẩm bằng tiếng Việt.

Theo nhiều tiểu thương, bán chạy vẫn là kẹo sôcôla, kẹo quà, kẹo bắp có xuất xứ Trung Quốc, các loại kẹo đậu phộng, kẹo me... được giới thiệu là hàng của cơ sở sản xuất trong nước, trên bao bì không hề ghi thông tin sản phẩm và bán theo ký với giá 70.000-80.000 đồng/kg.

Ngại xếp chung với hàng xá

Hiện tượng bánh kẹo kém chất lượng tràn lan ở chợ vào dịp tết không còn mới cho dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về chất lượng những sản phẩm này. Ngoài lý do giá rẻ, mẫu mã đẹp, chủng loại phong phú, lợi nhuận cao thì nguyên nhân chính là hàng có thương hiệu trong nước không đến với chợ.

Bà Hoàng Thị Tâm Ái, giám đốc Công ty mứt Trí Đức, cho biết công ty thà chấp nhận giảm sản lượng mứt tết ra thị trường, chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của các siêu thị chứ không tổ chức điểm bán riêng hay bỏ chợ đầu mối. “Năm nay chúng tôi chỉ sản xuất khoảng 80 tấn mứt các loại, nếu so với năm ngoái là giảm nhưng để đảm bảo uy tín” - bà Ái nói. Theo các nhà kinh doanh, thị trường mứt năm nay sẽ khó khăn hơn, so với năm ngoái giá nguyên liệu nông sản chế biến mứt không tăng nhưng do chi phí đầu vào, nhân sự khan hiếm khiến nhiều loại mứt đến tay người tiêu dùng giá vẫn tăng.

Do đó các loại mứt rẻ bán dạng xá ở chợ rất khó đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng với giá bèo. Bà Nguyễn Ngọc Thúy, chủ cơ sở mứt Thành Long, nói đưa hàng vào siêu thị yên tâm vì kiểm tra chất lượng và giữ được tên thương hiệu. “Nếu bán ở chợ sẽ đánh đồng chất lượng, trong khi đầu vào mình kiểm tra chặt chẽ, không thể bán giá bằng hàng ở chợ” - bà Thúy cho biết.

Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình), cho biết tại hệ thống Maximark bánh kẹo ngoại chiếm khoảng 30%. Ngoài các thương hiệu quen thuộc như Danisa, Julie’s, Kraft... nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia thì năm nay ghi nhận thêm nhiều dòng bánh hộp xuất xứ Indonesia, Tây Ban Nha, Argentina... với giá nhỉnh hơn hàng trong nước 10-15%.

Theo ông Phan Văn Thiện - phó tổng giám đốc Bibica, xét về chất lượng, hàng cao cấp trong nước có thể ngang bằng, thậm chí hơn nhiều loại bánh ngoại. Tuy nhiên, do có lợi thế bao bì đẹp, sắc sảo đáp ứng được nhu cầu làm quà, biếu tặng lại gắn thương hiệu ngoại nên dù giá không rẻ các loại bánh này bán vẫn khá chạy.

Bánh ngoại chiếm 30% thị trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp