Tuần vừa qua, khắp Bangladesh và đặc biệt là tại thủ đô Dhaka bùng lên làn sóng biểu tình dữ dội, thanh niên đốt phá khắp nơi do phẫn nộ khi gần 1/5 trong số 170 triệu dân số Bangladesh không có việc làm.
Lâm vào cảnh thất nghiệp, rất nhiều thanh niên nước này càng thêm bức xúc trước quy định dành hơn một nửa vị trí công chức cho con em của các cựu chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971.
Họ nói rằng chính sách này ưu ái con em của các nhóm ủng hộ Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina.
Theo Hãng tin Reuters, Chính phủ Bangladesh tuyên bố ngày 21 và 22-7 là “ngày nghỉ” do tình hình bất ổn trong nước và chỉ các dịch vụ khẩn cấp mới được phép hoạt động.
Chính quyền Bangladesh đã áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc, đồng thời triển khai quân đội và cho phép họ được nổ súng ngay tại chỗ khi cần khi mà số người chết tăng cao.
Trong lúc đó cảnh sát cùng các lực lượng an ninh khác không thể kiểm soát tình trạng hỗn loạn.
Hôm 17-7, chính quyền của Thủ tướng Hasina cũng đã yêu cầu đóng cửa các trường đại học và cao đẳng khi làn sóng biểu tình bắt đầu bùng lên dữ dội.
Đến ngày 18-7, Internet và dịch vụ nhắn tin cũng bị đình chỉ, cảnh sát chống bạo loạn bắt đầu đàn áp những người không tuân thủ lệnh cấm tụ tập nơi công cộng. Việc ngắt kết nối Internet còn dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng tại Bangladesh.
"Việc cắt hoàn toàn Internet tại một quốc gia có gần 170 triệu dân là một bước đi quyết liệt, một động thái chúng ta chưa từng thấy kể từ cuộc cách mạng Ai Cập năm 2011”, ông John Heidemann, nhà khoa học thuộc bộ phận mạng và an ninh mạng tại Viện Khoa học thông tin của Trường Kỹ thuật USC Viterbi, thuộc Đại học Nam California, phân tích.
Các cuộc biểu tình trong tuần qua là đợt biểu tình lớn nhất kể từ khi bà Hasina tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 1-2024.
Không chỉ vậy, nhà lãnh đạo Bangladesh còn khiến tình hình thêm căng thẳng khi ví von những người biểu tình với những nhóm người Bangladesh hợp tác với Pakistan trong cuộc chiến giành độc lập của nước này.
Trước tình hình đó, Tòa án tối cao Bangladesh dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về các quy định tuyển công chức trong ngày 21-7, theo Hãng tin AFP.
“Vấn đề không còn là quyền lợi của sinh viên nữa. Bây giờ chúng tôi chỉ có một yêu cầu duy nhất đó là chính phủ phải giải tán”, anh Hasibul Sheikh (24 tuổi) nói với AFP ngay tại cuộc biểu tình ở thủ đô Dhaka hôm 20-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận