04/03/2015 07:54 GMT+7

​Bangkok quyết dọn dẹp hàng rong

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Chính quyền thủ đô của Thái Lan đang quyết tâm dẹp sạch hàng quán trên các vỉa hè ở những con phố trung tâm để trả lại không gian đi bộ và tạo một hình ảnh đẹp hơn cho đất nước.

Binh sĩ Thái Lan trong một đợt cưỡng chế giải tỏa vỉa hè ở Bangkok hồi tháng 11-2014 - Ảnh: AFP

Vỉa hè ở Bangkok quen thuộc với người dân địa phương và du khách nước ngoài. Họ bán đủ thứ từ hủ tiếu, quần áo, băng đĩa đến đồ chơi tình dục. Giờ đây, hàng quán vỉa hè ở Bangkok đối mặt với các cuộc cưỡng chế của chính quyền để giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Theo AFP, trong chiến dịch giành lại vỉa hè này, hàng ngàn người bán hàng sẽ buộc di dời từ các con phố lớn sang những con đường nhỏ hơn hoặc các ngõ hẻm. Có khu vực người bán hàng chỉ được kinh doanh trên vỉa hè vào ban đêm.

Ðây được coi là một phần trong nỗ lực “làm sạch” hình ảnh nước Thái của chính quyền quân đội kể từ khi lên cầm quyền sau cuộc đảo chính hồi tháng 5-2014.

Theo Bangkok Post, chính quyền thành phố cũng quyết tâm thực hiện chiến dịch “đường thông hè thoáng” vốn bắt đầu từ tháng 7-2014, bất chấp việc một nhân viên trật tự đô thị bị đâm khi xô xát với một người bán hàng vỉa hè hôm 1-3. 

Chúng tôi phải lấy lại vỉa hè cho người dân
Trung tướng cảnh sát VICHAI SANGARPAI

Gây phiền toái

Từ lâu người dân Bangkok phải chia sẻ phần vỉa hè dành cho đi bộ với hàng quán, và cũng có thể nói phần nào đó sống phụ thuộc vào những hàng quán này trong các sinh hoạt hằng ngày từ bữa ăn giá rẻ, đồ gia dụng... Trong khi đó du khách nước ngoài cũng thích thú với các món đồ thời trang giá tốt bày bán trên những lối đi.

Hàng quán vỉa hè đã góp phần tạo nên sắc thái cho Bangkok, một trong những thành phố năng động bậc nhất Ðông Nam Á. Thế nhưng cũng có nhiều người dân than phiền về những phiền toái do hàng quán vỉa hè gây ra, đặt vấn đề về việc thành phố nên sử dụng không gian công cộng như thế nào.

Dọn vỉa hè, dẹp luôn tội phạm

Bên cạnh việc giải tỏa vỉa hè, các cuộc cưỡng chế còn có mục đích khác nhắm vào các nhóm tội phạm mọc lên như nấm cùng sự xuất hiện của hàng quán.

Các quan chức tham nhũng liên quan cũng ở trong tầm ngắm.

Hồi tháng 7-2014, một sĩ quan quân đội Thái đã bị truy tố vì thu tiền bảo kê từ những người bán hàng ở khu Patpong, các quán bar mại dâm và nhiều hàng quán khác.

Trung tướng cảnh sát Vichai Sangparpai nói hàng quán vỉa hè đã chiếm cứ hơn chục con đường chính của thành phố, làm ảnh hưởng đến người dân và giao thông cũng như môi trường.

Các chiến dịch tương tự cũng được tiến hành đối với hàng quán bán rong trên các bãi biển nổi tiếng như tại Phuket. Ở Bangkok, theo AFP, hàng quán vẫn được kinh doanh nếu họ chịu vào các khu vực được quy hoạch hoặc chấm dứt việc bán hàng vào giờ cao điểm.

Người bán cà phê dạo trên xe đẩy Mongkol Moradokpermpun nói ông được lệnh di dời đến địa điểm bán hàng mới vào ngày 1-3.

Chỗ mới cách chỗ cũ là khu vực chợ Khlong Thom vài cây số. “Nếu chính quyền không suy nghĩ lại, hàng ngàn người sẽ bị ảnh hưởng.

Ðiều này ảnh hưởng đến việc kinh doanh của chúng tôi” - người bán cà phê tại địa điểm quen thuộc này đã 30 năm phàn nàn.

Ở khu phố Silom trong trung tâm thành phố, chị bán hủ tiếu Juttigan Jitcham nói lệnh cấm mới làm thu nhập của chị giảm một nửa: “Tôi không còn có thể trả học phí cho con”. 

Cần một kế hoạch

AFP dẫn thông tin của tòa thị chính Bangkok nói có khoảng 20.000 người bán hàng rong đăng ký, nhưng cũng có hàng ngàn người không đăng ký. Nhiều người bán hàng rong đến từ các tỉnh nghèo ở miền đông bắc.

Học giả Narumol Nirathron, thuộc khoa quản lý xã hội Trường đại học Thammasat (Bangkok), nói trong khi việc dọn dẹp vỉa hè là cần thiết thì chính quyền cũng cần cho một kế hoạch rộng lớn hơn để giải quyết các vấn đề của người bán hàng.

“Tôi quan ngại về tác động đối với người nghèo vốn phải dựa vào việc bán hàng trên phố để kiếm sống - bà nói - Vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ mà còn để người dân kiếm sống”.

Những người bán hàng vỉa hè đến từ nhiều thành phần trong xã hội ở một thành phố mà khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng. Họ chính là nguồn lực đem lại năng lượng và sắc màu cho Bangkok. Nhưng họ đang đối mặt với sự bất đồng ngày càng tăng của người dân.

Một trang Facebook kêu gọi giành lại quyền của người đi bộ ở Bangkok đã có hơn 8.000 thành viên và luôn tràn ngập ý kiến tức giận chỉ trích những người bán hàng rong độc chiếm không gian của khách bộ hành.

Học giả Narumol lại cho rằng Bangkok sẽ không dẹp được hoàn toàn tình trạng buôn bán trên vỉa hè vì đó là một phần không thể tách rời của thành phố này.

Những tuần gần đây, chính quyền đã chật vật giành lại vỉa hè bằng cách vẽ các vạch vàng phân giới. Tuy nhiên, người bán hàng vỉa hè lâu năm nói việc này sẽ chẳng tồn tại được lâu. “Chính quyền đến thì chúng tôi trốn. Khi họ đi, chúng tôi dọn ra bán lại” - một người bán hàng vỉa hè giấu tên nói.

Có thể những người bán hàng rong muốn chơi trò “mèo vờn chuột”, nhưng lần này sự nghiêm khắc kiểu quân đội của chính quyền Bangkok là rất rõ.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp