30/10/2013 07:42 GMT+7

Bangkok loay hoay với kẹt xe

Cô NAAM PROMCHINDA (nghệ sĩ thiết kế đồ họa ở Bangkok)
Cô NAAM PROMCHINDA (nghệ sĩ thiết kế đồ họa ở Bangkok)

TT - Trong tháng qua, dư luận tại thủ đô của Thái Lan tỏ ra bực bội với các giải pháp của chính phủ giải quyết tình trạng kẹt xe đang ngày càng tồi tệ hơn.

E2poBsvF.jpgPhóng to
Kẹt xe trên một con đường ở trung tâm Bangkok vào giờ cao điểm - Ảnh: Việt Phương

Đến Bangkok mới thấy đô thị này là nơi có cơ sở hạ tầng giao thông khá tốt so với nhiều thành phố khác ở Đông Nam Á. Bangkok có nhiều trục đường lớn cùng hệ thống cầu vượt, đường cao tốc trên không chạy trong thành phố, bốn tuyến tàu điện với tổng chiều dài gần 100km và vẫn đang được mở rộng thêm. Ngoài ra còn có hệ thống buýt thường, buýt nhanh và xe ôm tham gia giao thông.

Thế nhưng, theo dữ liệu của Phòng Kế hoạch và chính sách giao thông vận tải Thái Lan (TTPPO), hiện có khoảng 7 triệu xe các loại đăng ký ở Bangkok. Đó là chưa kể số lượng xe ngoại tỉnh đổ về thành phố này. Báo The Nation cho biết đường phố ở Bangkok dường như không còn đủ sức tải nổi lượng xe như vậy. Biểu hiện dễ thấy nhất là số lượng xe tăng thì tốc độ xe chạy trên đường giảm đi. Số liệu của TTPPO cho thấy tốc độ xe trung bình trên đường giờ cao điểm chỉ khoảng 15,7km/giờ.

Giải quyết chuyện “đáng xấu hổ”

"Tôi ước gì giải pháp cấm xe cũ chỉ là câu nói đùa. Loại bỏ xe cũ không phải là giải pháp tốt. Quá nhiều xe trên đường phố, quá nhiều người sống và làm việc ở trung tâm Bangkok. Tất cả là do vấn đề quy hoạch thành phố mà thôi"

Gọi ùn tắc giao thông là một sự xấu hổ của thành phố, phó cảnh sát trưởng Bangkok, ông Adul Narongsak nói giải quyết vấn đề giao thông ở thủ đô cần sự chung tay của tất cả các bên, từ chính phủ đến các khối tư nhân và người dân.

Theo ông Adul, cảnh sát thủ đô đã vạch ra 16 kế hoạch khẩn cấp đối phó với tình trạng giao thông tồi tệ. Bước đi đầu tiên là xử phạt vi phạm nghiêm minh hơn, bắt đầu từ ngày 21-10 trên 10 tuyến đường thường xảy ra kẹt xe nặng.

Sau đó, cảnh sát dự định đưa hệ thống đóng tiền phạt điện tử vào hoạt động trong năm 2014 để hỗ trợ thêm việc xử lý sai phạm. Hệ thống này cũng sẽ giúp cung cấp thông tin về các khoản tiền phạt, thông tin biển số các phương tiện vi phạm luật, kiểm tra xem thông tin một biển số xe có phải là thật hay không.

Cảnh sát Bangkok có kế hoạch lắp đặt thêm khoảng 200 máy quay hồng ngoại ở các giao lộ, thêm vào tổng số 10 máy quay hiện có để theo dõi các trường hợp vượt đèn đỏ. Các máy quay này cũng sẽ được lắp đặt ở những đường cao tốc trên cao để giám sát việc lái xe lấn tuyến, xe đậu sai quy định. Đây được coi là những nguyên nhân lớn gây tắc nghẽn giao thông.

Việc thành lập tòa án giao thông và điều chỉnh giờ làm việc cũng nằm trong kế hoạch để giảm sức ép cho đường phố. Các cảnh sát giám sát giao thông bị dọa xử phạt nếu không điều tiết giao thông tốt trong khu vực kẹt xe.

Cô Naam Promchinda, một nghệ sĩ thiết kế đồ họa ở Bangkok, than phiền: “Khi trời mưa, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”. Cô kể với Tuổi Trẻ rằng mặc dù có xe hơi nhưng cô thường dùng các phương tiện công cộng như tàu điện hơn. Còn doanh nhân Keatisak Chaipatanapruck than vãn: “Điều tồi tệ là giờ đây không thể biết được khi nào sẽ kẹt xe”.

Các giải pháp bị chỉ trích

Quá bực tức, nhiều người dân Bangkok quay sang chỉ trích chương trình ưu đãi thuế cho người mua xe lần đầu của chính phủ hồi năm ngoái. Báo The Nation cho biết chương trình này đã thu hút hơn 1 triệu đơn đặt hàng mua xe mới mặc dù sau đó hơn 200.000 đơn bị hủy.

Họ cũng không hài lòng với những đề xuất mới của cảnh sát thủ đô. Đề xuất cấm xe hơi cũ 7-10 năm tuổi hoặc hơn chạy trên đường được đưa ra như một biện pháp giảm tải giao thông. Các xe cũ vẫn sẽ được chạy nếu trả thuế tương đương thuế đăng ký xe mới. Hiện nay xe càng cũ thì phí hằng năm càng thấp đi. Giải thích về đề xuất này, phó cảnh sát trưởng Adul Narongsak cho rằng xe cũ thường bị hư, nằm đường gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, đề xuất này có vẻ không được dư luận đồng tình. Tác giả Veera Prateepchaikul đã viết trong bài xã luận trên báo Bangkok Post rằng ông cũng đi xe cũ tới bảy năm nhưng chính ông lại thấy xe hỏng hóc trên đường nhiều nhất là... xe buýt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Alisa Saitharatanapongse - nhân viên Hãng hàng không Nok Air của Thái Lan - bình luận rằng cấm xe cũ chẳng giúp ích được gì và chính phủ nên tập trung vào phát triển hệ thống giao thông công cộng. Cùng quan điểm này, doanh nhân Keatisak góp ý thêm là cần giáo dục người dân lái xe đúng luật. Ngoài ra, anh Keatisak cho rằng hệ thống tàu điện ở Bangkok bây giờ cũng đang trở nên quá tải trong giờ cao điểm, cần phải có thêm tàu và mở rộng các tuyến.

Gần đây, như The Nation cho biết, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Chadchart Sittipunt phải lên tiếng rằng đề xuất cấm xe cũ được đưa ra trong thời điểm không tốt, khi mà hệ thống giao thông công cộng của Bangkok bị chỉ trích. Sự mở rộng nhanh chóng của Bangkok và khu vực phụ cận (bao gồm cả các tỉnh vệ tinh) khiến cho bất cứ sự thay đổi nào sẽ ảnh hưởng đến việc quy hoạch cả một vùng lớn. Hệ thống tàu điện trên không ở Bangkok đóng vai trò tích cực nhưng lại không thể giải quyết vấn đề đi lại cho những người ở khu vực ngoại thành ra vào trung tâm.

Về lâu dài, bản thân ông Adul cũng cho rằng chính phủ nên phát triển mạng lưới giao thông công cộng tốt hơn. Người dân cũng cần được khuyến khích sử dụng hệ thống giao thông công cộng.

Cô NAAM PROMCHINDA (nghệ sĩ thiết kế đồ họa ở Bangkok)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp