Thống đốc Bangkok, ông Chadchart Sittipunt, tuyên bố cư dân ở thành phố hơn 10 triệu dân nên làm việc tại nhà nếu có thể. Đồng thời, chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng nếu họ cần đi lại.
Ông Chadchart cho biết nhà chức trách sẽ tìm cách kiểm soát các hoạt động gây ra bụi như đốt rác ngoài trời, xây dựng và từ động cơ xe tải, Hãng tin Bloomberg cho biết.
Theo dự báo của Dự án chất lượng không khí thế giới, nhà chức trách ở Bangkok cũng cảnh báo các hạt bụi nguy hiểm - được gọi là bụi mịn PM 2.5 - có thể vượt quá mức an toàn một lần nữa vào cuối tuần này.
Bangkok và các thành phố khác của Thái Lan những năm gần đây đã phải vật lộn với chất lượng không khí kém. Tình trạng ô nhiễm có xu hướng trở nên tồi tệ hơn vào mùa khô, khoảng từ tháng 12 đến tháng 2.
Giai đoạn ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong năm 2023 sẽ diễn ra vào tháng 2. Mối đe dọa này có thể kéo dài cho đến tháng 4, một quan chức của cơ quan kiểm soát ô nhiễm nói với các phóng viên hôm 25-1.
Thống đốc Chadchart cho biết nhà chức trách sẽ “giám sát chặt chẽ” mức độ ô nhiễm ở Bangkok từ nay đến cuối tháng 2. Hiện tại, các trường học trong thành phố vẫn nên mở cửa bình thường, ông nói.
Dữ liệu chính thức cho thấy sáng 25-1 Bangkok và 23 tỉnh khác nằm trong danh sách các thành phố có mức PM 2.5 cao, theo Bộ Y tế.
Các cơ quan y tế trên khắp 77 tỉnh của Thái Lan sẽ theo dõi chặt chẽ mức PM 2.5. Đồng thời, sẽ mở các trung tâm hoạt động khẩn cấp ở bất kỳ tỉnh nào có chỉ số không tốt cho sức khỏe kéo dài hơn ba ngày, theo ông Opas Karnkawinpong, thư ký thường trực của Bộ Y tế.
Ông Opas cho biết bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí tại các bệnh viện ở Thái Lan tăng hơn gấp đôi. Trong tuần này có gần 213.000 người phải nhập viện, so với khoảng 96.000 người vào tuần trước - do chất lượng không khí ngày càng tồi tệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận