Cổng thông tin điện tử Research.com đưa ra bảng xếp hạng các nhà khoa học và các trường đại học, viện nghiên cứu định kỳ hằng năm. Tuy nhiên, giới khoa học quốc tế cho rằng bảng xếp hạng này "phá hoại nền tảng học thuật".
Râu ông nọ cắm cằm bà kia, nhà khoa học nam biến thành nữ
Năm nay, Research.com công bố phiên bản thứ ba bảng xếp hạng các nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới 26 lĩnh vực, trong đó có 10 lĩnh vực của Việt Nam được xếp hạng với tổng cộng 31 người (người Việt hoặc người nước ngoài ghi địa chỉ trường đại học ở Việt Nam) nhưng chỉ có 8 lĩnh vực với 19 nhà khoa học là người Việt đang công tác trong nước.
Mấy năm qua, nhiều người nghĩ Research.com là cổng thông tin điện tử dành cho giới học thuật thế giới, cực kỳ uy tín nên rất "vinh dự và tự hào" khi ngày càng có nhiều nhà khoa học Việt Nam lọt vào danh sách những học giả xuất sắc nhất (Best Scholars) của bảng xếp hạng này.
Tuy nhiên, theo điều tra của Tuổi Trẻ, danh sách "học giả xuất sắc nhất Việt Nam" của Research.com công bố nhiều cái tên nhà khoa học Việt Nam rất đáng ngờ. Trong đó, không ít người nước ngoài ghi địa chỉ Việt Nam nhưng chẳng liên quan gì đến các trường đại học trong nước.
Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng này ở lĩnh vực hóa học, nhà khoa học xuất sắc nhất Việt Nam là GS Philippe Derreumaux (ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng - TDTU). Đây cũng là nhà khoa học duy nhất đại diện Việt Nam trên bảng xếp hạng năm nay ở lĩnh vực hóa học. Tuy nhiên, điều đáng nói là hồ sơ của Philippe Derreumaux trong bảng xếp hạng của Research.com lại gắn ảnh GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc).
Qua tìm hiểu của phóng viên, Philippe Derreumaux là giáo sư cơ hữu ở ĐH Paris Diderot - Paris 7, Pháp (nay là ĐH Paris Cité). Ông này có tên trong danh sách Hội đồng thẩm định giải thưởng khoa học năm 2019 TDTU kiêm trưởng phòng thí nghiệm hóa sinh lý thuyết của trường này.
GS Philippe Derreumaux đã đăng 19 bài báo ghi địa chỉ TDTU từ 2019-2021 và không đăng thêm bài nào ghi địa chỉ TDTU sau năm 2021. Ông gần như không còn hoạt động nào liên quan đến trường này từ năm 2021 đến nay, nhưng trang Research.com vẫn ghi địa chỉ của tác giả này là TDTU chứ không phải cơ quan thật của ông ở Pháp.
PGS.TS Lê Hoàng Sơn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có tên trong danh sách nhà khoa học xuất sắc nhất Việt Nam trong bảng xếp hạng của Research.com ở lĩnh vực khoa học máy tính. Tuy nhiên, trong phần giới thiệu về tác giả Lê Hoàng Sơn, Research.com đã "chuyển giới" cho ông này thành nữ và thường xuyên công bố về thực vật học, tinh dầu, y học cổ truyền chứ không liên quan gì đến khoa học máy tính.
Không rõ đang làm việc ở đâu, nhiều bài báo bị gỡ
Bên cạnh đó, còn có cả chục nhà khoa học người nước ngoài ghi địa chỉ các trường có tên trong bảng xếp hạng "nhà khoa học xuất sắc nhất Việt Nam" của Research.com nhưng không rõ thực sự họ làm việc ở đâu. Không ít người trong số này thời gian qua bị các tạp chí quốc tế gỡ bài.
Ở lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, có hai cái tên người nước ngoài ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân là Mahdi Shariati và Hossein Moayedi. Trong đó, không rõ Mahdi Shariati thực sự làm việc ở đâu. Địa chỉ trong các bài báo của người này liên tục thay đổi có lúc Trường ĐH Duy Tân, khi lại ghi TDTU hoặc các trường ở Iran, Malaysia, Trung Quốc.
Qua thống kê, có ít nhất 18 bài báo của tác giả này ghi địa chỉ TDTU, trong đó có 7 bài đứng tên cùng PGS.TS Nguyễn Thời Trung (hiện đang làm việc ở Trường ĐH Văn Lang). Mahdi Shariati công bố bài báo cuối cùng ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân vào năm 2021 và gần như không còn hoạt động nào liên quan đến trường này từ đó đến nay, nhưng trang Research.com vẫn ghi địa chỉ của Mahdi Shariati là Trường ĐH Duy Tân.
Điều đáng nói, tác giả Mahdi Shariati đã có 3 bài báo bị gỡ với nhiều lý do (như đạo văn, gian lận tác giả), trong đó có 2 bài ghi địa chỉ ĐH Malaya (Malaysia) và 1 bài ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân - bài báo này bị gỡ vì chứa nhiều hình ảnh trùng lặp với các bài khác và kết quả không đáng tin cậy.
Trang Research.com liệt kê các bài báo tiêu biểu nhất (Best Publications) của Mahdi Shariati, trong 4 bài đầu danh sách có đến 2 bài đã bị gỡ, dù các bài này được trích dẫn hàng trăm lần.
Tương tự, tác giả Hossein Moayedi cũng không rõ thực sự làm việc ở đâu. Địa chỉ trong các bài báo khoa học của tác giả này thay đổi liên tục trong cùng một thời gian, có lúc ghi Trường ĐH Duy Tân, lúc khác lại ghi TDTU hoặc các trường ở Iran, Malaysia.
Ở lĩnh vực khoa học máy tính, có nhà khoa học tên Anand Nayyar ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân. Ông này có tên trong danh sách giảng viên của trường này. Anand Nayyar có 1 bài báo ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân bị gỡ bỏ vì lũng đoạn quy trình bình duyệt.
Lĩnh vực cơ khí và kỹ thuật hàng không vũ trụ có tên Mohammad Ghalambaz ghi địa chỉ TDTU. Người này công bố tới hơn 100 bài báo ghi địa chỉ TDTU vào các năm 2019-2022. Trong cùng giai đoạn này, Mohammad Ghalambaz cũng đăng bài ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân.
Hiện nay, người này đăng bài ghi địa chỉ ở Iraq và Nga. Tác giả này công bố bài cuối cùng ghi địa chỉ TDTU năm 2022 và gần như không còn hoạt động nào liên quan đến trường này từ đó đến nay, nhưng trang Research.com vẫn ghi địa chỉ của Mohammad Ghalambaz là TDTU.
Tác giả Reza Kolahchi cũng đăng hơn 30 bài báo ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân trong các năm 2020-2023. Tuy nhiên, trong cùng giai đoạn này, có những bài Reza Kolahchi lại ghi địa chỉ TDTU hoặc ghi địa chỉ Iran. Hiện tại, người này đăng bài ghi địa chỉ ở Iran và Trung Quốc. Reza Kolahchi cũng có 1 bài (ghi địa chỉ Iran) bị tạp chí quốc tế gỡ bỏ do giả mạo bình duyệt.
Ở lĩnh vực y học, có nhà khoa học Maurizio Trevisan (Università Campus Bio-Medico di Roma, Ý). Ông này ở Ý, không liên quan gì đến Việt Nam, nhưng trang Research.com lại xếp vào danh sách học giả Việt Nam trong lĩnh vực y học.
Nhiều khiếm khuyết, phá hoại nền tảng học thuật
Theo hai giáo sư James Guthrie và John Dumay của ĐH Macquarie (Úc) có tên trong bảng xếp hạng, Research.com là một công ty thương mại bán dịch vụ tư vấn nghiên cứu cho các trường đại học, chính phủ và các tổ chức săn đầu người. Hai giáo sư này nhận định dữ liệu mà Research.com dùng để xếp hạng không đúng và rất khó kiểm chứng.
Theo hai ông, những con số được tính toán để đánh giá nhà khoa học mang đầy khiếm khuyết. Hầu hết các bảng xếp hạng biến nhà khoa học thành những cỗ máy, giá trị của họ được thể hiện qua những con số vô hồn do các thuật toán sinh ra.
Hai giáo sư cũng cảnh báo cộng đồng khoa học về các bảng xếp hạng thương mại, nhất là những xếp hạng không minh bạch, không thể kiểm chứng dữ liệu. Những bảng xếp hạng này phá hoại nền tảng học thuật và sứ mệnh của đại học.
Trong khi đó, ĐH Wageningen (Hà Lan) cũng khuyến cáo không nên sử dụng kết quả xếp hạng của Research.com trong xét duyệt tài trợ nghiên cứu và các tài liệu chính thống khác. Lý do là vì trang này không công bố đầy đủ dữ liệu dùng để xếp hạng, phương pháp xếp hạng không minh bạch, một số dữ liệu không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, xếp hạng của Research.com dựa gần như hoàn toàn vào dữ liệu định lượng là số lượng bài báo và lượt trích dẫn.
Theo ĐH Wageningen, cách đánh giá nghiên cứu bằng các số liệu định lượng có nhiều hạn chế và không phù hợp. Vì thế, các nhà tài trợ, các trường đại học và nhiều tổ chức đang dần loại bỏ phương pháp này. Research.com không đáp ứng được những tiêu chuẩn đánh giá nghiên cứu nói chung cũng như chất lượng khoa học của từng nhà nghiên cứu.
Dùng AI để xếp hạng, kiếm tiền qua quảng cáo
Theo GS.TS Phạm Văn Hùng - Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), Research.com là một nền tảng công bố bảng xếp hạng các nhà khoa học trong lĩnh vực cụ thể của họ. Trước đây, trang này có tên là Guide2Research, do Imed Bouchrika ở Algeria thành lập và vận hành.
Imed Bouchrika nhận bằng cử nhân (năm 2004) và tiến sĩ về khoa học máy tính (năm 2008) tại ĐH Southampton, Vương quốc Anh. Ông hiện là giáo sư khoa học máy tính tại ĐH Souk Ahras, Algeria. Ông cũng được biết đến là người tham gia thành lập một số công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Research.com tự nhận là công ty vì lợi nhuận (for profit organization) và kiếm tiền từ việc quảng cáo của các cơ sở giáo dục cũng như hợp tác với Google AdSense.
Xếp hạng của trang này chủ yếu dựa vào chỉ số d (d-index) được tính bằng cách chỉ chọn các ấn phẩm từ lĩnh vực cụ thể của các nhà khoa học. Research.com thông báo họ cũng sử dụng dữ liệu về tỉ lệ xuất bản trên các tạp chí hoặc hội nghị, giải thưởng, học bổng và sự công nhận học thuật trong tính toán.
Tuy nhiên, do không công bố nguồn dữ liệu và phương pháp đầy đủ, minh bạch nên không rõ Research.com lấy dữ liệu về giải thưởng ở đâu và việc xếp hạng gần như hoàn toàn dựa trên dữ liệu định lượng giữa số lượng trích dẫn và số công bố chứ không phải do hội đồng đánh giá.
Phần giới thiệu về các nhà khoa học trên bảng xếp hạng này do AI viết nên không thực sự chính xác, có trường hợp "râu ông nọ cắm cằm bà kia".
Phía dưới bài viết giới thiệu mỗi học giả thường kèm câu: "Tổng quan này được tạo ra bởi AI để phân tích nội dung công việc của nhà khoa học. Nếu bạn có bất kỳ phản hồi nào, bạn có thể liên hệ với chúng tôi tại đây". Điều này có vẻ không khoa học vì trong khoa học khi công bố thì các thông tin phải chính xác và có trích dẫn cụ thể.
Không biết lấy dữ liệu từ đâu
Một nhà khoa học uy tín của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng của Research.com (không muốn nêu tên) cho biết: "Bảng xếp hạng này do họ tự lập ra. Tôi tra email cá nhân thấy họ có gửi thư giới thiệu bảng xếp hạng năm 2022 theo h-index. Năm 2023 cũng có thư nhưng nói xếp hạng theo d-index.
Cái index này do họ tự nghĩ ra, không phải như h-index được giới khoa học dùng nhiều. Trên trang mạng, họ không nói rõ lấy dữ liệu từ đâu. Đối với xếp hạng các cơ sở đào tạo, họ nói là có hỏi trực tiếp các cơ sở đào tạo".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận