09/09/2017 10:45 GMT+7

Xếp hạng ĐH: cần, nhưng tiêu chí rõ ràng, minh bạch

MINH GIẢNG thực hiện
MINH GIẢNG thực hiện

TTO - Theo chuyên gia, cần khuyến khích các tổ chức độc lập tham gia xếp hạng ĐH nhưng các tiêu chí, số liệu phải minh bạch, có quan điểm rõ ràng.

Giờ thực hành công nghệ sinh học tại một trường ĐH ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng cần khuyến khích các tổ chức độc lập tham gia xếp hạng ĐH nhưng các tiêu chí, số liệu phải minh bạch, có quan điểm rõ ràng.

Liên quan bảng xếp hạng các trường ĐH Việt Nam vừa được một nhóm độc lập công bố, ông Chính nói: "Hiện có nhiều tổ chức độc lập chuyên về xếp hạng ĐH được các nước thừa nhận như Times Higher Education, Shanghai Ranking hay QS World University Rankings. Họ có quan điểm, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, tạo nên sự tin tưởng và thừa nhận".

Thiếu quan điểm về chất lượng

* Ông đánh giá thế nào về bảng xếp hạng ĐH VN vừa công bố?

- Hiện các thông tin được công bố về bảng xếp hạng mới chỉ cho người ta thấy hình thức bên ngoài, chứ chưa thấy được bản chất bên trong. Điều này dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau. Người cho rằng bảng xếp hạng chính xác, trong khi không ít người bày tỏ sự ngờ vực. 

Việc minh bạch cách thực hiện đánh giá sẽ giúp người xem có cái nhìn toàn diện hơn về bảng đánh giá này.

* Ông bình luận gì về tiêu chí đánh giá của bảng xếp hạng này?

- Chất lượng ĐH là một đại lượng đa chiều. Để đánh giá toàn diện chất lượng ĐH, cần xem xét chất lượng theo nhiều chiều (quan điểm) khác nhau. Tuy nhiên, đây là một việc làm rất phức tạp. 

Thông thường, để đơn giản hóa vấn đề các bảng xếp hạng quốc tế thường chỉ dựa trên một quan điểm chủ đạo: chất lượng là sự xuất sắc, như bảng xếp hạng Times Higher Education (dựa trên những phát minh, sáng chế vượt bậc) và chất lượng là sự đáp ứng yêu cầu các bên liên quan của thang QS World University Rankings (dựa trên đánh giá về trường của các bên liên quan như nhà khoa học, doanh nghiệp).

 Dù ở quan điểm nào thì các tiêu chí và nguồn dữ liệu của họ đều được công khai, minh bạch. Do đó, có trường có mặt ở bảng xếp hạng này nhưng lại không xuất hiện ở bảng xếp hạng kia.

Đối với tiêu chí của thang xếp hạng ĐH VN, như đã nói, thông qua các thông tin đã công bố thì chưa thể hiện rõ quan điểm đánh giá cũng như phương pháp đánh giá. Chính vì vậy chưa thể đánh giá tính chính xác và tính giá trị của bảng xếp hạng mới.

Cẩn trọng khi công bố xếp hạng

* Theo ông, việc xếp hạng ĐH ở tầm quốc gia có cần thiết và tác động thế nào đến sự phát triển của hệ thống giáo dục?

- Thông qua bảng xếp hạng, các trường có thể phần nào thấy được mình cần khắc phục những hạn chế nào. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quan trọng để phát triển hệ thống giáo dục, không tác động nhiều đến sự phát triển và nâng cao chất lượng của các trường. 

Kiểm định và đánh giá chất lượng mới là điều kiện sống còn của nền giáo dục, thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng, phát triển và phát triển liên tục. Nền tảng chất lượng giáo dục không phải là thứ hạng.

Tuy khuyến khích xếp hạng ĐH nhưng việc công bố phải hết sức cẩn thận, nếu không hệ thống giáo dục sẽ phát triển lệch hướng, méo mó. 

Chẳng hạn, đối với tiêu chí bài báo khoa học ISI, có trường sẽ đầu tư nghiêm túc để tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, phục vụ giảng dạy; nhưng cũng sẽ có trường đi tắt, mua hoặc mượn công trình khoa học của người khác để lấy danh. 

Thậm chí có trường đầu tư cho một nhóm nhà khoa học chỉ làm mỗi việc nghiên cứu và viết bài báo khoa học. Các kết quả nghiên cứu đó không phục vụ hay đóng góp cho quá trình giảng dạy, nâng cao chất lượng trường. Điều này sẽ đẩy cả nền giáo dục đi lệch hướng, rất nguy hiểm.

* Ngoài các bảng xếp hạng quốc tế, ở các quốc gia khác họ có bảng xếp hạng riêng không, các tiêu chí được xây dựng thế nào?

- Hầu hết các quốc gia chú trọng khâu kiểm định và đánh giá để nâng cao chất lượng ĐH, giúp các trường phát triển đồng đều. Họ rất cẩn trọng trong việc công bố xếp hạng ĐH. 

Chẳng hạn, nhiều nước khu vực Ả Rập đang nghiên cứu xây dựng các tiêu chí thang xếp hạng ĐH của mình nhưng chưa công bố. Họ lo ngại sẽ có sự tác động đến hệ thống, các trường lo chạy theo bề nổi mà bỏ qua việc nâng cao chất lượng.

Hiện nay, chỉ có vài quốc gia xây dựng thang xếp hạng riêng, chẳng hạn Malaysia. Họ có chính sách quốc gia rõ ràng về chất lượng, tập trung đầu tư cho các trường để có thể xuất hiện trong các bảng xếp hạng quốc tế. 

Và để làm được điều này, họ xây dựng thang xếp hạng riêng cho quốc gia, trong đó các tiêu chí được lấy từ tiêu chí của các bảng xếp hạng quốc tế. Họ tiến hành đánh giá trong để xếp hạng, và đó cũng là cách để họ có thứ hạng trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế.

GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc):

Vấn đề then chốt: trọng số cho mỗi tiêu chí!

Tôi thấy bảng xếp hạng ĐH được thực hiện bài bản và có phương pháp, có thể chấp nhận được. Kết quả có thể làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng với tôi thì không. Tôi đã theo dõi và phân tích các ấn phẩm nghiên cứu khoa học từ các ĐH VN. 

Kết quả của chúng tôi cũng rất nhất quán với bảng xếp hạng ĐH vừa công bố. Những ĐH lâu đời, quy mô lớn và được Nhà nước ưu đãi đầu tư lại là những ĐH có năng suất khoa học kém hơn các ĐH mới.

Tôi thấy ba nhóm tiêu chuẩn (nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, cơ sở vật chất và quản trị) nhóm độc lập đưa ra là hợp lý. Vấn đề có thể phải bàn thảo nhiều hơn là trọng số cho mỗi tiêu chuẩn.

Ví dụ, nhóm đưa ra trọng số cho tiêu chuẩn "ảnh hưởng trong khoa học" - 10%, theo tôi là thấp. Trong nghiên cứu khoa học, ảnh hưởng rất quan trọng. Và trọng số cần phải phản ánh tầm quan trọng đó.

Một vấn đề nữa là các trọng số được đưa ra nhưng không có một cơ sở khoa học nào cả. Đáng lý ra trọng số cần phải được phát triển hay xây dựng trên dữ liệu thực tế và có một kết quả mà các trường chấp nhận. 

Tôi nghĩ đó là một vấn đề mà tất cả các bảng xếp hạng ĐH trên thế giới đều bị phê bình: cơ sở khoa học cho trọng số. Ví dụ như bảng xếp hạng ARWU bị phê bình là tùy tiện và chẳng dựa vào phương pháp thống kê. Và nhóm xếp hạng cũng chấp nhận phê bình này.

MINH GIẢNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp