Phóng to |
Ảnh vệ tinh cho thấy Greenland mới bị tan chảy khoảng 40% vào ngày 8-7, nhưng đến 12-7, nó tan đến 97% - Ảnh: Reuters |
Các nhà khoa học nói hiện tượng tan chảy “bất thường” trên một khu vực rộng lớn như thế này chưa từng xảy ra trong 30 năm qua. Ngay cả nơi lạnh nhất và cao nhất ở Greenland là trạm Summit cũng bị tan chảy.
Theo BBC ngày 25-7, các vệ tinh của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã ghi nhận được quá trình tan băng này. Theo đó ngày 8-7, khối băng này mới tan chảy 40%, nhưng đến 12-7, nó tan đến 97%.
Gần như ½ khối băng ở Greenland sẽ tan chảy vào những tháng mùa hè, tuy nhiên mức độ và tốc độ tan chảy như vừa qua đã gây ngạc nhiên cho giới khoa học, và họ miêu tả hiện tượng này là “rất bất thường”. Dù vậy, họ tin phần lớn băng ở đây rồi sẽ đông cứng trở lại. |
“Khi chứng kiến băng tan ở những nơi mà trước đây chúng ta chưa bao giờ thấy, hẳn bạn phải lưu ý và tự hỏi chuyện gì đang xảy ra”, Waleed Abdalati - nhà khoa học hàng đầu của NASA, nói. “Đó là một dấu hiệu lớn mà chúng ta phải tìm hiểu trong thời gian tới”.
Ông cũng nói hiện họ chưa thể xác định được hiện tượng băng tan này là sự kiện tự nhiên hiếm gặp, hay là ảnh hưởng của hiện tượng ấm lên toàn cầu do con người gây ra.
Cho đến nay, đợt tan chảy lớn nhất ở Greenland theo ghi nhận của các vệ tinh trong 30 năm qua chỉ khoảng 55% khu vực.
Việc phát hiện băng tan diễn ra chỉ vài ngày sau khi ảnh chụp vệ tinh của NASA khám phá một núi băng rộng 118km2 đã tách khỏi sông băng ở Greenland. Tom Wagner, nhà khoa học thuộc NASA, nói sự kiện này, cùng với những hiện tượng tự nhiên bất thường khác, chỉ là một phần của chuỗi sự kiện phức tạp mà con người chứng kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận