Một người bạn trầm tư kể: “Bà hàng xóm làng mình ngoài Bắc chỉ trồng rau ngót, bán gánh chợ quê thế mà vẫn xoay xở cho thằng con chưa học xong lớp 11 có tấm bằng đại học đỏ rực. Rồi bà còn lo lót để cậu ta vào chân văn thư xã, cũng được tiếng cán bộ áo bỏ trong quần sáng láng. Người không biết chuyện khen nức nở. Kẻ hiểu nội tình bóng gió coi chừng bà lãng phí vài ngàn gánh rau ngót oằn vai đầu tư cho con”.
Người bạn thứ hai thì tâm sự quê mình có vị cán bộ huyện bị vợ cắm sừng. “Cô ấy còn lu loa chồng không quan tâm vợ nên mới thế. Suốt ngày làm việc, tối còn đi học lấy bằng này bằng nọ nộp cơ quan” - người bạn kể thêm vị ấy đen đủi, chả hiểu học hành thực hư thế nào, vừa rồi còn bị chính cô vợ trở mặt tố cáo chồng mua bằng giả, không chừng mất cả chì lẫn chài!
Mặc ai nói gì thì nói, người bạn làm doanh nghiệp tư nhân chỉ ngồi cười. Mãi sau anh mới kể năm rồi tiết kiệm hơn 1 tỉ đồng tiền lương vì “mời” được hai ông trưởng phòng... ra đường. Tiếng là thạc sĩ, tiến sĩ mà họ chẳng làm được gì, chỉ nhăm nhe mỗi chuyện nhảy lên ghế ngồi cao hơn.
Đó chỉ là vài chuyện nhỏ theo dòng thời sự bằng giả và tiền thật lao xao trong xã hội. Nhiều người cho rằng dù làm gì nhưng không có bằng cấp thì vất đi, vì nó là tấm vé đầu tiên. Không tấm vé ấy thì lấy đâu ra chỗ mà xoay xở.
Đó chính là nguồn cơn của xã hội trọng bằng cấp hiện nay, để rồi hệ quả tất yếu là bằng giả (hoặc bằng thật học giả) nhan nhản. Chỉ gõ vài từ bằng đại học giả lên mạng đã thấy hàng loạt đầu mối làm bằng giả “đảm bảo uy tín”.
Thật ra, cái chuyện bằng giả hay bằng thật học giả ở xã hội nào cũng có. Ở Mỹ, bên cạnh hàng loạt trường đại học hàng đầu thế giới, cũng có vô số trường đại học mà chỉ cần đóng vài trăm đôla là có ngay bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, xã hội họ chẳng bận tâm đến những kẻ háo danh, bởi người được trọng dụng phải luôn là kẻ thực tài. Ông có bằng gì thì bằng, nhưng không hiệu quả thì mời ông ra để người khác vào.
Thực chất tấm bằng càng danh giá nếu chủ nhân nó thể hiện được năng lực xứng đáng. Nhưng nó chỉ là tờ giấy lộn không hơn không kém nếu người chủ không thể hiện được mình. Nó không chỉ gây thiệt hại nơi dụng nhân, mà tác hại lớn hơn còn gây suy yếu hệ thống công vụ, lệch lạc các chuẩn mực, niềm tin xã hội. Người cầm bằng thật mà không thể làm nổi việc thì cũng chẳng khá gì hơn bằng giả. Ngược lại, biết bao nhân vật không bằng cấp nhưng lại hiểu rộng và dựng thành việc lớn đáng vinh danh.
Và nói giản đơn như doanh nhân trên thì danh thiếp in đậm học hàm, học vị này nọ chỉ để liếc qua rồi quên. Thứ thật sự được tôn trọng và lưu nhớ chính là họ làm được gì. Chuyện vạch lá tìm sâu, xử lý người đang dùng bằng giả, kiếm tiền thật là biện pháp tình thế cần thiết. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải làm sao cho xã hội không còn mờ mắt trước bằng cấp, để tự thân bằng giả, kể cả bằng thật mà chẳng khác gì giả, không còn đất sống...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận