Dự kiến sau điều chỉnh, giá đất ở cao nhất tại Hà Nội như tại phố Hàng Đào khoảng 187 triệu đồng/m2 - Ảnh: X.LONG
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, điều này nhằm tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP. Trong khi đó, TP.HCM vẫn đang xem xét.
Chỉ đề xuất tăng 15%
Ông Nguyễn Đức Chung đã ký tờ trình gửi HĐND TP xem xét ban hành nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn, áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024. Theo đó, để xây dựng bảng giá đất mới, các cơ quan đã khảo sát giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường tại 584 xã, phường.
Với giá đất ở đô thị, giá chuyển nhượng đất ở thực tế trên thị trường tại các quận nội thành phổ biến từ 10 triệu đến 500 triệu đồng/m2. Giá chuyển nhượng đất ở thực tế trên thị trường tại các huyện phổ biến dao động từ 1,2 triệu đến 70 triệu đồng/m2.
UBND TP Hà Nội thừa nhận "giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cao hơn giá cùng vị trí quy định tại bảng giá đất của UBND TP". Tuy nhiên, bảng giá mới phải từng bước đảm bảo sự cân đối về giá đất, góp phần bình ổn giá nói chung, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá thị trường, cân đối giá giữa các vùng.
Vì vậy, UBND TP thống nhất đề xuất HĐND xem xét mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 bình quân 15% so với giai đoạn 2014-2019.
Không tác động đến số đông người dân?
Theo Cục Thuế TP Hà Nội, dự kiến với phương án điều chỉnh tăng giá đất bình quân 15% trong giai đoạn 5 năm tới, bảng giá các loại đất điều chỉnh tăng sẽ làm tăng thu cho ngân sách đối với các loại thuế, phí, tiền thuê đất tương ứng khoảng 3.810 tỉ đồng. Điều này làm tăng chi phí với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, đối với các hộ gia đình, cá nhân, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết tiền thuế thu được từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2019 khoảng 369 tỉ đồng. Theo đó, với mức tăng khoảng 15% tương ứng với số tiền khoảng 57 tỉ đồng phân bổ trên 1,3 triệu hộ dân thủ đô phải nộp thuế, mỗi năm một hộ dân chỉ đóng thêm gần 45.000 đồng.
Tuy nhiên, Cục Thuế TP Hà Nội cho rằng theo chu kỳ ổn định của khoản thuế này, đến ngày 1-1-2022 mới phải thực hiện điều chỉnh theo bảng giá mới, do đó tác động của việc tăng giá đất sẽ không nhiều. Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội khẳng định "việc điều chỉnh giá đất không gây nhiều tác động đến đại bộ phận người dân".
Đối với các dự án đầu tư, UBND TP Hà Nội cho rằng việc tính tiền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư được thực hiện theo các phương pháp xác định giá đất cụ thể, không phụ thuộc vào bảng giá đất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Hồ Vân Nga, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Hà Nội, cho biết UBND TP đã trình giữ nguyên giá đất nông nghiệp như đang áp dụng. Với bảng giá đất ở tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều, tăng bình quân 12% đối với các tuyến đường 1 chiều.
"Qua thẩm tra, chúng tôi đánh giá việc không điều chỉnh tăng giá đất nông nghiệp sẽ đảm bảo không ảnh hưởng đến các dự án thu hồi đất vùng ngoại thành... Việc tăng là không tránh khỏi nhưng tăng với mức trên không quá lớn để gây ra ảnh hưởng lớn" - bà Hồ Vân Nga nói.
Những ai sẽ bị ảnh hưởng?
Đề cập những tác động từ điều chỉnh giá đất, UBND TP Hà Nội cho rằng việc điều chỉnh tăng giá đất ở sẽ tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tăng số thu từ tiền sử dụng đất đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; tăng nguồn thu từ thuế thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ về đất.
UBND TP Hà Nội cho rằng việc điều chỉnh bảng giá đất có thể tác động gián tiếp đến thị trường bất động sản, đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn TP do yếu tố tâm lý như các chủ đầu tư "tranh thủ" tăng giá bán bất động sản tại dự án với lý giải do các khoản thuế, phí tăng. Các hộ nằm trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trông chờ giá bồi thường tăng.
TP.HCM chuẩn bị nhiều phương án giá đất
Tại TP.HCM, các cơ quan chức năng cho biết vẫn đang xây dựng dự thảo nhiều phương án giá đất cho kỳ 5 năm 2020-2024 để "đón đầu" khung giá đất mà Chính phủ sắp ban hành. Trong đó, có phương án tăng theo giá thị trường, có phương án dự phòng tăng trên nền bảng giá đất hiện tại.
Theo quy định, bảng giá đất do các địa phương ban hành phải phù hợp với khung giá đất của Chính phủ. Giá đất theo bảng giá tại TP.HCM hiện hành xây dựng từ năm 2015 đã cao kịch trần so với khung giá đất hiện hành.
Và trong 5 năm qua, giá đất thị trường đã tăng nhiều nhưng khung giá đất không thay đổi nên TP không thể dựa vào khung giá này để xây dựng bảng giá đất mới cho chu kỳ 5 năm tới.
Vì vậy, UBND TP phải chờ Chính phủ ban hành khung giá đất mới làm cơ sở xây dựng bảng giá đất cho chu kỳ 5 năm tới.
Theo các chuyên gia, bảng giá đất của TP.HCM hiện chỉ bằng khoảng 20% so với giá thị trường, tỉ lệ thấp hơn nhiều so với bảng giá đất của các tỉnh lân cận (bằng khoảng 80% giá thị trường).
Vừa qua, nhiều chuyên gia kiến nghị TP.HCM nên xây dựng bảng giá đất bằng khoảng 80% giá thị trường, góp phần minh bạch thị trường bất động sản, tránh thất thoát nguồn thu ngân sách.
D.N.HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận