Từ dữ liệu về bằng ĐH của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trên một quảng cáo làm bằng ĐH, chúng tôi kiểm tra trên trang web của trường và hoàn toàn không có thông tin nào về người học này - Ảnh: Minh Giảng |
Thế nhưng, việc sử dụng những tấm bằng giả này liệu có dễ dàng?
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết trước đây mỗi năm trường nhận được hàng trăm đề nghị xác minh văn bằng.
“Khi tôi còn quản lý đào tạo tại chức cũng nhận được nhiều yêu cầu xác minh văn bằng và qua đối chiếu đã phát hiện một số văn bằng giả. Bằng cảm quan bình thường cũng có thể phát hiện một số trường hợp làm bằng giả vì nhà trường có số hiệu riêng, rồi hiệu trưởng những thời kỳ khác nhau là những người khác nhau thì chữ ký cũng khác. Cách dịch tiếng Anh trên văn bằng của trường cũng là dấu hiệu để phát hiện”- ông Điền nói.
Việc công bố công khai thông tin về văn bằng, chứng chỉ nhằm công khai, minh bạch hoạt động đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục. Điều này cũng giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra, giám sát hoạt động cấp văn bằng, chứng chỉ một cách thuận lợi, hạn chế tình trạng gian lận và tiêu cực trong việc cấp văn bằng, chứng chỉ |
Bà LÊ THỊ KIM DUNG (vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT) |
Xác minh là có bằng giả
Theo ông Điền, từ năm 2012 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã được Bộ GD-ĐT chính thức cho phép tự in phôi văn bằng nên mẫu văn bằng do trường thiết kế hoàn toàn khác trước. Những trường hợp làm bằng giả theo mẫu cũ đều dễ dàng bị phát hiện.
Phôi thật khó lọt ra ngoài Một số đối tượng quảng cáo làm bằng giả bằng phôi bằng thật, bảng điểm thật của trường. PGS-TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, khẳng định việc phôi bằng thật lọt ra ngoài là điều rất khó xảy ra. Theo ông Xê, phôi bằng các trường nhận về đều có số xêri, có ghi chép đầy đủ. Trường hợp phôi in bị hư trường vẫn phải lưu lại, sau một thời gian mới lập hội đồng hủy phôi bằng. Ngay cả trường hợp phôi bằng thật lọt ra ngoài thì bằng đó phải do một trường ĐH nào đó cấp. Chỉ cần kiểm tra hồ sơ gốc là biết ngay đó là bằng giả. Thế nên bằng giả khó mà sử dụng được. |
Thời gian gần đây, một tổ chức của Ấn Độ chuyên về xác minh văn bằng thường gửi đề nghị nhà trường xác minh văn bằng, chủ yếu về bằng tốt nghiệp ĐH ngành công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
“Có lẽ khi đề nghị xác minh họ đã có nghi vấn nên trường đã phát hiện hàng trăm trường hợp bằng giả khi đối chiếu bản photo văn bằng của tổ chức này gửi tới”- ông Điền nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quang - cán bộ phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho biết liên tục nhận được yêu cầu xác minh văn bằng, chủ yếu từ các sở ngành địa phương, các công ty săn đầu người, công ty nước ngoài và các đơn vị khối công an, quân đội.
Theo ông Quang, trường cũng có phát hiện trường hợp bằng giả nhưng không nhiều.
Năm 2014, một đơn vị nhà nước đã gửi công văn đề nghị Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM xác minh văn bằng của hàng chục người có bằng tốt nghiệp của trường này. Kết quả xác minh có nhiều bằng là bằng giả.
Bà Nguyễn Thị Mai Bình - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM - cho biết có bằng tốt nghiệp ghi năm cấp bằng là 1994 - tức là bằng cấp trước khi trường được thành lập (năm 1995).
Hay như ngành kỹ thuật xây dựng bậc ĐH năm 2014 trường mới có sinh viên tốt nghiệp nhưng năm 2013 đã nhận được yêu cầu xác minh bằng tốt nghiệp ĐH ngành này do doanh nghiệp gửi đến.
Mới đây nhất, nhân viên một phòng công chứng đã liên hệ với trường nhờ xác minh bằng tốt nghiệp kỹ sư... kế toán do trường cấp (chính xác phải là cử nhân kế toán - PV). Đó là những thông tin mà nhìn vào có thể thấy ngay là bằng giả.
“Hằng năm trường đều nhận được rất nhiều yêu cầu xác minh văn bằng từ các đơn vị bên ngoài và hầu như lần nào cũng có bằng giả. Có đợt cao điểm trường xác minh và phát hiện hơn 20 bằng giả chỉ trong một đợt.
Đại diện nhiều trường ĐH khác như Công nghiệp TP.HCM, Công nghệ TP.HCM, Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), Cần Thơ... cũng cho biết nhận được khá nhiều yêu cầu xác minh văn bằng và hầu như đợt nào cũng có một vài trường hợp sử dụng bằng giả.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Ngọc Thái - cán bộ phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết hầu như tháng nào cũng có yêu cầu xác minh văn bằng do các đơn vị bên ngoài gửi về trường. Hầu hết yêu cầu xác minh là từ các doanh nghiệp nhà nước, các sở ngành và công an, quân đội. 100% yêu cầu xác minh đều được trường trả lời bằng văn bản.
“Tỉ lệ bằng giả đã giảm so với trước đây nhưng vẫn còn. Việc làm bằng giả ngày càng tinh vi hơn nhưng với những người làm công tác cấp phát văn bằng, mỗi trường đều có những dấu hiệu riêng và có thể phát hiện bằng mắt thường. Nếu không, chỉ cần kiểm tra hồ sơ gốc là phát hiện ngay bằng thật hay giả” - ông Thái nói thêm.
Trong khi đó PGS.TS Cao Văn - hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) - cho biết gần đây trường cũng đã xác nhận một trường hợp từ Gia Lai gửi ra hoàn toàn không có trong hồ sơ cấp phát văn bằng.
Công khai tra cứu văn bằng
Bên cạnh việc xác minh và trả lời bằng văn bản cho các đơn vị có yêu cầu xác minh, hiện nay nhiều trường ĐH đã cung cấp dữ liệu tra cứu văn bằng ngay trên trang web của mình. Chỉ cần gõ một vài thông tin là có thể xác minh ngay đó là bằng thật hay giả.
Từ thông tin, hình ảnh về các bằng ĐH trên một số trang web quảng cáo làm bằng ĐH, chúng tôi thử kiểm tra văn bằng trên trang web của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và kết quả một số bằng là giả, hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào về người học, một số bằng khác lại đưa ra chi tiết về ngành học, khóa học, mã số sinh viên, năm tốt nghiệp... tức là bằng thật.
Nhiều trường ĐH khác như Bách khoa, Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), Tôn Đức Thắng, Công nghiệp TP.HCM... cũng đã cung cấp công cụ tra cứu văn bằng trên trang web của mình.
Ông Nguyễn Văn Quang cho biết trường đang xây dựng dữ liệu về sinh viên để cung cấp công cụ tra cứu văn bằng giúp các đơn vị bên ngoài có thể nhanh chóng kiểm tra bằng đó là thật hay giả.
Theo đại diện nhiều trường, việc công khai dữ liệu tra cứu không chỉ giảm bớt công việc xác minh của trường mà từ đó còn tạo áp lực tâm lý cho những người muốn sử dụng bằng giả. GS Ngô Thế Chi - nguyên giám đốc Học viện Tài chính - cho rằng với công nghệ hiện nay thì việc làm bằng giả ngày càng tinh vi.
“Không như bằng tốt nghiệp ĐH trước đây đều dán ảnh, bằng tốt nghiệp ĐH hiện nay không dán ảnh nên các cơ sở đào tạo cũng bị mất đi một cơ sở dữ liệu để đối chiếu. Theo tôi, cách tốt nhất là các cơ sở đào tạo phải đưa lên mạng thông tin cấp phát văn bằng để xã hội giám sát, các đơn vị tuyển dụng, sử dụng người lao động tiện kiểm tra, đối chiếu”- ông Chi nói.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết Bộ GD-ĐT từng có quy định hướng dẫn công khai thông tin văn bằng. Theo đó, từ năm 2013 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đưa tất cả dữ liệu về cấp phát bằng cấp, về người tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ của trường từ năm 1965 đến nay lên mạng.
Với dữ liệu này, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sử dụng file PDF để ngăn chặn tình trạng chỉnh sửa. PGS.TS Cao Văn cho biết kể cả những đề nghị gửi bằng đường chuyển phát nhanh trường cũng sẽ chủ động gửi lại bằng đường chuyển phát nhanh sau khi xác minh.
Các trường phải công khai thông tin về văn bằng Ngày 28-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Kim Dung - vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT - khẳng định việc làm giả bằng cấp, mua bán và sử dụng bằng giả đều là hành vi vi phạm pháp luật. Hình thức rao bán bằng giả một cách công khai cho thấy các đơn vị sử dụng lao động cần phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo trong kiểm tra, xác minh văn bằng. Các cơ sở giáo dục có thẩm quyền cấp văn bằng có trách nhiệm xác minh văn bằng theo đề nghị của các cơ quan, doanh nghiệp. Thực tế văn bằng chứng chỉ được quản lý thống nhất, bản chính văn bằng, chứng chỉ cấp một lần, không cấp lại. Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong cấp phát và sử dụng văn bằng, chứng chỉ. Bà Dung cho biết Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư mới thay thế quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT về quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân và thông tư số 22/2012/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Trong dự thảo thông tư mới, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được trao quyền tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ theo mẫu quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, bên cạnh việc mở rộng quyền tự chủ thì các trường có trách nhiệm phải công bố công khai thông tin trên trang thông tin điện tử và báo cáo việc cấp, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ. “Việc công bố công khai thông tin về văn bằng, chứng chỉ nhằm công khai, minh bạch hoạt động đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục. Điều này cũng giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra, giám sát hoạt động cấp văn bằng, chứng chỉ một cách thuận lợi, hạn chế tình trạng gian lận và tiêu cực trong việc cấp văn bằng, chứng chỉ”- bà Dung nhấn mạnh. Theo đó, thông tin phải công bố công khai gồm danh sách được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục theo năm với đầy đủ các thông tin ghi trên văn bằng… đảm bảo chính xác so với sổ gốc cấp, phát văn bằng, chứng chỉ. Các dữ liệu này phải được cập nhật và lưu trữ thường xuyên trên trang thông tin điện tử của cơ quan đã cấp văn bằng, bảo đảm dễ quản lý, truy cập, tìm kiếm. Bộ GD-ĐT cũng sẽ yêu các cơ sở có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm công bố công khai các thông tin này của người học trên trang thông tin điện tử của đơn vị chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày thực hiện việc cấp, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận