Bảng chỉ dẫn không chỉ đảm bảo các chức năng cơ bản theo như thông điệp thông tin, hướng dẫn... mà phải làm sao dễ đọc, dễ nhớ.
Trước đó, rất nhiều bạn đọc đã thắc mắc cụm từ “ke ga” có ý nghĩa gì khi được gắn tại các bảng chỉ dẫn trong ga tàu tuyến metro số 1.
Còn tại sân bay Tân Sơn Nhất đang xuất hiện cụm từ tiếng Anh "technology vehicles" mà theo bạn đọc thì... rất khó hiểu.
Tuổi Trẻ Online giới thiệu câu chuyện này qua góc nhìn của bạn đọc Mạnh Quang và gợi ý của ThS Bùi Đức Tiến - giảng viên khoa Anh, Trường đại học Sư phạm TP.HCM.
"Ngượng" khi giải thích với khách quốc tế
"Đến sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi bảng chỉ dẫn tiếng Việt lại khá rõ ràng từ bên trong lẫn bên ngoài ga, giúp hành khách dễ dàng định vị, nắm bắt thông tin, thì các bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh đôi khi thật sự đánh đố người đọc.
Điển hình là cụm từ "technology vehicles" được dán trên nhiều bảng chỉ dẫn tại khu vực ga đến.
Có lần, hai bạn trẻ người Úc đi cùng chuyến bay với tôi từ Hà Nội vào, muốn đón xe công nghệ về trung tâm thành phố đã rất bối rối vì không biết đón xe ở đâu và bật cười khi được giải thích cụm từ "technology vehicles" trên bảng hướng dẫn có nghĩa là "xe công nghệ".
Cuối cùng tôi phải hướng dẫn các bạn đi đến chỗ đón xe công nghệ... chứ cứ đứng đó "đoán già đoán non" chắc không biết khi nào mới đoán ra "technology vehicles" chính xác là gì.
Tham khảo một số tài liệu tiếng Anh, cụm từ "vehicles technology" có nghĩa là công nghệ sử dụng trong sản xuất xe, hay "technological vehicles" có thể hiểu là phương tiện giao thông có áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.
Còn đằng này trên bảng hướng dẫn cụm từ "technology vehicles" dịch nghĩa "xe công nghệ" là theo kiểu dịch từng chữ rồi tự ghép lại, cuối cùng lại không ra nghĩa gì, gây khó hiểu cho nhiều khách quốc tế.
"Xe công nghệ" nói tiếng Anh thế nào cho đúng?
Là giảng viên chuyên ngành biên - phiên dịch, tôi cho rằng bản dịch "xe công nghệ" thành "technology vehicles" chưa đạt khi xét đến mục đích dịch thuật, đặc điểm ngôn ngữ, và tương đương trong dịch thuật.
Xét về mục đích: biển báo tại sân bay Tân Sơn Nhất nhằm hướng dẫn rõ ràng, đơn giản, không gây khó hiểu cho hành khách.
Tuy nhiên, phương pháp được sử dụng trong trường hợp này là word for word (từ sang từ) - là phương pháp dịch dùng trong nghiên cứu, so sánh đối chiếu các ngôn ngữ, thường sẽ cho ra các bản dịch "ngô nghê", thiếu tự nhiên, không phù hợp trong văn bản hành chính và lời nói thường ngày, đặc biệt là biển báo.
Khi dùng Google để tra cứu, chỉ tìm thấy kết quả cho cụm từ "vehicle technologies", tức công nghệ xe.
Như thế, cảm giác khi đọc "technology vehicles" là cảm giác khó hiểu.
Xét về các từ đi đôi với nhau (collocation), từ vehicle (xe cộ) có thể đi sau các từ như motor (gắn máy), electric (điện), diesel (dầu), emergency (ưu tiên)… (theo kết quả trên từ điển collocation ozdic.com). Riêng từ "technology" không nằm trong danh sách các từ đi trước từ "vehicle".
Do đó, vấn đề cần giải quyết là tìm cụm từ "tương đương".
Khái niệm "xe công nghệ" trong ngôn ngữ tiếng Anh bản xứ được diễn đạt bằng từ Hail (gọi xe) hoặc Ride-sharing (chia sẻ chuyến đi), và không hề có yếu tố "công nghệ/technology" trong các cụm từ này.
Như vậy, Ride-hailing app (ứng dụng gọi xe) hoặc Ride-sharing app (ứng dụng chia sẻ chuyến đi) là bản dịch trung thành (faithful), đúng đắn và phù hợp cho bảng chỉ dẫn tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Một số bảng chỉ dẫn tham khảo các nước:
Chỉ riêng với từ "xe công nghệ", có thể dùng những từ tiếng Anh đại chúng, dễ hiểu như "App-based rideshare" hay đơn giản hơn là "Ride app" như một số sân bay ở Mỹ từng làm.
Cũng có thể dùng cụm từ "E-hailing", "Ride-hailing". Đơn giản, dễ hiểu nhất là để logo các hãng xe kèm mũi tên chỉ hướng đi như tại sân bay quốc tế Soekarno–Hatta (Jakarta, Indonesia).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận