25/12/2024 05:18 GMT+7

Bán vé số không nài nỉ được không?

Dù biết việc mời mọc nài nỉ mua vé số gây phiền hà, thậm chí bực bội cho người khác nhưng người bán vé số dạo tại miền Tây vẫn phải làm vì "miếng cơm manh áo".

Bán vé số không nài nỉ được không? - Ảnh 1.

Mặc trang phục như Thần tài, tạo ấn tượng với khách để bán vé số dễ hơn thay vì chèo kéo gây khó chịu - Ảnh: LÊ DÂN

Nhiều người không muốn mua vé số nhưng buộc phải mua cho xong để đổi lấy sự riêng tư và yên tĩnh.

Muốn yên phải mua vài tờ

Anh Nguyễn Văn Tính (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: Cũng có người bán khá lịch sự, thấy mình đang ăn hoặc nói chuyện, họ đợi mình ăn xong mới đến mời mua vé số. Nhưng cũng có người "nhiệt tình" quá mức, không chỉ mời mà còn chèo kéo đủ cách.

Anh Tính kể chuyện: Mới đây anh cùng bốn người bạn vào quán nước, ngồi chưa lâu đã có ít nhất năm người đến mời mua vé số, buổi trò chuyện bị gián đoạn liên tục. Trong đó có một cụ bà ngoài 70 tuổi, sau khi bị từ chối không mua, cụ liền thảy xấp vé số xuống bàn.

Thấy vậy, một người bạn ngồi cùng mới nhẹ nhàng lấy xấp vé số trả lại cho bà cụ nhưng bà nhất quyết không nhận mà dúi luôn vào túi áo. "Bà cụ kể lể đủ chuyện trên đời, nào sáng giờ chưa bán được tờ nào, các cháu ở nhà chưa có cơm ăn, cuối tháng không đủ tiền đóng học phí. Chịu hết xiết, tôi miễn cưỡng mua năm tờ, bà cụ nhận tiền xong rồi bỏ đi", anh Tính nói.

Anh Lê Hữu Lễ (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết có nhiều người bán vé số mời chào rất dai, thậm chí không mua họ còn tỏ thái độ. "Tôi nói chuyện với khách hàng nhưng người bán vé số dạo cứ đến vô tư làm phiền. Họ cứ đứng mãi, dù mình nhiều lần từ chối nhưng họ vẫn không đi, nài nỉ, kể lể về hoàn cảnh gia đình. Muốn yên thì phải mua vài tờ", anh Lễ ấm ức.

Từ Hà Nội vào các tỉnh miền Tây chơi, chị Phạm Quỳnh cho biết rất thích ngồi la cà những quán cóc ven đường để thưởng thức những món đặc sản của miền sông nước. Nhưng 10 lần như một, chị mất vui vì bị những người bán vé số làm phiền, mời mọc đủ kiểu, đủ cách khiến chị rất khó chịu.

"Thật lòng mà nói ai cũng vì cuộc sống mới đi bán buôn để có tiền. Nhưng mật độ người bán vé số quá dày đặc, nài nỉ làm mình ăn uống không được yên, rất ức chế", chị Quỳnh nói.

Sợ bị "cắt vé" mới phải chèo kéo

Muốn bán hết vé số đã lấy từ đại lý, những người bán vé số ở miền Tây Nam Bộ phải đi tận hang cùng ngõ hẻm, hay bất chấp nguy hiểm tràn xuống đường mời mọc, chèo kéo.

Ông T.B. (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) mỗi ngày lấy hai cùi vé số 260 tờ để bán, chỉ có ngày thứ bảy có thể được trả lại vé của đài Hậu Giang, còn những ngày khác không được trả lại. Nếu trả lại 10 tờ thì hôm sau đại lý sẽ cắt bớt 10 tờ, trả nhiều lần họ không giao vé cho bán nữa vì có rất nhiều người muốn lấy vé số bán mà không có.

"Áp lực phải bán hết vé nên đói bụng không dám ăn cơm, rồi phải chèo kéo, mời mọc người mua mới mong bán hết", ông B. nói. Hay như bà T.H. (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) hằng ngày lội bộ hàng chục cây số từ huyện Phong Điền ra quận Ninh Kiều bán vé số. Dù không đeo bám, chèo kéo nhưng bà cũng thường "mời nhiều lần, nếu khách không mua, đi chỗ khác bán, chút quay lại mời tiếp".

Còn bà Trần Như Ngọc (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết có quá nhiều người bán vé số dạo nên buộc phải đi chào mời thì khách mới mua. Mỗi ngày phải lội bộ hàng chục cây số mới mong bán được 100 tờ vé số.

"Ngán nhất là những khi vô các quán cà phê, quán ăn mà có ai đó bán trước cho khách quen rồi, mình đi mời khách có khi cả buổi không bán được tờ nào, chỉ nhận lại những cái lắc đầu khó chịu", bà Ngọc nói.

Cấm bán vé số trong quán cà phê, quán ăn

Chị Bùi Như Ý, một chủ quán nhậu ở TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), cho biết thời gian gần đây có nhiều khách phàn nàn về việc bị chèo kéo, nài nỉ mua vé số, mua hàng rong. Chị treo luôn bảng cấm người bán vé số, hàng rong vào quán mời khách.

Từ khi treo bảng cấm, khách thoải mái hơn, ít bực bội vì phải gặp cảnh nhiều người mời chào vé số, thậm chí họ bắc ghế ngồi cạnh nài nỉ và không chịu đi nếu khách không mua. Cách này cũng không hay nhưng không còn cách nào khác vì phải tạo không gian riêng, thoải mái cho khách nếu không muốn mất khách.

Tràn xuống đường bán vé số bất chấp nguy hiểm

Bán vé số không nài nỉ được không? - Ảnh 2.

Bất chấp hiểm nguy, bán vé số tại ngã ba trên quốc lộ 1, đoạn thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: LÊ DÂN

Do cạnh tranh và áp lực bị "cắt vé" nếu trả lại vé số ế nên người bán vé số dạo tại miền Tây bất chấp nguy hiểm rình rập xuống đường bán vé số. Tại một ngã ba trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Cái Răng, Cần Thơ) khi dòng xe dừng lại đèn đỏ thì một người đàn ông bán vé số nhanh chóng tiếp cận chào mời mua vé số, bất chấp dòng xe tải, container nối đuôi chuẩn bị di chuyển. Tình trạng xuống đường bán vé số còn xảy ra ở đường Ba Mươi Tháng Tư, Ba Tháng Hai… của quận Ninh Kiều.

Tại một số tuyến đường ở trung tâm TP Cà Mau như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lưu Tấn Tài… vẫn còn tình trạng một số người bán vé số tràn xuống lề đường để vẫy gọi xe máy, người đi đường mua vé số.

Một số người bán vé số cho biết "do ế quá" không biết làm sao để giải quyết hết vé số trong khi giờ xổ số cận kề nên họ đành chọn những con đường có đông đúc người qua lại để xuống đường chào bán với hi vọng bán được vé nào đỡ vé đó.

Bán vé số tại chỗ?

Bán vé số không nài nỉ được không? - Ảnh 2.

Người bán vé số dạo phải len lỏi khắp nơi mới bán được hết vé số đã lấy từ đại lý - Ảnh: LÊ DÂN

"Được nhưng sẽ ế", chủ một đại lý vé số cấp hai tại Cần Thơ nói như vậy. Theo ông này, ngồi một chỗ rất khó bán trừ khi bán theo hình thức trúng thưởng như "trúng 2 số cuối giải đặc biệt thì được hoàn vé" hay "trúng 3 số cuối giải đặc biệt thì thưởng 200.000 đồng/vé". Tiền thưởng do người bán vé số tự trả thưởng để khuyến khích người mua vé số tại nơi họ bán. Nhưng đâu phải ai cũng có nhiều vốn để bán theo hình thức này.

"Người bán dạo lấy nhầm vé số có số đuôi bị coi là số xấu nếu ngồi một chỗ bán không được, phải ôm coi như ngày đó lỗ vốn", ông này dẫn chứng và cho biết trước đó cũng có công ty xổ số trang bị kệ cho người bán vé số nhưng không hiệu quả nên cũng không còn thực hiện.

Ông Nguyễn Trường Giang, trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), cho biết khoảng ba tháng nay đã yêu cầu những người bán vé số dạo tập trung bán trên đường Lê Đại Hành. Bước đầu có khoảng 40 người tham gia, người dân cũng dần có thói quen muốn mua vé số thì đến tuyến đường này tìm kiếm. Người bán cũng vì thế mà bán được hơn, ít có cảnh mời chào, nài nỉ.

Bà Trương Mộng Nghi, có tủ bán vé số trên đường Lê Đại Hành, cho biết đã về đường này bán được hơn hai tháng nay. Nhìn chung việc bán tại chỗ chưa bằng trước đây khi phải đi bộ hàng chục cây số đến các hàng quán để bán nhưng người mua vé số cũng tăng qua từng ngày.

Ông Nguyễn Văn Cảnh (TP Cà Mau) cho biết buổi sáng ông chọn cố định một điểm bán, bày vé số ra nhiều trên bàn để khách quen đi ngang thấy số đẹp lựa chọn. Đến trưa và chiều nếu chưa bán hết ông mới đi các quán cà phê để bán tiếp.

"Bán vé số nhờ khách mối nên lần này họ không mua thì lần sau họ mua, không nài ép và tỏ thái độ với họ được", ông Cảnh chia sẻ kinh nghiệm.

Tránh gây phiền hà cho người mua, nhiều người bán vé số cũng đã nghĩ ra cách như mặc đồ ông Thần tài để bán vé số và khi đó họ bán vé số dễ hơn, không phải đeo bám theo khách.

Bán vé số không nài nỉ được không? - Ảnh 4.Công ty vé số học tập nước ngoài, người bán dạo mong ước điều gì?

Trước thông tin các công ty vé số và đại lý ra nước ngoài học tập kinh nghiệm, người bán vé số dạo đau đáu nỗi niềm ước mong được tăng thêm thu nhập, sống tốt hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp