Phóng to |
Quỳnh đến trường sau giờ đi bán vé số - Ảnh: Tiến Long |
Ít lâu sau, tôi tìm về nơi Quỳnh sống ở P.Phú Hiệp (TP Huế). Phải nói đúng như lời mẹ Quỳnh là cả nhà em đang “ăn nhờ ở đậu”. Mẹ Quỳnh sinh được sáu người con. Nhà nghèo đến mức cái giường cũng không có nhưng cả sáu đứa đều ngoan hiền, học giỏi. Những tấm vé số đã theo bước chân nhọc nhằn bao năm nuôi chị em Quỳnh học hành, khôn lớn.
Bước chân khó nhọc
Hạnh phúc khi kiếm tiền để học Cô Nguyễn Trúc Anh, giáo viên Trường THPT Gia Hội - chủ nhiệm lớp Quỳnh, cho biết hầu hết thầy cô trong trường ai cũng biết Quỳnh vì thường xuyên gặp em bán vé số dọc đường. Khác với các học sinh khác tự ti về hoàn cảnh của mình, thấy thầy cô bạn bè thì tránh mặt, Quỳnh vẫn vui vẻ mời thầy cô mua vé số như bao khách hàng khác. Thầy cô nào hỏi về hoàn cảnh, em bảo vẫn thấy hạnh phúc khi chính mình đi làm để kiếm tiền đi học. Thấy thương nên ai gặp cũng mua ủng hộ cho em. Ở lớp Quỳnh không đi học thêm môn học nào cả nhưng vẫn đạt học sinh tiên tiến. Còn cô Lê Nguyễn Thanh Phương, giáo viên chủ nhiệm của Thảo, nói nhiều lần mẹ Thảo lên gặp cô xin khất học phí nước mắt lưng tròng nhìn thấy mà thương. |
Cái nghèo đến mức tưởng chừng đã quật ngã chị em Quỳnh giữa đường đời khó nhọc. Nhưng không, những tấm vé số như buổi chiều 30 tết đã chở theo khát vọng đến trường của chị em Quỳnh. Chị Dung, mẹ Quỳnh, kể ngày chị và anh Lực lấy nhau, hai người chỉ có... bốn bàn tay trắng. Không biết “kế hoạch”, sáu con lần lượt ra đời trong cảnh khốn khó. Ngày đó, anh Lực còn khỏe, làm nghề bốc vác, chị không nghề ngỗng, chả có đồng vốn lận lưng đành xuống đường bán vé số. Con càng lớn, cuộc sống càng túng thiếu hơn. Tiền trọ không đủ. Vậy là cứ vài tháng anh chị lại dắt díu con đi tá túc hết chỗ này đến chỗ khác. Vì bốc vác quá sức, anh Lực bị đứt dây chằng, không làm được việc nặng.
Nhưng giữa căn nhà trọ tối tăm ấy, trong đầu mấy đứa trẻ vẫn ánh lên khát vọng học hành. Anh Lực chị Dung cũng vậy, trong giấc mơ của họ luôn thôi thúc ước vọng cho con được đến trường. Rồi ngày đầu tiên các con bước đến lớp, cũng là lúc miếng cơm manh áo rượt đuổi anh chị. Không còn cách nào khác, cứ đứa nào đến tuổi biết đếm tiền là anh chị cho xuống đường bán vé số. Biết cái nghèo đang quấn vào lưng cha mẹ, mấy đứa trẻ ngoan hiền bước vào cuộc mưu sinh.
Quỳnh giờ đẹp như đóa hoa, đã là cô nữ sinh lớp 11A2 Trường THPT Gia Hội (TP Huế). Quỳnh kể em bắt đầu theo mẹ và anh trai đi bán vé số từ năm lớp 7. Quỳnh tâm sự mới đầu khi đi bán em thấy mặc cảm, xấu hổ. Lên lớp bị bạn bè trêu chọc, tủi thân nhưng sợ mẹ buồn, Quỳnh chỉ biết đứng khóc một mình. Nhưng ngày qua ngày, cầm đồng tiền kiếm được từ giọt mồ hôi đổ xuống và được tiếp tục đến trường, lòng Quỳnh nhẹ nhõm hơn. Bạn bè cũng hiểu ra mà thương Quỳnh. “Hồi đó, con cứ nghĩ nhà mình nghèo cứ lo cho miếng ăn của mình đã. Mình có đi ăn cắp, ăn trộm mô mà sợ chú hè” - Quỳnh nhớ lại.
Nghèo túng nhưng chị Dung luôn động viên các con cố gắng học, sống tình nghĩa. Chị Dung chia sẻ: “Vì chồng bị bệnh không kiếm đủ tiền nuôi con nên đành cho con xuống phố bán vé số. Đôi lúc thấy thương con đứt ruột. Bọn trẻ bằng vai phải lứa với chúng chỉ biết lo ăn, lo học, còn con mình 4g-5g sáng đã phải lụi cụi thức dậy đi bán. Chị chỉ biết động viên con nhìn đời cha mẹ vất vả mà cố gắng học hành, với cầu mong sau này đổi thay. Dù có đói khổ, thiếu miếng ăn nhưng bằng mọi giá phải cho con học”.
Đường đời chông chênh
Ngoại trừ ba em nhỏ chưa biết đếm tiền, còn lại anh trai và em gái Quỳnh cũng theo mẹ đi bán vé số để được một buổi đến trường. Tám miệng ăn chỉ trông chờ vào ba đồng tiền ít ỏi kiếm được từ bán vé số của bốn mẹ con.
Hình ảnh cô bé Quỳnh tuổi 17, đôi dép cũ kỹ mòn đến gót chân bước gấp, trên tay em cầm tập vé số khiến không ít người thương cảm. Nhưng ít ai biết tấm thân mảnh dẻ ấy cầm xấp vé số xuống đường mỗi ngày là để đổi bút sách. Chị Dung tâm sự: “Năm nay, Tiến - con trai đầu học lớp 12 - nên chị không cho đi bán vé số nữa mà tập trung ôn thi đại học. Trong lúc bạn bè chọn ngành này ngành khác để thi thì Tiến chỉ có một lựa chọn: ngành nào không đóng học phí”.
Chị Dung nói Tiến sẽ thi vào trường công an để khỏi phải đóng học phí. Tiến nghỉ bán, gánh nặng càng đặt lên vai Quỳnh và em gái của mình là Nguyễn Thị Như Thảo đang học lớp 8. Quỳnh với Thảo học khác buổi, cứ thay nhau chị sáng, em chiều cùng mẹ “cày cuốc” lấy tiền cho anh mua thêm sách học ôn thi. Mỗi buổi sáng mẹ chở Quỳnh bằng xe đạp 7km lên bỏ lại ở đại lý. Nhận vé xong, mẹ con chia nhau rảo quanh phố phường. Có ngày xe hư không đủ tiền sửa, hai mẹ con phải lủi thủi cuốc bộ từ sớm.
Như quy ước, cứ đến 10g hai mẹ con lại chở nhau về để Quỳnh sửa soạn bài vở đi học. Buổi chiều mẹ và em Thảo tiếp tục đi bán, rồi đợi khi Quỳnh tan trường ba mẹ con tranh thủ bán thêm buổi tối ở các quán nhậu. Lầm lũi cả ngày nhưng mấy mẹ con cũng chỉ kiếm độ 150.000 đồng. Số tiền ít ỏi chỉ đủ lo cơm mắm, còn tiền học phí của con xoay xở vô vàn khó khăn. “Có đêm Quỳnh ôm chặt vai mẹ khóc năn nỉ cho được nghỉ học để phụ mẹ nuôi em. Nghe từng lời con tui như đứt ruột nhưng không dám khóc trước mặt nó. Rồi mấy mẹ con động viên nhau cố gắng cho qua ngày đoạn tháng” - chị Dung nói.
Quỳnh khoe: “Tất cả áo, dép con mang trên người là của chị Trân đó”. Chị Trân là ai? Quỳnh nói là người chị tốt bụng học ở Trường chuyên Quốc Học mà Quỳnh gặp trên đường đi bán vé số. Tất cả áo quần chị Trân cho Quỳnh rất ưng ý vì mặc vừa vặn không phải tốn tiền sửa lại. “Từ ngày còn bé đến giờ, mấy anh em chưa lúc nào biết đến tấm áo mới, toàn được cho mặc lại” - Quỳnh ngậm ngùi.
Lê Trần Ngọc Trân, người hay cho Quỳnh quần áo, tâm sự: “Quỳnh tỏ ra là một người sống lạc quan với chính cuộc sống của mình. Dù thiệt thòi hơn bao bạn khác nhưng chưa bao giờ em thấy Quỳnh tự ti”. Thậm chí Quỳnh còn xem đó là phúc phận để bước tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận