18/01/2017 14:33 GMT+7

Bạn trẻ san sẻ tết với những mảnh đời khó khăn

KIM ANH - BÌNH MINH
KIM ANH - BÌNH MINH

TTO - Những ngày gần tết tại TP.HCM, bạn dễ dàng thấy sắc áo vàng tình nguyện của các bạn học sinh, sinh viên tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện mang những món quà đậm vị tết đến với những mảnh đời khó khăn.

Hai bạn Darya và Victoria (Belarus) theo học ngành Việt Nam học tại ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cùng gói bánh chưng với các tình nguyện viên sáng 10-1 - Ảnh: Quang Định
Hai bạn Darya và Victoria (Belarus) theo học ngành Việt Nam học tại ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cùng gói bánh chưng với các tình nguyện viên sáng 10-1 - Ảnh: Quang Định

Khi chúng tôi hoàn thành xong chiến dịch, trở về nhà cũng là lúc tết đã gõ cửa. Ở nhà có cha mẹ lo lắng, có cơ hội được học tập, phát triển, như vậy là đã hạnh phúc lắm rồi

Sinh viên Hoài Vệ

“Nghìn bánh chưng xanh”

Giữa sân 4A Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, những chiếc bạt được trải ra cùng các thau gạo nếp, đậu xanh và thịt heo, kèm theo đó là những chiếc khuôn gỗ vuông, chồng lá dong đã được rửa sạch, xanh mướt. Vài chục bạn quây quần ngồi vòng quanh xếp lá dựng vào khuôn bánh và bắt đầu công đoạn gói bánh.

Cô bạn Hoàng Thị Lan, sinh viên năm 3 Trường ĐH Luật TP.HCM, nhanh tay dựng lá vào khuôn, đổ một chén gạo nếp, sau đó bỏ vào chén đậu xanh và miếng thịt rồi thêm một lớp gạo bên trên. Lấy tay chèn đều các góc bánh, Lan thoăn thoắt xoắn lạt và chiếc bánh chưng đầu tay vuông vức đã ra lò.

Nhiều năm qua, ngày ra quân chiến dịch Xuân tình nguyện cấp thành luôn để lại dấu ấn với các bạn học sinh, sinh viên tham gia bởi tiết mục gói bánh chưng. Các khâu vo gạo, đãi đậu xanh, rửa lá dong... đã được chia thành từng tốp tiếp tục thực hiện để phục vụ cho khâu gói bánh. Cùng tham gia còn có cả những bạn sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam.

Hoạt động “Nghìn bánh chưng xanh” được ra lò lần đầu từ ngôi trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), bắt đầu từ việc vài nhóm sinh viên gói bánh chưng đem theo đến các cơ sở xã hội để cùng chung vui với mọi người vào ngày tết cho có hương vị ngày xuân.

Tết năm 2010, anh Tô Sơn Tùng (hiện làm việc tại Bộ Nội vụ), nguyên là chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, chỉ huy trưởng chiến dịch Xuân tình nguyện cấp trường, đã đăng ký hoạt động “đặc sản” của sinh viên Nhân văn là “Nghìn bánh chưng xanh”.

“Điều được đầu tiên là các sinh viên khi tham gia gói bánh trong không khí mùa xuân sẽ được ôn về truyền thống của tết cổ truyền, thứ hai là món quà tặng người khó khăn của chúng tôi sẽ có thêm hương vị của tết” - anh Tùng chia sẻ.

Và như thế, mùa chiến dịch nào chương trình “Nghìn bánh chưng xanh” cũng lan tỏa đến nhiều trường, nhiều địa bàn của chiến dịch Xuân tình nguyện.

>> Xem clip sinh viên Hà Nội gói bánh chưng tặng người nghèo

 

Ước mơ giản dị của người nghèo

Có lẽ chính những tình cảm đơn sơ đối với người nghèo hoặc khó khăn đã níu chân những sinh viên tình nguyện mỗi mùa tết. Để rồi sau đó, họ cứ muốn tìm đường quay lại sống trọn vẹn từng phút giây, hết lòng với bà con.

Lê Hoàng Duy, sinh viên năm 3 khoa Đông Phương học Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, kể lại kỷ niệm năm đầu tiên tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện tại An Giang. Trong cuộc thi vẽ dành cho các em học sinh tiểu học với chủ đề “Ước mơ của em”, một bạn nhỏ đã vẽ mỗi chiếc bánh sinh nhật trên nền giấy trắng.

Em nói từ nhỏ tới giờ chỉ muốn có được một cái bánh trong ngày sinh nhật của mình. Ước mơ ấy sao mà nhỏ nhoi và bình dị quá!” - Duy kể.

“Bọn nhỏ cứ hỏi khi nào chúng tôi quay lại, tết này có được chơi vui vẻ như thế nữa không. Có những bé đi rất xa mới tìm được một nơi có Internet để nhắn cho cả nhóm. Một người bạn của tôi sau khi nhận được bức thư tay theo đường bưu điện của một em thì bật khóc” - Duy kể.

Còn Từ Hoài Vệ, sinh viên năm 3 khoa lịch sử Trường ĐHKHXH&NV, cho biết trước khi tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện, bạn không nghĩ rằng có những gia đình vì quá thiếu thốn mà không ăn tết.

“Có lần đến Cần Giờ chúng tôi gặp một cô. Cô này nói mọi năm không ăn tết vì không đủ điều kiện. Lần này nhận quà từ nhóm tình nguyện, cô thấy tết đến rất vui và phấn khởi”, Vệ chia sẻ.

Chở hoa mai và bánh chưng đến với người nghèo - Ảnh: Mai Vinh
Chở hoa mai và bánh chưng đến với người nghèo - Ảnh: Mai Vinh

Đi để học sẻ chia

Những đêm cuối năm, khoác chiếc áo ấm, mang theo những phần quà, các chiến sĩ Xuân tình nguyện dạo khắp các đường phố để nhẹ nhàng ghé vào những vỉa hè đặt món quà bên cạnh những người đang nằm co mình trong các góc khuất.

“Trải qua hai lần tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện, điều tôi có được thật tuyệt vời nếu không nói đó là kỳ diệu. Có đi mới thấy còn những người vô gia cư phải vật vạ bên vỉa hè vào những ngày lạnh cuối năm.

Riêng bản thân tôi có thêm nhiều kỹ năng trong hoạt động cộng đồng, trong cả công việc quản lý dù chỉ là quản lý đội hình các bạn sinh viên tình nguyện” - bạn Nguyễn Trung Kiên, sinh viên năm 4 ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), cho hay.

Còn sinh viên Nguyễn Minh Như (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) thì không thể quên lần làm chỉ huy trưởng đội hình kỹ thuật xây dựng tại chiến dịch Xuân tình nguyện 2016. Làm đường, xây nhà vốn là “đặc sản” của dân Bách khoa mỗi lần thực hiện các hoạt động tình nguyện.

Con đường nông thôn tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An những ngày gần tết đã được các sinh viên cùng bà con đổ bêtông giúp việc đi lại thuận tiện hơn, bà con trong xóm ai cũng vui. Thấy ngôi nhà tình thương của bà Chín vừa được xây tặng nhưng chưa có kinh phí để quét sơn, đội hình tình nguyện Bách khoa liền phát huy chuyên môn của dân xây dựng.

Cũng trét bột, lăn sơn không khác gì những người thợ thực thụ. Chỉ vài ngày công, nhóm đã khoác lên ngôi nhà bà Chín màu xanh tươi mới để thêm sáng sủa.

“Ở quê, nhiều nhà thường hay sơn mới vào những ngày gần tết, không khí đấy tạo cho mọi người niềm hứng khởi. Hôm sơn xong căn nhà chúng mình rất vui khi thấy nụ cười của bà Chín. Cảm xúc trong mỗi người rất khó diễn tả nhưng với tôi, đó là bài học về sự sẻ chia trong những ngày xuân mới”- bạn Minh Như nói.

Đi tình nguyện không chỉ là để trong lòng thấy ấm lại, mang cái tình chia sẻ cho mọi người, mà còn là dịp để học hỏi và trải nghiệm.

Theo Trần Huy Vinh, sinh viên năm 3 khoa địa lý Trường ĐH KHXH&NV, chiến dịch Xuân tình nguyện là cơ hội để bạn rèn luyện rất nhiều kỹ năng như thuyết phục nhà tài trợ, tạo dựng được các mối quan hệ mới và xử lý tình huống phát sinh trong quá trình diễn ra chương trình. Ngoài ra, điều quan trọng nhất vẫn là việc giúp người dân có được cái tết đầm ấm, vui tươi.

Những ngày giáp tết, khi bạn bè nô nức đi chơi, những người trẻ tình nguyện lại đang tập trung ở một nơi xa tận biên giới, hải đảo, quây quần dưới các mái ngói đơn sơ để cảm được cái nghèo, cái khổ. “Tôi nghĩ mỗi người có quan điểm khác nhau, nhưng riêng tôi chỉ cần được giúp đỡ người khác là đã thấy vui rồi“.

>> Xem clip chiến dịch Xuân sẻ chia tại TP.HCM:

 

Hãy cho đi khi có thể

Phạm Thị Phương Thảo, sinh viên Trường ĐH Tài chính marketing, cho biết bạn muốn được đóng góp thật nhiều trong lần đầu tiên tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện.“Có nhiều nơi người dân có hoàn cảnh khó khăn, nên tôi thấy sẽ rất ý nghĩa nếu có thể tự mình đóng góp được gì đó cho họ”, Thảo bộc bạch.

“Khi có người hỏi thời thanh xuân của tôi là gì, điều gì khiến tôi nhớ nhất ở thời sinh viên, chắc chắn tôi sẽ nghĩ đến hoạt động tình nguyện trước tiên” - Hoài Vệ khẳng định. Sau khi trở về từ chiến dịch Xuân tình nguyện năm 2015, bạn đã tự mình thực hiện chương trình mang các suất cơm chay miễn phí đến cho sinh viên khác.

“Tôi nhìn lại thấy bạn bè ngay trong trường mình cũng khó khăn quá, buổi trưa chỉ đủ tiền ăn mì gói. Chính vì vậy, tôi quyết định đi xin tiền quỹ để cải thiện bữa ăn trưa cho các bạn”, Vệ nói.

Sau gần một năm thực hiện, đến nay chương trình đã diễn ra 10 lần, mỗi lần có 150 - 200 suất cơm chay được trao cho sinh viên.

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

>> Kỳ 3: 

KIM ANH - BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp