07/03/2024 10:47 GMT+7

Bạn trẻ rủ nhau 1.001 cách tiết kiệm

"Áo đẹp vậy, mua nhiêu á?" - anh Nguyễn Minh Quân (24 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) hỏi bạn dịp họp lớp và tròn mắt khi biết "chỉ một xị" (100.000 đồng). "Tui mua shop đàng hoàng nha, nhưng áo si đa rẻ đẹp, không đụng hàng" - người bạn nói.

Lựa chọn đồ si để vừa tiết kiệm vừa độc lạ là xu hướng của nhiều bạn trẻ - Ảnh: BÍCH TIÊN

Lựa chọn đồ si để vừa tiết kiệm vừa độc lạ là xu hướng của nhiều bạn trẻ - Ảnh: BÍCH TIÊN

Nghe có lý, anh hỏi chỗ mua và được bày cho cách sắm đồ tiết kiệm, tranh thủ khi đi du lịch các nơi như Huế, Đà Lạt cũng săn đồ si. Vậy là anh có thêm bí quyết cho cuộc sống đang trên đà tinh giản của mình.

Ai hẹn ở quán đắt tiền, tôi thường gợi ý quán bình dân hơn. Bạn bè thân thì rủ nhau ra công viên, quán cóc, khu ẩm thực đường phố vẫn vui, như một cách làm mới mình.

Chị LỆ CHI

Mua đồ rẻ, bán đồ thừa

Anh Quân cũng như nhiều bạn trẻ làm công ăn lương khác, thời bão giá phải xoay xở, bóp bụng chi tiêu. Trước đây mua sắm thời trang, check-in chốn sang chảnh hay du lịch liên tục là chuyện thường, giờ thu nhập giảm, có khi mất việc, họ rỉ tai nhau tìm cách "sống chung với lũ".

Tại một số điểm bán hàng si trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM), khu Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) hoặc chợ giày cũ Bàn Cờ (quận 3), nhiều người bán cho biết dịp Tết vừa rồi làm ăn rất được. Đông đảo bạn trẻ lựa mua. "Mua đồ cũ kiểu này phải có thời gian lựa mới mong tìm được đồ đẹp. Được cái giá mềm, chỉ cần 80.000 - 100.000 đồng có cái áo đẹp, quần thì 150.000 - 200.000 đồng", hai bạn trẻ đang chọn đồ trong một cửa hàng hẻm đường Sư Vạn Hạnh cho biết.

Ở chợ giày cũ Bàn Cờ, hàng chục tiệm la liệt mẫu giày. 100.000 đồng là có một đôi đi được, hàng đẹp từ 200.000 đồng, độc lạ mới có giá tiền triệu. Với giá "hạt dẻ" như vậy, đồ si là lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ trong thời khó.

Đặc biệt, chuyện thắt lưng buộc bụng làm thay đổi suy nghĩ về đồ đã qua sử dụng của nhiều người. Trước đây, với đồ đã dùng hoặc vật được tặng khi đi dự sự kiện, anh Hoàng Nhật (27 tuổi, ngụ đường Cù Lao, quận Phú Nhuận) thường hỏi bạn bè ai cần thì cho. Giờ anh biết một số ứng dụng chuyên trao đổi đồ cũ nên đã thử.

Lên những ứng dụng đó, anh mới biết cái gì cũng có thể bán được, hoặc cần gì có thể mua giá rẻ. Lần đầu bán, anh có cục sạc dự phòng được tặng chưa dùng, giá thị trường 500.000 đồng, đăng 300.000 đồng và chốt hai trăm rưỡi. "Lần hai, tôi có cái tai nghe mua 200.000 đồng, xài mấy tháng bán một phần tư giá. Trước đây tôi toàn cho bạn bè hoặc bỏ không, giờ bán có tiền thêm trong lúc thu nhập bấp bênh thì quá tốt rồi", Nhật vui vẻ nói.

Hầu hết trên các ứng dụng trao đổi đồ cũ, mọi người chuộng đồ công nghệ. Anh Xuân Nam (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết có đăng ký tài khoản sẵn, bạn bè đồng nghiệp cần bán hay mua gì thì anh làm giúp. Thường anh đăng theo dạng gói, như cục sạc dự phòng bán kèm giá đỡ điện thoại. "Cục sạc tôi rao 300.000 đồng, giá đỡ 50.000 đồng rồi bán gộp 300.000 đồng, ai cảm thấy dễ chịu thì chốt luôn. Trên đó săn đồ cũ nên mọi người chỉ hướng tới giá hời, còn mình muốn tống đồ không dùng thì đưa ra mức phù hợp là được", anh chia sẻ.

Kiếm 5 đồng, chi 3 đồng

Nhắc về cách tiết kiệm, như khơi trúng mạch, anh Quân hào hứng chia sẻ cuộc sống gọn nhẹ của mình. Anh nói mình học cách chi tiêu hợp lý, hài lòng cuộc sống đơn giản vài năm nay, nên trong lúc mọi người bắt đầu dè sẻn anh không cảm thấy bị ngợp.

Chàng trai trẻ bật mí: "Tôi chia thu nhập bình quân mỗi tháng cho 30 ngày và xài gói gọn 3/5 thu nhập, tính theo ngày. Ví dụ, ngày thu nhập 500.000 đồng, tôi xài 300.000 đồng, gồm tiền ăn ba bữa, thuê phòng, xăng xe, điện nước... Phần còn lại tích lũy". 

Bữa sáng và cà phê anh gói gọn trong 20.000 đồng, bữa trưa thường gấp đôi do công ty ở quận 1 nên đành chịu. Chiều tối, anh ăn nhẹ hơn, có lúc chọn cơm chay 15.000 đồng thanh đạm. Mẹ anh dạy "chằm mo xé mo, thân ai nấy lo", nên dù một số người bạn đăng ảnh mua sắm, vi vu, anh cho rằng đó là một cách tận hưởng cuộc sống và bản thân không quan tâm lắm.

Để dành dụm thêm tiền gửi về quê, chị Xuân Trang (25 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận 6) thay đổi mọi sinh hoạt hằng ngày. Nhà mẹ chị ngoài quê ở gần chợ, lúc trước cho thuê phía trước nên có đồng ra đồng vào. Giữa năm ngoái bán ế họ không thuê nữa, mẹ không còn thu nhập nên chị dè sẻn gửi về 2 triệu đồng mỗi tháng.

"Lương chính không tăng, buổi tối còn đi học thêm, tôi chỉ còn cách thu xếp cuộc sống lại. Sáng tôi dậy sớm hơn nửa tiếng nấu đồ ăn sáng và đem theo ăn trưa, không còn ăn ngoài quán. Chiều đi làm về, tôi ăn đại món gì đó rồi đi học", chị kể. Cuối tuần thay vì ăn uống cà phê bên ngoài, chị đi chợ mua nhiều đồ một lúc cho rẻ hơn rồi sơ chế bỏ tủ lạnh để sáng nấu. Chị chia sẻ việc tự nấu ăn hơi cực nhưng tiết kiệm.

Cùng với việc tự nấu, nhiều bạn trẻ nhờ cha mẹ gửi đồ từ quê lên. Rau củ quả nhà trồng luôn có sẵn, có hôm còn bắt cá dưới ao, trứng gà vịt của nhà, cha mẹ chỉ mua thịt heo thịt bò ở chợ quê ngon rẻ rồi đóng thùng gửi cho con cái. Tiền xe gửi hàng chỉ vài chục ngàn đồng nhưng con cái đỡ phải đi chợ, được ăn đồ cha mẹ trồng tỉa thắm đượm tình quê mà còn đỡ tốn tiền.

Anh Xuân Nam thường đăng bán giùm bạn bè đồ đã qua sử dụng

Anh Xuân Nam thường đăng bán giùm bạn bè đồ đã qua sử dụng

Cùng nhau sống đơn giản, thực chất

Nói vui về thân hình hơn nửa tạ, chị Lệ Chi (32 tuổi, bán hàng online ở quận 3) cho biết từ ba tháng nay mỗi ngày chị đều đi bộ thể dục. Trước đây từng học nhảy, nhưng do học phí mỗi tháng 500.000 đồng, phải sắm đồ thể thao nên chị chuyển sang đi bộ. Từ thói quen này, chị hay đi bộ ăn sáng, mua thức ăn về nấu thay vì hễ cái là vù lên xe.

Trước đây, cần mua gì chị lên trang online đặt và chuyển khoản ngay không cần suy nghĩ, nhưng giờ chị tự hỏi "Cái đó có cần không?". Với những thứ như tai nghe, sổ sách, bình nước..., trước khi mua chị thường nhắn cho nhóm bạn thân ai có dư. Khởi phát từ một bạn, nhóm chị bây giờ ai có đồ dư thường chụp hình gửi để ai cần thì lấy, từ cái túi vải cho đến chiếc ghế. 

Bên cạnh đó, chị chọn mua rau củ, thịt cá trong cửa hành bách hóa vào giờ khuyến mãi. Máy lạnh, chị mở trước khi ngủ 1-2 tiếng cho mát rồi tắt, dùng quạt máy. Đồ đạc trong phòng được dọn bớt, chỉ giữ những món cần thiết.

Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Từ ngày áp dụng lối sống này, chị cho biết mọi thứ nhẹ nhàng hơn, không phải hóng hớt quần là áo lượt hay tiêu xài dịch vụ xịn nhất. Đi xem phim, chị và bạn bè cũng chọn ngày áp dụng giá vé 45.000 đồng thay vì gấp đôi như những ngày khác hoặc rạp khác.

Riêng chuyện du lịch, như nhiều bạn khác, chị Lệ Chi tận dụng nơi có khuyến mãi, đi ngắn ngày hoặc thăm bạn bè tỉnh xa kết hợp đi chơi. Đôi khi chị có cảm giác mình... nghèo đi, nhưng thực ra lại đang sống cuộc đời đơn giản và dụm dành tương lai, bình yên như những cuốn sách về lối sống tối giản mà người Nhật viết.

Tiết kiệm nhưng không keo kiệt

Dè sẻn nhưng biết cho đi đúng lúc là lựa chọn của những bạn trẻ trong bài. Anh Nguyễn Minh Quân cho biết đợt trước dọn dẹp phòng, anh tặng lại chiếc đèn bàn cho một sinh viên ở làng đại học Thủ Đức, đem một ít đồ cũ ra quầy quần áo miễn phí gần nhà trọ. Tương tự, chị Lệ Chi tặng lại sách và giày dép không dùng nữa cho một chị người quen.

9X sáng kiến giúp tiết kiệm tiền tỉ9X sáng kiến giúp tiết kiệm tiền tỉ

Một người là kỹ sư, một người là phi công, hai chàng trai 9X đã có sáng kiến giúp tiết kiệm tiền tỉ, giảm bớt vất vả cho công nhân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp