Benjamin James trò chuyện cùng các thiếu nữ Việt tại TP.HCM trước dịp Tết 2017 - Ảnh: C.NHẬT |
Họ cùng trải lòng cùng Tuổi Trẻ trước thềm xuân mới.
Xúc động với sự chân thành
Gặp Nathalie Halbete (người Pháp) tại một quán cà phê ở quận 2, ánh mắt cô bạn Nathalie không giấu được vẻ rạng ngời khi nhắc đến tết Việt.
Người con của vùng đất Paris hoa lệ này cho biết bạn ở VN được sáu năm và đó là quãng thời gian đẹp nhất. Chính vì vậy mà Nathalie luôn nô nức mỗi khi tết đến.
“Tôi chưa nói được nhiều tiếng Việt nhưng tôi chẳng gặp khó khăn gì cả và từ lâu tôi đã coi đây là nhà của mình, thậm chí tôi nghĩ rằng hiện giờ mình có nhiều người bạn ở VN hơn là ở Pháp" - Nathalie nói.
Giao thừa những năm trước, Nathalie đều hòa mình vào dòng người đông đúc xem pháo hoa ở cầu Sài Gòn. Cô còn cho biết: “Ngoài niềm vui sẽ được nhận lì xì, tôi còn biết phong tục người Việt là hạn chế trở thành người đầu tiên đến nhà người khác trong những ngày đầu tiên của năm”.
Còn với bạn Vilaysak PhanDanouvong (du học sinh Lào tại Học viện Ngoại giao) thì cho rằng bản thân rất xúc động khi thấy các bạn trẻ Việt quay về quê hương đón tết bên gia đình, sum họp quanh mâm cỗ tết.
Đồng suy nghĩ, Austin Carter (sáng lập viên Công ty EBIV, người Canada) cho biết tết năm 2016 bạn đã có dịp cảm nhận sự ấm áp, chân thành của người Việt khi được ăn tết cùng gia đình một người bạn ở Vũng Tàu, sau đó theo các thành viên gia đình đi chúc tết hàng xóm láng giềng.
Austin nói bạn thấy vui khi nhiều bạn trẻ Việt tận dụng khoảng thời gian trước tết đi làm từ thiện, chia sẻ với những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ... và đây cũng là điều giới trẻ nước bạn thường làm mỗi dịp lễ.
Đến từ xứ sở sương mù, Benjamin James (nhà sản xuất âm nhạc, người Anh) cho biết bản thân đang nỗ lực hết sức để học tiếng Việt vì đó là cách tốt nhất để hòa nhập văn hóa bản địa.
“Tôi mới đến VN hơn một năm nên tết năm 2016 chẳng biết đi đâu, làm gì do còn quá bỡ ngỡ. Một năm qua tôi đã có nhiều mối quan hệ hơn nên tôi tin chắc tết năm nay sẽ rất thú vị. Trước mắt tôi sẽ về Bến Tre để tận hưởng không khí xuân miền quê cùng gia đình một người bạn” - Benjamin chia sẻ.
Benjamin cũng rất xúc động khi thấy các bạn trẻ Việt luôn xoay xở để có thể quây quần cùng gia đình mỗi dịp lễ, tết vì ở nước bạn thì điều này hiếm khi xảy ra. Cá nhân Benjamin cho biết bạn chỉ gặp gia đình khoảng ba lần mỗi năm.
Và anh chàng cũng tiết lộ: “Tôi thích Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ sáng tác một bài hát về con người, cuộc sống ở TP.HCM khi tôi đã có đủ trải nghiệm. Tôi cũng vừa mới đi may một bộ áo dài khác để mặc vào dịp tết này. Mỗi khi mặc áo dài tôi lại thấy mình thông minh, lịch lãm hơn một chút".
Học những điều mới mẻ
Trải qua ba mùa tết Việt, anh Erik Perttu (quản lý IT, người Thụy Điển) cho biết đã có dịp tận hưởng không khí tết ở những miền khác nhau của VN.
“Bạn gái của tôi là người Nha Trang nên tôi có dịp ăn tết Việt ở TP.HCM lẫn Nha Trang, nơi nào cũng có nét riêng thú vị. Và tôi nghĩ bản thân học được nhiều điều mới mẻ.
Chẳng hạn như vào dịp năm mới, giao thừa ở Thụy Điển hay nhiều quốc gia phương Tây khác, người trẻ chúng tôi thường tụ tập tiệc tùng ở nhà bạn bè chứ không quây quần cùng gia đình như ở VN. Đó là điểm khác biệt lớn khiến tôi ấn tượng” - Erik nói.
Với Yazan Ayaydeh (du học sinh Palestine, Trường ĐH Hà Nội) thì đây là năm thứ ba bạn đón tết cổ truyền VN và đất nước Palestine cũng có nét giống văn hóa Việt khi ngày tết mọi người mặc quần áo mới đi thăm người thân. Đặc biệt mồng 1 tết, mọi người nhất định phải ăn bánh ngọt, uống cà phê Ả Rập, cùng trò chuyện, ăn uống với nhau.
“Nếu bánh chưng là đặc sản dịp tết của Việt Nam thì ở nước tôi đó là bánh ngọt. Trẻ em nước tôi cũng nhận lì xì đầu năm như lời cầu chúc cho một năm mới may mắn. Tôi cũng thử gói bánh chưng rồi, không khó lắm đâu nhưng cần phải tỉ mỉ một chút” - bạn chia sẻ.
Vilaysak PhanDanouvong nói trong ngày tết người dân xứ bạn cũng sẽ đi vui chơi, lễ chùa, có khác là sẽ buộc chỉ vào cổ tay nhau như lời chúc may mắn trong năm mới.
Chút nuối tiếc Đã có tám năm đón tết Việt, chị Kim Wilferd A. Rocafor (quản lý dự án, người Philippines) cho biết năm nay chị hơi buồn khi biết sẽ không còn dịp thấy pháo hoa trong khoảnh khắc giao thừa nữa. “Tám năm qua, lúc nào tôi cũng cố gắng sắp xếp để được coi pháo hoa những dịp lễ của VN vì lúc đó mọi người như xích lại gần nhau hơn, người giàu kẻ nghèo không còn khoảng cách” - chị bộc bạch. Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều người nước ngoài khi được hỏi. Chị Kim hi vọng khi không còn pháo hoa thì bên cạnh đường hoa, TP.HCM sẽ có các hoạt động văn hóa thú vị khác để người nước ngoài có dịp cảm nhận hồn tết Việt một cách trọn vẹn. Bạn Nathalie góp ý các địa điểm vui chơi, giải trí... nên cập nhật thường xuyên hơn thông tin về các hoạt động dịp tết cho khách du lịch. Bên cạnh đó cần thiết có các trang web hướng dẫn người nước ngoài về những điều nên hoặc không nên làm dịp tết, chẳng hạn như nên lì xì như thế nào. “Nếu những điều này được cải thiện, tết Việt chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời nhất trong mắt người nước ngoài” - Nathalie khẳng định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận