Xích đu bằng ghế, đồ tái chế do Xã đoàn Thọ Sơn tự thiết kế cho các em vui chơi - Ảnh: H.TRANG |
Ngày cuối tuần ở điểm trường mầm non bản Khe Trằng Thượng, xã Thọ Sơn luôn ngập tràn tiếng cười vui vẻ của hơn 30 em trong khu vui chơi đồ tái chế do xã đoàn tự tay làm. Nào là bập bênh, xích đu, ghế ngựa... sơn đủ màu thật bắt mắt cuốn hút các em.
Nhìn các em thỏa thích vui chơi, anh Vi Văn Quang, bí thư Xã đoàn Thọ Sơn, tâm sự ở xã có ba điểm trường mầm non, trong đó điểm mầm non bản Khe Trằng Thượng nằm cách trung tâm xã hơn 7km, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn và không có nổi một món đồ chơi cho các em mỗi giờ đến lớp.
Tình cờ một lần thấy học sinh ở một trường tiểu học huyện Tương Dương (Nghệ An) chơi đồ chơi tự chế từ vỏ xe ôtô cũ, xích đu gỗ, anh Quang lên ý tưởng làm khu vui chơi cho các bé ở xã mình “vì thương các bé quá”.
“Chúng tôi đến các cơ sở thu mua phế liệu hỏi mua vỏ xe ôtô cũ, những thanh sắt có thể tái chế được rồi huy động đoàn viên trong xã cùng góp tre, nứa làm vật liệu chuẩn bị” - anh Quang kể. Biết việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ, nhiều chỗ bán không lấy tiền, thậm chí còn ủng hộ thêm đinh vít, sắt thép.
Có vật liệu trong tay, các bạn đoàn viên hì hục cắt vỏ xe ôtô, cưa gỗ, vừa mò mẫm lắp ráp vừa chỉnh sửa để tạo thành những món đồ chơi. Theo anh Quang, công việc làm đồ chơi cho trẻ em đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ để sản phẩm sau khi hoàn thành đảm bảo an toàn cho các em.
Các món đồ chơi bập bênh, ghế ngồi xích đu, ngựa... dần “hiện ra” dưới bàn tay khéo léo của các bạn trẻ.
Anh Nguyễn Đình Hà, bí thư Huyện đoàn Anh Sơn, đánh giá công trình thanh niên làm khu vui chơi từ đồ tái chế của Xã đoàn Thọ Sơn rất sáng tạo, chi phí làm các đồ chơi lại tiết kiệm.
“Từ mô hình này chúng tôi đã nhân rộng đến các đơn vị khác khảo sát, xây dựng địa điểm, thiết kế thêm các khu vui chơi từ đồ tái chế, sản phẩm tự nhiên như tre, nứa; đồng thời sau khi lắp đặt có trách nhiệm bảo quản, tạo sân chơi bổ ích cho các em”, anh Hà nói.
Ngày Xã đoàn Thọ Sơn bàn giao 12 bộ đồ chơi cho điểm trường mầm non, niềm vui như lan tỏa khắp bản Khe Trằng Thượng, bởi đây là lần đầu các phụ huynh thấy con mình có chỗ vui chơi an toàn và độc đáo. Còn các em thiếu nhi thích thú vô cùng, hết ngắm rồi lại lên dùng thử “sản phẩm” từ tấm lòng của các anh chị đoàn viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận