17/01/2017 15:55 GMT+7

Bạn trẻ khởi nghiệp: 'Ta cần học lắng nghe con tim mình'

MAI THỊ THÚY HẰNG
MAI THỊ THÚY HẰNG

TTO - Thời thơ ấu của tôi gắn liền với những câu chuyện cổ tích luôn cho chúng ta bài học về nhân - quả, về ước mơ, về lẽ công bằng.

Hằng Xanhshop
Mai Hằng - Xanhshop

Tôi lớn lên với niềm tin chắc chắn và vô điều kiện vào sự công bằng của cuộc đời. Đến bây giờ, niềm tin ấy vẫn không thay đổi, chỉ có quan niệm của tôi về sự công bằng là thay đổi với thời gian.

Với niềm tin về sự công bằng, tôi quyết định sẽ theo học trường luật để thực hiện ước mơ trở thành thẩm phán. Tuy nhiên cũng như trong cổ tích, mọi khao khát đều có trắc trở, thử thách. Ngày cầm bằng tốt nghiệp đại học luật, người ta bảo tôi có 10 triệu đồng thì xin việc làm giúp.

Tuy nhiên, kể cả đưa tiền cũng chưa chắc đã xin được việc, mà có được thì ăn lương chỉ 430.000 đồng/tháng thôi. 

Không chấp nhận nổi sự nực cười ấy, tôi chọn đi làm cho một công ty nước ngoài, nơi tôi gắn bó gần 10 năm. Ở đấy, tôi từng nghĩ mình chạm được hai chữ “công bằng” khi phụ trách mảng trách nhiệm xã hội (CSR) của công ty, đảm bảo quyền lợi của công nhân các nhà máy gia công và phụ trách quỹ từ thiện của công ty tại Việt Nam.

Đó là sự bắt đầu của hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của sự công bằng và là lúc tôi thật sự thu góp vốn khởi nghiệp của mình. Đó cũng là sự khởi đầu của một quá trình học làm người, học cách sống với tự nhiên và học cách làm việc.

Những vỡ lẽ vụng dại

Trong quãng thời gian làm công việc CSR, tôi tham gia một số dự án từ thiện tại miền Tây. Ở đó, tôi được nhiều phụ nữ gặp gỡ, xin hỗ trợ tiền khoan giếng. Lý do của các chị là mỗi lần người dân xịt thuốc diệt ốc là “nước mặt” (ao, hồ, kênh, rạch) “xài khô da dữ lắm”, chưa kể còn gây bệnh phụ khoa.

Cùng lúc đó, tôi cũng thấy các xã hô hào xịt thuốc diệt cỏ xuống rạch để lục bình chết rục, lấy đường cho ghe đi. Người ta chỉ quan tâm đến hiệu quả tức thời, nhưng tác động tiêu cực lên con người và các loài sinh vật khác trong cùng môi trường sống thì bị bỏ qua.

Chứng kiến hết việc này sang việc khác, tôi dần nhận ra giới hạn của CSR, nhận ra sự tăng trưởng kinh tế phải đánh đổi bằng chất lượng môi trường sống. Chưa kể tôi còn băn khoăn tự hỏi tại sao Việt Nam xuất khẩu nông sản rất nhiều mà vẫn có người thiếu ăn? 

Để khắc phục những giới hạn đấy và muốn tìm hiểu chuỗi cung ứng nông nghiệp, tôi nghỉ việc và bắt đầu sự nghiệp “lái lúa”. Tôi đến Mộc Hóa (Long An) tổ chức một xưởng chế biến nhỏ, đặt nông dân trồng lúa, mua, chế biến sau thu hoạch rồi mang đi bán cho các cửa hàng thực phẩm cao cấp ở Sài Gòn.

Vừa quản lý việc kinh doanh gạo, tôi vừa tìm hiểu các vấn đề đang xảy ra ở những vùng tập trung phát triển độc canh quy mô lớn. 

Bài học khiến tôi bàng hoàng và thức tỉnh nhất là ngành nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau. Dù đã làm việc cả thập kỷ trong lĩnh vực CSR nhưng đến lúc ấy, tôi mới hiểu được tại sao trong các đợt phỏng vấn công nhân khu công nghiệp trước đây, tôi lại gặp nhiều công nhân từ Cà Mau đến thế.

Trong vòng 10 năm, từ năm 1992 - 2001, rừng ngập mặn và ruộng lúa ở Cà Mau đã đồng loạt được thay bằng các đầm nuôi tôm công nghiệp, mỗi hecta tôm chỉ cần ba nhân công/năm thay vì 17 nhân công/năm cho lúa.

Như vậy những người sống bằng nghề săn bắt hái lượm từ rừng tự nhiên hay làm ruộng không còn kế sinh nhai, buộc phải lên thành phố làm công nhân. [nguồn http://ejfoundation.org/]

Cuốn sách thay đổi cái nhìn

Chính trong thời gian đó, cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm đến với tôi như một định mệnh. Đọc cuốn sách, tôi nghĩ: “Mình chả hiểu gì cả, làm sai bét hết rồi”. Và tôi rời đồng ruộng về thành phố, cạn kiệt cả sức lực, tinh thần, tài chính.

Sau một thời gian khủng hoảng, tìm kiếm lối đi cho cả bản thân và cả lý tưởng về sự công bằng, tôi vỡ lẽ ra mình đã chọn sai vị trí trong chuỗi cung ứng. Suốt một thời gian, tôi cứ đẩy lưng nông dân sản xuất bền vững nhưng xu hướng tiêu dùng bền vững chưa có. Thế là Xanhshop ra đời, làm đầu ra cho các nhà sản xuất nhỏ lẻ theo phương thức thuận tự nhiên và “bán lối sống”.

Bốn năm đi cùng Xanhshop, cách tôi hiểu về từ “công bằng” khác trước rất nhiều. Nó không còn chỉ là sự công bằng do luật lệ con người đặt ra nữa, mà là sự công bằng theo luật của tự nhiên. 

Cách chúng ta sản xuất thực phẩm phổ biến hiện nay là tiêu diệt: diệt vi trùng, vi khuẩn, diệt cỏ, diệt côn trùng, diệt các loài cây, con khác. Nhưng thật ra chúng ta có cách thức sản xuất khác, không phải diệt mà sống chung, tạo kế sinh nhai trên nền tảng sinh thái đa loài, đa tầng.

Tôi đúc kết cho mình cách hiểu về công bằng là hiểu vị trí của loài người trong hệ sinh thái và hành xử như một thành viên bình đẳng với các loài khác, chứ không phải như bá chủ.

Công bằng là biết đủ. Công bằng là phải biết bảo toàn “vốn sinh thái” không chỉ cho loài người, mà cho cả các loài khác nữa và không chỉ cho hiện tại, mà còn cho tương lai vĩnh viễn.

Vốn xã hội

Ở Xanhshop, chúng tôi bán thực phẩm địa phương theo mùa và không bán thực phẩm nhập khẩu. Các loại hàng hóa ở Xanhshop được phân biệt bởi nhãn xanh, nhãn vàng, nhãn trắng do Xanhshop tự phát triển, kiểm soát và minh bạch với khách hàng trên nền tảng niềm tin với nhà cung cấp. Mục tiêu sắp tới là nhãn xanh không chỉ đơn thuần không hóa chất, mà phải được sản xuất bởi một hệ thống bền vững cả về sinh thái và xã hội.

Có nhiều người hỏi tôi: “Tại sao không chọn bán sản phẩm chứng nhận? Mọi thứ dựa trên lòng tin có rủi ro không?”. 

Với chuyện chứng nhận, đối với sản phẩm xuất khẩu, chuỗi cung ứng dài cả về địa lý và các bên tham gia, việc tham gia của bên thứ ba để chứng nhận trong chừng mực nào đó là cần thiết.

Chúng tôi không chọn thị trường xuất khẩu mà chọn thị trường nội địa, cụ thể hơn là thị trường TP.HCM. Chuỗi cung ứng ngắn chỉ có ba bên: nhà sản xuất, Xanhshop và người tiêu dùng đều sinh sống tại Việt Nam.

Chúng tôi biết rõ các nhà cung cấp của mình, từ động cơ tại sao họ làm điều họ làm đến trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý của họ và có mối gắn kết hữu cơ với cả người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Do đó, chúng tôi thấy việc phải chứng nhận cho những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bởi người Việt Nam để bán cho người tiêu dùng Việt Nam là không cần thiết. 

Thứ hai, tôi nhận thức được “lòng tin” là một giá trị vô hình, không dễ thuyết phục người khác như giấy chứng nhận, nhưng chúng tôi cũng thấy rằng vấn đề của nền thực phẩm hiện nay ở Việt Nam không nằm ở câu chuyện kỹ thuật, mà là vấn đề xã hội. Chúng tôi chọn việc gieo trồng lòng tin. 

Mứt mùa xuân của XanhShop - Ảnh tư liệu

 

Gieo trồng như thế nào?

Niềm tin chung của chúng tôi là “Thiên nhiên mới là thượng đế” chứ không phải khách hàng. Cả ba chúng tôi: khách hàng, nông dân và Xanhshop đều đang phụng sự thiên nhiên, cố gắng hoàn trả những gì con người đã lấy đi để thực thi sự công bằng với muôn loài khác.

Bởi thế, tôi hướng các nhân viên của mình vào một cam kết của trung thực, yêu thương, trách nhiệm và cần kiệm, cố gắng đi từng bước nhỏ một để gieo trồng niềm tin trên một nền tảng mở: Facebook, thể hiện ở cả cơ cấu sản phẩm và cách thức chúng tôi đóng gói chúng. 

Sau nhiều năm, rốt cuộc khu vườn trên Facebook ấy của Xanhshop được các bạn đồng hành nhìn nhận là “không chỉ bán thực phẩm, mà bán giá trị sống và lối sống”. Nhiều người nói rằng họ đã thay đổi lối sống từ khi đọc các bài viết của chúng tôi.

Mỗi ngày, chúng tôi viết bài chia sẻ những câu chuyện về nông dân, về lý do tại sao chúng tôi bán thực phẩm địa phương thay vì thực phẩm nhập khẩu, tại sao chúng tôi bán “giỏ rau - thuận tự nhiên” có gì ăn nấy, tại sao chúng tôi bán tôm cua của người giữ rừng mà không bán sản phẩm công nghiệp thâm canh, về niềm vui khi tìm được giải pháp gói bánh không dùng nilông, về lý do tại sao chúng tôi gói rau bằng lá chuối, về việc chúng tôi đi xe đạp thay vì xe máy...

Vậy nên cuối cùng bán rau hay bất cứ thứ gì ở Xanhshop cũng đều là phương tiện để truyền tải các giá trị vô hình (niềm tin và giá trị) mà chúng tôi muốn lan tỏa.

Dĩ nhiên tôi biết vẫn rất cần một trực giác nhạy bén và các phương pháp quản lý chất lượng, nhưng các biện pháp hữu hình ấy không thay thế được những giá trị vô hình nhất thiết phải có trong quan hệ giữa người với người là giá trị của lòng tin.

Đó cũng là một loại vốn - vốn xã hội, mà thiếu nó sẽ chỉ có những bao tải khoai tây (hình ảnh M. Sholokhov dùng để mô tả HTX nông nghiệp ở Nga trong cuốn Đất vỡ hoang) chứ không có một cộng đồng thật sự. 

>> Xem clip: Xanhshop: Hành trình tìm về tự nhiên (nguồn: Youtube)

Vốn cá nhân của tôi

Hạnh phúc đến từ bên trong. Với tôi, không chỉ hạnh phúc mà mọi thứ đều đến từ bên trong, gồm cả việc kinh doanh. Khởi nghiệp, với tôi, có nghĩa là tự tạo công ăn việc làm cho mình. Chuyện tự tạo công ăn việc làm cho mình không có gì mới.

Ông bà tôi, cả nội và ngoại, đều tự tạo việc làm cho chính mình. Cha mẹ tôi đi làm công nhân một thời gian, rồi sau đó cũng tự tạo việc làm cho chính mình. 

Vậy nên khi thử tổng kết kinh nghiệm cá nhân của mình về vốn khởi nghiệp, tôi luôn nghĩ vốn quan trọng nhất là chính con người khởi nghiệp. Khi bạn sinh ra, bạn đã được cấp vốn sẵn rồi: thân, tâm, trí. May mắn và thú vị thay, với nguồn vốn này, bạn hoàn toàn chủ động việc tăng vốn.

Tôi thích điều thiền sư Osho nói: “Con tim mình phải là thầy, cái đầu là tớ. Còn nếu mình để ngược lại, cái đầu là thầy và con tim mình là tớ thì cuộc đời mình sẽ không bao giờ hạnh phúc được”.

Tôi tin điều ấy. Thượng đế giấu kho báu ở nơi mà không ai tìm đến nó cả, ở trong tim chúng ta, nên ta cần học lắng nghe con tim mình. Điều ta cần làm trước khi khởi nghiệp là xem ta thật sự muốn gì. Và cũng cần phân biệt tiếng gọi từ bên trong với những ý thích nhất thời, những tiếng ồn từ bên ngoài vọng vào.

Khi phỏng vấn tuyển dụng, tôi hay hỏi các ứng viên: “Giấc mơ thời niên thiếu của bạn là gì?”. Cách trả lời của các bạn rất khác nhau. Có người còn không nhớ mình mơ ước gì khi còn nhỏ. Có nhiều người khóc. Rất ít người làm gì liên quan đến giấc mơ ấy.

Tôi thấy mình may mắn vì những gì mình đã làm trong đời, tuy hiển tướng rất khác nhau, nhưng mình vẫn đang sống giấc mơ của mình mỗi ngày. Ước mơ, vì thế, cũng là một dạng vốn quan trọng trong đời mỗi con người. 

Tôi muốn giữ Xanhshop nhỏ xinh như vậy. Như một ổ trứng của gà mẹ, vừa một chục trứng, ấm áp. Nhưng tôi mong các cộng sự của mình sau một thời gian làm việc ở Xanhshop, làm giàu vốn của chính mình, sẽ cất bước ra đi và tự tạo công ăn việc làm cho chính mình.

Tôi chỉ hi vọng tầm nhìn, niềm tin, những giá trị lối sống nho nhỏ từ Xanhshop sẽ theo các bạn, lan tỏa như những bông bồ công anh theo gió. 

MAI THỊ THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp