08/09/2021 06:46 GMT+7

Bản tin sáng 8-9: Hết Moderna, hôm nay hội đồng chuyên môn bàn vắc xin mũi 2 thay thế

L.ANH - H.LỘC - H.MI
L.ANH - H.LỘC - H.MI

TTO - Nhiều người tiêm Moderna đến lịch tiêm mũi 2 nhưng hết vắc xin này. Đã có tình trạng một số nơi "vượt rào", tiêm mũi 2 bằng vắc xin khác thay thế. Hôm nay 8-9, hội đồng chuyên môn sẽ họp và quyết định loại vắc xin sử dụng tiêm trộn.

Bản tin sáng 8-9: Hết Moderna, hôm nay hội đồng chuyên môn bàn vắc xin mũi 2 thay thế - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Hà Nội. Từ ngày 1 đến 7-9, Hà Nội đã lấy được 812.000 mẫu (thuộc đợt lấy mẫu thứ 3 với 1 triệu mẫu xét nghiệm diện rộng). Đến nay đã xét nghiệm xong trên 685.000 mẫu và ghi nhận 11 mẫu dương tính - Ảnh: Q.T.

Từ vài ngày nay, đã có một số điểm tiêm tại TP.HCM tiêm mũi 2 bằng vắc xin Pfizer cho người tiêm mũi 1 bằng Moderna đến lịch tiêm mũi 2, do đã hết vắc xin Moderna.

Tại Việt Nam có 5 triệu liều vắc xin Moderna do Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX, vắc xin đã về từ tháng 7 vừa qua và được Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng tiêm theo cặp. Nghĩa là chỉ sử dụng 1/2 vắc xin được phân bổ tiêm mũi 1 và số còn lại cho mũi 2.

Tuy nhiên một số cơ sở tiêm chủng hết vắc xin Moderna cho mũi 2, điển hình là tại TP.HCM và đã có tình trạng "vượt rào" thay thế mũi 2 bằng vắc xin khác trước khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết vắc xin này đang hạn chế và khi tiêm vắc xin thay thế ngành y tế sẽ chọn loại vắc xin phù hợp nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho người dân.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, hôm nay 8-9, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế sẽ họp để thống nhất loại vắc xin thay thế dùng tiêm trộn, trước khi có hướng dẫn chính thức.

Canada và một số ít quốc gia khác đã cho phép sử dụng vắc xin Pfizer tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng Moderna.

Tại Việt Nam, cho đến nay Bộ Y tế mới cho phép tiêm mũi 2 bằng vắc xin Pfizer cho người tiêm mũi 1 bằng AstraZeneca. Đồng thời, yêu cầu giám sát chặt chẽ các trường hợp "tiêm trộn" để phát hiện sớm nếu có phản ứng nặng sau tiêm.

TP.HCM quyết tâm kéo giảm số ca nhập viện và tử vong

Để đi đến kiểm soát dịch, ngành y tế TP.HCM phấn đấu đến ngày 15-9 số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá 2.000 người (tương đương dưới 200 ca/triệu dân). Số ca tử vong giảm 20% và số chuyển nặng giảm 20%. Tăng số người khỏi bệnh từ 15-8 đến 15-9 trên 45.000 người.

Giai đoạn này, ngoài việc tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho những người còn lại và tiêm nhắc mũi 2 theo quy định, TP.HCM có thể mở rộng tiêm cho người từ 12 - 18 tuổi nếu có nguồn vắc xin cho phép tiêm trong độ tuổi này.

Bản tin sáng 8-9: Hết Moderna, hôm nay hội đồng chuyên môn bàn vắc xin mũi 2 thay thế - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

5-10% doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại

Về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, theo Sở Y tế TP.HCM, tiếp tục duy trì, ổn định sản xuất an toàn theo các phương án phù hợp, không để chuỗi cung ứmg, sản xuất lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế bị đứt gãy; nâng tỉ lệ khoảng 5 - 10% doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng chống dịch.

Ngoài ra, tập trung chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân đến hết tháng 9-2021. Bảo đảm chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa thực phẩm cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn thành phố với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.

Đồng Nai đã tiêm ngừa được 48% người từ 18 tuổi trở lên

Ngày 7-9, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các huyện, thành phố rà soát những người đã tiêm mũi 1 ở ngoài tỉnh Đồng Nai nhưng đang sống tại địa bàn để chuẩn bị tiêm mũi 2, tuyên truyền người dân cài đặt ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" trên điện thoại thông minh để đăng ký và tổ chức quản lý thông tin tiêm vắc xin COVID-19 cho chặt chẽ, khoa học.

Nếu không có điện thoại thông minh, các tình nguyện viên, người thân sẽ hướng dẫn để người đi tiêm cập nhập thông tin trên ứng dụng. Các điểm tiêm vắc xin không tiếp nhận thông tin đăng ký tiêm vắc xin bằng giấy để việc nhập liệu, cập nhật lên hệ thống nhanh và chính xác hơn.

Đến nay, Đồng Nai đã có gần 1,1 triệu người được tiêm vắc xin COVID-19 (tỉ lệ 48% đối tượng trên 18 tuổi), trong đó có trên 62.000 người đã tiêm đủ liều.

Mỹ lên kế hoạch chống biến thể Delta

Ngày 9-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phát biểu về kế hoạch chống biến thể Delta khi trường học mở cửa lại và số ca bệnh tăng vọt ở nước này.

Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết kế hoạch của ông Biden là "chiến lược bao gồm 6 mũi nhọn" liên quan đến khu vực công và tư nhân, cũng như nhằm tăng tốc chương trình tiêm chủng quốc gia.

Trong khi đó, ngày 7-9, một tòa án tại bang Ohio, Mỹ, đã đảo ngược phán quyết của một tòa án khi cho biết một bệnh viện không bị buộc phải kê toa thuốc diệt ký sinh trùng Ivermectin cho bệnh nhân COVID-19 do đây là phương pháp chưa được chứng minh.

Hiện Mỹ đang ghi nhận xu hướng ngày càng nhiều người dân tự mua dùng Ivermectin để trị COVID-19. Tháng 8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ từng phát cảnh báo bất thường, kêu gọi người dân không dùng Ivermectin.

Tại châu Âu, Thụy Điển cho biết sẽ dỡ bỏ tất cả hạn chế phòng dịch COVID-19 kể từ ngày 29-9. Song vẫn khuyến khích người dân giãn cách xã hội ở các khu vực công cộng.

Chính phủ Anh thông báo rót thêm 5,4 tỉ bảng Anh (7,5 tỉ USD) cho hệ thống chăm sóc y tế do nhà nước tài trợ, để điều trị các bệnh nhân COVID-19 và giải quyết những tồn đọng trong các hoạt động thông thường của hệ thống này.

Tại Đông Nam Á, ngày 7-9, Chính phủ Philippines cho biết sẽ tái áp đặt phong tỏa tại thủ đô Manila, một ngày sau khi họ thông báo dỡ bỏ lệnh ở yên trong nhà cho hơn 13 triệu dân của vùng đô thị Manila.

Số ca bệnh theo ngày tại Philippines hiện nay đã tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 8 - thời điểm Philippines phong tỏa Manila. Những ngày gần đây, quốc gia này ghi nhận khoảng 20.000 ca mắc mới trong một ngày.

Tại châu Phi, theo AFP, hơn 200.000 người đã chết do COVID-19 tại châu Phi kể từ đầu dịch. Sau vài tháng ghi nhận nhiều ca tử vong, trong đó có khoảng 27.000 ca trong tháng 7 và 26.000 ca trong tháng 8, đại dịch dường như đang dịu đi ở châu lục này.

Số ca tử vong theo ngày hiện nay ở châu Phi là khoảng 617 ca, thấp hơn so với khoảng 990 ca hồi cuối tháng 7.

Trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã giết hơn 4,5 triệu người kể từ đầu dịch. Mỹ là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, với gần 650.000 ca. Kế đến là Brazil (hơn 583.000 ca), Ấn Độ (trên 441.000 ca), Mexico (hơn 263.400 ca) và Peru (gần 199.000 ca).

ANH THƯ

Sau quận 7 và Củ Chi, huyện Cần Giờ đạt tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 Sau quận 7 và Củ Chi, huyện Cần Giờ đạt tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19

TTO - Chiều 7-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo huyện Cần Giờ (TP.HCM) cho biết địa phương này đã đạt các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, và có chủ trương nới lỏng một số hoạt động sản xuất sau 15-9.

L.ANH - H.LỘC - H.MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp