03/09/2021 06:43 GMT+7

Bản tin sáng 3-9: TP.HCM hướng tới tuyển dụng nhân lực là F0 khỏi bệnh; ra mắt ứng dụng 'An sinh'

L.ANH - X.MAI - H.MI
L.ANH - X.MAI - H.MI

TTO - TP.HCM đang hướng tới việc tuyển dụng và trả lương cho nhóm nhân lực là F0 khỏi bệnh để tham gia vào các công tác chăm sóc người mắc COVID-19 đang điều trị.

Bản tin sáng 3-9: TP.HCM hướng tới tuyển dụng nhân lực là F0 khỏi bệnh; ra mắt ứng dụng An sinh - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm cho shipper tại quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 2-9, ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP - cho biết đến ngày 1-9, TP có 116.337 ca COVID-19 khỏi bệnh và xuất viện.

Ông Nam đánh giá đây là nguồn nhân lực rất quý, bởi sau khi điều trị COVID-19, những người này đã có nồng độ kháng thể trong cơ thể, có thể miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2. TP đang hướng tới việc tuyển dụng và trả lương cho nhóm nhân lực này để tham gia vào các công tác chăm sóc người mắc COVID-19 đang điều trị.

Ông Nam cho rằng TP khi tuyển dụng người khỏi bệnh làm việc, cơ quan chuyên môn sẽ test ngay sau khi xuất viện khoảng 1 tuần, 1 tháng, đánh giá nồng độ kháng thể để bố trí phù hợp. Nếu kháng thể tốt thì TP sẽ vận động tham gia vào công tác phòng chống dịch.

Ông Nam đánh giá lực lượng F0 khỏi bệnh sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngành y tế, có thể hỗ trợ điều dưỡng, khử khuẩn… để nhân viên y tế thực hiện công tác chuyên môn. TP trân trọng mời gọi các F0 tham gia chống dịch.

Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh và Cục Quản lý dược về việc xem xét sử dụng thuốc Reamberin và Cytoflavin trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Cụ thể, Sở Y tế nhận được công văn số 3059 của Sở Ngoại vụ về việc xem xét khả năng tiếp nhận viện trợ của Công ty Polysan (Nga). Theo đó, Công ty Polysan mong muốn viện trợ thuốc Reamberin và thuốc Cytoflavin để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.

Hai loại thuốc này đã được sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Nga. Sở Y tế đề xuất hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế xem xét bổ sung hai thuốc trên vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19, TP.HCM tiếp nhận và đưa thuốc vào sử dụng tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Ra mắt ứng dụng "An sinh"

Trung tâm An sinh TP.HCM vừa cho ra mắt ứng dụng 'An sinh', tiếp nhận trực tiếp thông tin và yêu cầu hỗ trợ cấp bách của người dân gửi đến Trung tâm An sinh TP, nhằm giúp người dân được nhận trợ cấp và cứu trợ một cách nhanh nhất.

Các loại yêu cầu cấp bách có thể gửi trực tiếp thông qua ứng dụng gồm: yêu cầu cứu trợ nhu yếu phẩm, yêu cầu hỗ trợ y tế khi cần xe cấp cứu, bình oxy, thuốc men, các thiết bị y tế phục vụ chống dịch COVID-19, yêu cầu cấp cứu đối với các tình huống khẩn cấp.

Sau khi tạo thông tin cần hỗ trợ trên ứng dụng, yêu cầu của người dân sẽ được chuyển thẳng tới hệ thống quản lý của Trung tâm An sinh để xác minh và xử lý. Việc này giúp giảm tải khối lượng công việc cho tuyến đầu, còn người dân được nhận trợ cấp và cứu trợ một cách nhanh nhất.

Đồng Nai yêu cầu truy vết nguồn lây vào "vùng xanh"

Ngày 2-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai yêu cầu các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội và rà soát, sàng lọc các ca F0 ra khỏi cộng đồng. Trong đó, các địa phương phải chú ý truy vết, xác định nguồn lây từ đâu đã lây nhiễm vào "vùng xanh".

Ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho rằng ngoài các nguồn lây từ các bệnh viện trở về, các khu chợ thì một nguồn lây khác hết sức lưu ý là tài xế vận chuyển hàng hóa luồng xanh. Ngành y tế tiếp tục tham mưu cho tỉnh hướng tới quy định tất cả các tài xế, người phụ trên xe tải luồng xanh khi bước xuống xe phải mặc đồ bảo hộ.

Đồng thời nghiên cứu, yêu cầu doanh nghiệp quản lý, sử dụng lao động thay ca phải đến từ "vùng xanh" không có dịch bệnh.

Ban chỉ đạo khuyến cáo kiểm soát nguồn lây như trên vì ngành y tế cho hay có một doanh nghiệp sản xuất sữa ở TP Biên Hòa sau gần 2 tháng thực hiện "3 tại chỗ" đã phát hiện có ca F0.

Qua truy vết, nhân viên y tế xác định nguồn lây đến từ tài xế giao nhận hàng. Bên cạnh đó, phát hiện một điểm dịch ở trại tạm giam B5 Công an Đồng Nai có 21 phạm nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Bản tin sáng 3-9: TP.HCM hướng tới tuyển dụng nhân lực là F0 khỏi bệnh; ra mắt ứng dụng An sinh - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Mỹ sẽ đầu tư 3 tỉ USD vào chuỗi cung ứng vắc xin COVID-19

Ông Jeffrey Zients, cố vấn về vấn đề COVID-19 của Nhà Trắng, Mỹ, cho biết Washington dự kiến sẽ bắt đầu rót nguồn quỹ 3 tỉ USD vào các nhà sản xuất vắc xin trong vài tuần tới.

"Chúng tôi sẽ đầu tư 3 tỉ USD vào những công ty Mỹ sẽ mở rộng năng lực các nguồn cung quan trọng" - ông Zients nói trong cuộc họp báo ngày 2-9. Theo ông Zients, nguồn quỹ sẽ tập trung vào các nguồn lực đầu vào của sản xuất vắc xin cũng như các cơ sở đóng gói. Số tiền cũng dành cho các lĩnh vực sản xuất thiết bị bảo hộ y tế, ống và kim tiêm…

Nhu cầu vắc xin tại Mỹ vẫn rất cao khi nước này bắt đầu tiêm liều vắc xin bổ sung trong tháng 9-2021. Washington cũng dự định tài trợ hàng trăm triệu liều vắc xin cho các nước trong cuối năm nay. Mới đây, Wall Street Journal cho biết Mỹ đang cân nhắc sử dụng một nửa liều của vắc xin ngừa COVID-19 của Moderna để tiêm bổ sung.

Trong vài ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Mỹ lại vượt hơn 150.000 ca/ngày, nhảy vọt so với dưới 10.000 ca/ngày vào tháng 6-2021. Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Antony Fauci cho rằng biến thể mới B1621, còn gọi là Mu, không quá đáng lo ngại dù một số nhà khoa học lo rằng nó có thể kháng vắc xin.

"Ngay cả khi có các biến thể làm giảm đi phần nào hiệu quả của vắc xin, vắc xin vẫn khá hiệu quả đối với loại biến thể đó" - ông nói.

Biến thể Mu được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào "biến thể đáng quan tâm" và hiện đã có tại 43 quốc gia. Nó đang dần trở thành một biến thể chính tại một số nước như Colombia, trong khi Nhật Bản phát hiện biến thể này lần đầu tiên vào ngày 2-9.

Trong khi đó tại châu Á, số ca mắc COVID-19 tại Malaysia trong ngày 2-9 lại vượt mốc 20.000 ca trong khi đã sử dụng đến 90% số giường cấp cứu, thậm chí một số bang như Sabah, Kedah hoạt động đến hơn 120% công suất.

Dù vậy, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cho biết nước này sẽ áp dụng mô hình "hộp cát Phuket" của Thái Lan để mở cửa lại khu đảo du lịch Langkawi thuộc bang Kedah.

Tại Campuchia, dù số ca bệnh hằng ngày trên toàn quốc vẫn tăng, với 416 ca ngày 2-9, thủ đô Phnom Penh cho biết tình hình dịch tại đây đã giảm trong hơn 2 tuần qua, một dấu hiệu để có thể trở lại bình thường mới, mở cửa du lịch và trường học, theo báo Khmer Times.

Còn tại Lào, tính đến ngày 31-8, hơn 4 triệu người hiện đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa COVID-19, đưa nước này tiến gần hơn đến mục tiêu tiêm cho 50% dân số trưởng thành vào cuối năm nay.

TRẦN PHƯƠNG

Quảng Bình sẽ xử nghiêm các trường thu tiền phòng chống COVID-19 Quảng Bình sẽ xử nghiêm các trường thu tiền phòng chống COVID-19

TTO - Sở GD-ĐT Quảng Bình nghiêm cấm và xử lý nghiêm nếu hiệu trưởng trường nào thu hoặc vận động tiền phòng chống COVID-19 của phụ huynh, học sinh trong năm học 2021-2022.

L.ANH - X.MAI - H.MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp