Trung tâm Hồi sức COVID-19 tại TP.HCM do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách vừa bắt đầu đi vào hoạt động từ 18-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo Bộ Y tế, tính riêng đợt dịch thứ 4, Bộ Y tế và các tỉnh thành phía Bắc đã cử gần 13.150 cán bộ y tế tham gia chống dịch tại khu vực phía Nam. Trong số này có hơn 1.050 bác sĩ, gần 2.150 điều dưỡng, hơn 6.000 giảng viên, sinh viên các trường y khoa. Số còn lại là nhân viên y tế tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ công tác hành chính, hậu cần...
Số y bác sĩ này đang đảm đương công việc tại 5 bệnh viện/trung tâm hồi sức COVID-19 tại TP.HCM và nhiều cơ sở y tế tại Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Phú Yên...
Tây Nam Bộ nỗ lực để 25-8 kiểm soát được dịch
Trong buổi làm việc ngày 18-8 với 12 địa phương khu vực Tây Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương đánh giá mức độ nguy cơ, quyết định tiếp tục áp dụng chỉ thị 15 hay 16 sau khi kết thúc giai đoạn giãn cách này.
Từ 27-7 đến nay 12 tỉnh thành Tây Nam Bộ ghi nhận trên 19.750 ca mắc COVID-19, chiếm 6,8% ca mắc cả nước. 5 địa phương có số mắc cao nhất là Đồng Tháp hơn 5.300 ca, Tiền Giang hơn 4.800 ca, Cần Thơ hơn 2.900 ca, Vĩnh Long gần 1.800 ca, Bến Tre hơn 1.300 ca.
Trong 7 ngày gần đây, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang có số mắc tăng hơn 7 ngày trước đó.
Về tiến độ tiêm chủng, tính tới hết 17-8 các tỉnh thành Tây Nam Bộ đã tiêm được trên 2 triệu liều vắc xin, đạt 90% số vắc xin được phân bổ, riêng 3 tỉnh An Giang, Trà Vinh và Kiên Giang mới đạt từ 53-78%, nguyên nhân một phần do tiêm chủng trong giai đoạn giãn cách.
Ông Tuyên cho hay nghị quyết Chính phủ ban hành ngày 6-8 đặt mục tiêu TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch trước 15-9, Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát dịch trước 1-9, các tỉnh thành còn lại trong 19 tỉnh thành đang giãn cách ở phía Nam đặt mục tiêu trước 25-8.
Với mục tiêu này, ông Tuyên đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá các khu vực nới lỏng hoặc tiếp tục thực hiện chỉ thị 16.
Khu vực nào giãn cách tiếp phải thực hiện chặt chẽ, đảm bảo hỗ trợ lương thực, thực phẩm để người dân yên tâm ở tại chỗ, không đi khỏi khu vực cách ly. Đồng thời triển khai xét nghiệm nhanh, bóc tách F0, song song để nhanh tiêm chủng khi vắc xin về tới địa phương.
Đồ họa: THÀNH THÁI
Đồng Nai kêu gọi thêm tăng ni, phật tử tham gia chống dịch COVID-19
Ngày 18-8, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã phát văn bản kêu gọi chư tôn đức tăng ni, phật tử hoan hỷ tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho hay các tình nguyện viên sẽ tham gia phục vụ tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 và các khu cách ly tập trung. Tham gia cùng với các lực lượng truy vết, sàng lọc các đối tượng F0, F1, F2 và F3 trong cộng đồng.
Điều kiện để tham gia là tăng ni và phật tử có độ tuổi từ 18 đến 50, có sức khỏe tốt, không có bệnh nền và đảm bảo tâm lý để tham gia công tác phòng, chống dịch. Hiện dịch COVID-19 đã lan đến các doanh nghiệp trong và ngoài 13 khu công nghiệp trên địa bàn. Có nhiều ổ dịch lớn đã xuất hiện ở doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ".
Tranh cãi quanh việc tiêm tăng cường vắc xin COVID-19
Ngày 18-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục kêu gọi các nước không vội tiêm tăng cường mũi 3 vắc xin COVID-19 trong bối cảnh còn nhiều người dễ tổn thương chưa được tiêm đầy đủ.
"Chúng ta đang quăng áo phao cho những người đã có áo phao rồi trong khi còn nhiều người khác đang chết đuối mà chẳng có được một cái áo phao nào", giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO - ông Mike Ryan - ví von trong cuộc họp báo vào cuối ngày 18-8 (giờ Việt Nam).
Trước đó, cũng trong ngày 18-8, nhà khoa học trưởng của WHO, bà Soumya Swaminathan, cho rằng chưa có đủ dữ liệu để kết luận các nước cần tiêm 3 liều vắc xin COVID-19.
Lời kêu gọi được đưa ra ngay trước khi giới chức y tế Mỹ thông báo kế hoạch tiêm tăng cường mũi 3 cho tất cả người đã tiêm đầy đủ 2 liều bắt đầu từ ngày 20-9 tới.
Không đảm bảo đủ nguồn cung vắc xin đang là vấn đề đau đầu tại nhiều nước đang phát triển. Theo Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), Đông Nam Á cần nhận được nhiều vắc xin hơn nữa để tránh tấn thảm kịch do biến thể Delta.
Số liệu được Bộ Y tế Malaysia công bố ngày 18-8 cho biết nước này ghi nhận 2.913 ổ dịch và chuỗi lây nhiễm COVID-19 từ ngày 28-3 đến ngày 17-8. Trong đó, ổ dịch và chuỗi lây nhiễm là các nhà xưởng/nơi làm việc chiếm hơn 53%.
Số ca nhiễm mỗi ngày tại Malaysia đã chạm mốc cao mới là 22.242 ca trong ngày 18-8, nâng tổng số ca mắc lên hơn 1,466 triệu. Số ca tử vong mới được ghi nhận cùng ngày là 225, đưa tổng số ca chết vì COVID-19 tại nước này lên 13.302 ca tính từ đầu dịch.
"Chúng tôi đang làm hết sức để phá vỡ chuỗi lây nhiễm nhưng cần sự hợp tác và tuân thủ của mọi người", một quan chức Malaysia nói với báo New Straits Times.
Tại Singapore, nước láng giềng Malaysia, Bộ Y tế Singapore đã quyết định mở rộng chương trình tiêm chủng miễn phí cho những người đang cư trú ngắn hạn và tạm thời để "tăng cường khả năng phục hồi xã hội trước COVID-19".
Theo thông báo ngày 18-8, những người có thẻ cư trú đặc biệt có thể đến bất kỳ trung tâm tiêm chủng nào để được tiêm mũi đầu tiên vắc xin COVID-19 mà không cần đăng ký. Tính đến ngày 17-8, Singapore đã tiêm được gần 8,6 triệu liều vắc xin COVID-19 các loại cho người dân, theo Đài Channel News Asia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận