Trụ sở Moderna Therapeutics, một trong số các công ty đang phát triển vắc xin COVID-19 trên thế giới, tại Massachusetts, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Tính đến 6h sáng ngày 23-9 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 31,7 triệu ca nhiễm virus corona, trong đó có hơn 23,3 triệu người bệnh đã hồi phục và gần 974.000 người không qua khỏi, theo trang thống kê worldometers.info.
Các quốc gia trên triệu ca nhiễm bao gồm Mỹ (trên 7 triệu ca), Ấn Độ (hơn 5,6 triệu ca), Brazil (gần 4,6 triệu ca) và Nga (hơn 1,1 triệu ca).
FDA công bố tiêu chuẩn mới về cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ dự kiến sẽ sớm công bố các tiêu chuẩn mới, nghiêm ngặt hơn trong việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19, làm giảm thiểu cơ hội một vắc xin có thể được đưa vào sử dụng trước cuộc bầu cử đầu tháng 11 tại Mỹ, theo báo Washington Post ngày 22-9.
FDA đang ban hành hướng dẫn để thúc đẩy sự minh bạch và niềm tin của công chúng trong bối cảnh các chuyên gia y tế ngày càng lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể can thiệp vào quá trình phê chuẩn vắc xin.
Theo đó, FDA dự kiến sẽ yêu cầu các nhà sản xuất xin giấy phép sử dụng khẩn cấp để theo dõi các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm một loại vắc xin COVID-19 ít nhất 2 tháng sau khi họ nhận được liều tiêm phòng thứ 2.
Rất ít nhà sản xuất vắc xin kỳ vọng có thể công bố kết quả thử nghiệm vắc xin COVID-19 giai đoạn cuối trước cuộc bầu cử ngày 3-11, theo Hãng tin Reuters.
Mặt khác, thống đốc bang Wisconsin Tony Evers ngày 22-9 tuyên bố tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng và mở rộng quy định đeo khẩu trang đến tháng 11 để hạn chế sự lây lan của virus corona, trong bối cảnh số người chết vì COVID-19 tại Mỹ đã vượt mốc 200.000 ca.
Ông Evers cũng yêu cầu các sinh viên quay trở lại trường học đeo khẩu trang và tránh đến các quán bar khi số người mắc COVID-19 trong giới trẻ ở Wisconsin đang tăng vọt.
Nga kêu gọi hội nghị cấp cao về hợp tác vắc xin
Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 22-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên được củng cố để điều phối phản ứng toàn cầu đối với đại dịch COVID-19 và đề xuất một hội nghị cấp cao về hợp tác vắc xin.
"Chúng tôi đang đề xuất một hội nghị trực tuyến cấp cao cho những quốc gia quan tâm tới hợp tác phát triển vắc xin chống virus corona" - ông Putin tuyên bố.
"Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tiếp tục hợp tác với tất cả các nước và các công ty quốc tế, bao gồm cung cấp vắc xin của Nga vốn đã được chứng minh là đáng tin cậy, an toàn, và hiệu quả tới các nước khác" - tổng thống Nga nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận