20/12/2023 11:32 GMT+7

Bán tín chỉ carbon, có tỉnh đạt tương đương thu từ doanh nghiệp FDI

Quảng Bình vừa thu về 82,4 tỉ đồng trong năm 2023 từ việc bán tín chỉ carbon, gần bằng nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh này năm 2023.

Những cánh rừng nguyên sinh ở Quảng Bình - Ảnh: HOÀNG TÁO

Những cánh rừng nguyên sinh ở Quảng Bình - Ảnh: HOÀNG TÁO

Tin Quảng Bình thu về 82,4 tỉ đồng trong năm 2023 từ việc bán tín chỉ carbon của rừng là con số ấn tượng. Số tiền này là khiêm tốn so với các tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn, nhưng riêng Quảng Bình, nó tương đương với nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của toàn tỉnh trong năm 2023, khoảng 100 tỉ đồng.

Điều đáng mừng không chỉ ở số tiền cụ thể, mà sâu hơn, Quảng Bình và các tỉnh Trung Bộ sẽ có được nguồn thu lâu dài hằng năm từ việc bán tín chỉ này. Số tiền đó sẽ quay về với cá nhân người bảo vệ rừng, các hộ gia đình, cộng đồng, tổ chức trực tiếp và vòng tuần hoàn bền vững đó sẽ được tiếp nối một cách bền vững, dài lâu.

Có thể khẳng định rằng không ai, không một lực lượng nào bảo vệ rừng vững chắc và lâu dài như chính người dân bản xứ. Đặc biệt, khi mà lợi ích được sẻ chia, trách nhiệm được kết nối thì cộng đồng đó càng phát huy tối đa hiệu quả.

Năm 2016, báo Tuổi Trẻ cứu trợ cho các hộ dân nghèo ở thôn Tràm Mé, thượng nguồn sông Son (Phong Nha, Quảng Bình). Chúng tôi thấy nhiều phụ nữ đi nhận quà, những căn nhà trống trải, và sững sờ khi biết tin nhiều thanh niên trong làng đang dính vào tù tội vì phá một rừng lim ở tận vùng biên giới Quảng Nam. Nhưng rồi vài năm sau đó, chúng tôi lại ngạc nhiên hơn nữa khi chính những người phá rừng này lại đi bảo vệ rừng một cách mãnh liệt, thành tâm và họ hạnh phúc khi được sống cùng rừng.

Rừng ở Quảng Bình không chỉ là cây là lá, là quần thể động vật, thảm thực vật nguyên sinh, mà ẩn mình dưới đó là tầng tầng lớp lớp hệ thống hang động chằng chịt đầy kỳ thú chưa được khám, nó cuốn hút du khách khắp nơi. Để bảo vệ hệ thống hang động này, khai thác du lịch, thu hút du khách, tạo công ăn việc làm, thu nhập, không còn đường nào khác phải bảo vệ rừng.

Một hướng dẫn viên du lịch dắt tôi và nhóm du khách quốc tế khám phá hang Tú Làn cho biết một cái tàn thuốc lá của du khách vô tình rơi rớt họ cũng phải gói mang về. Thậm chí, việc đại tiện của du khách cũng phải đi vào bồn cầu tự chế bằng khung sắt kê trên thùng nhựa, rồi vùi cùng vỏ trấu mang theo, sau đó họ chôn vào các gốc cây làm phân bón. Không một cành cây nào bị chặt, không một cọng rác nào bỏ lại, đừng nói gì cưa gỗ, hạ cây, đốt rừng… và để từ một người từng phá rừng thay đổi hành vi, thái độ, tâm tính để trở thành người bảo vệ rừng nhiệt huyết, không gì khác hơn là cuộc sống, là thu nhập, công ăn việc làm và lợi ích.

Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi được biết tất cả nhân viên phục vụ du khách đi rừng này đều là người địa phương đã được đào tạo một cách bài bản. Ngoài các kỹ năng bắt buộc như ngoại ngữ thì việc dựng lều, cứu hộ, nấu ăn, giúp đỡ du khách họ đều được dạy. Bảo vệ rừng là điều cốt tủy của việc làm du lịch. Nếu một du khách, đặc biệt là khách Tây, nếu họ phát hiện việc các công ty phá rừng làm du lịch thì chưa biết việc gì sẽ đến.

Giữ rừng nguyên sinh để làm du lịch - Ảnh: HOÀNG TÁO

Giữ rừng nguyên sinh để làm du lịch - Ảnh: HOÀNG TÁO

Nhưng để các tiến trình trên diễn ra một cách thuần thục và trôi chảy thì không gì hơn ngoài việc họ được trả thù lao xứng đáng với lao động và thu nhập ổn định. Được biết, ngoài mức lương các công ty du lịch trả các người đàn ông bản địa này hằng tháng thì các khoản tiền "bồi dưỡng" của du khách cho họ cũng khá hậu hĩnh sau chuyến đi rừng. So với việc trước đây đi lang thang trong các cánh rừng Quảng Nam phá rừng xẻ gỗ, sống chui nhủi rồi vướng vào tù tội thì việc bảo vệ rừng quê hương để cùng làm du lịch là công việc thật thú vị.

Tất nhiên, không phải địa phương nào cũng được thiên nhiên ưu ái như Quảng Bình với hệ thống hang động đặc biệt dưới tán rừng nguyên sinh, để tạo công ăn việc làm và thu nhập. Nhưng rừng ở các nơi khác người dân đều biết tận dụng để sống tốt và trở nên thịnh vượng như việc trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh ở Quảng Nam hoặc Kon Tum. Và gần gũi hơn là việc thu nhập bền vững từ việc bán khí trời thu về tiền tỉ - chuyện như một giấc mơ và trước đây ắt hẳn ít người tưởng tượng được.

Vui mừng vì Quảng Bình có thu nhập cho người dân, chúng ta tiếc nuối những cánh rừng bạt ngàn Tây Nguyên một thuở!

Rừng Việt Nam tiềm năng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon, có thể bán được hàng ngàn tỉ đồngRừng Việt Nam tiềm năng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon, có thể bán được hàng ngàn tỉ đồng

TTO - Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2), hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương. Nông dân, chủ rừng, doanh nghiệp công nghệ cao có thể thu lợi ích không nhỏ nếu bán được.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp