Vừa qua (ngày 29-5), tôi ra nhà thuốc mua thuốc chống đông máu cho cha tôi. Tuy nhiên khi về, tôi phát hiện thuốc này đã hết hạn (một vỉ hạn sử dụng là 16-5, tức là đã hết hạn sử dụng. Còn một vỉ hạn sử dụng đến 31-5, tức là khi tôi mua vỉ thuốc chỉ còn vài ngày là hết hạn trong khi một vỉ có 10 viên thuốc và mỗi ngày chỉ được uống một viên).
Xin hỏi dược sĩ bán vỉ thuốc có hạn sử dụng đến 31-5 thì có được xem là bán thuốc hết hạn không?
Khi phát hiện ra việc này, tôi nên báo cho ai và việc bán thuốc hết hạn sẽ bị xử lý thế nào?
Bạn đọc T.N.P. gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh trả lời:
Theo quy định tại khoản 31, điều 2 Luật Dược năm 2016, hạn sử dụng của thuốc được quy định như sau:
"Hạn sử dụng của thuốc là thời gian sử dụng ấn định cho thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng.
Hạn sử dụng của thuốc được thể hiện bằng khoảng thời gian tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn hoặc thể hiện bằng ngày, tháng, năm hết hạn.
Trường hợp hạn sử dụng chỉ thể hiện tháng, năm thì hạn này được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn".
Theo nội dung bạn cung cấp, ngày 29-5-2023 bạn mua thuốc và hiện thuốc có hạn sử dụng đến hết ngày 31-5-2023, tuy nhiên theo quy định trên thì ngày 31-5-2023 là thời gian sử dụng ấn định cho thuốc và sau thời hạn này mới được xem là thuốc hết hạn sử dụng. Việc dược sĩ bán thuốc sắp hết hạn không phải là hành vi bán thuốc hết hạn.
Khi phát hiện thuốc mua sắp hết hạn hoặc đã hết hạn, bạn cần liên hệ với dược sĩ hoặc cơ sở bán thuốc để yêu cầu đổi thuốc mới.
Trường hợp dược sĩ bán thuốc hoặc cơ sở bán thuốc biết sự việc nhưng vẫn cố tình bán thuốc hết hạn thì bạn có thể trình báo sự việc đến UBND các cấp, thanh tra y tế cấp sở, cơ quan quản lý thị trường… để những người có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi bán thuốc hết hạn sử dụng.
Theo quy định tại khoản 14, điều 6 Luật Dược năm 2016, việc "cấp phát, bán thuốc đã hết hạn sử dụng, thuốc bảo quản không đúng quy định ghi trên nhãn thuốc, thuốc đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho người sử dụng" là hành vi bị cấm.
Theo quy định tại khoản 6, điều 58 nghị định 117/2020/NĐ-CP, tùy vào giá trị thuốc mà sẽ có mức phạt khác nhau, mức xử phạt dao động từ 5 - 100 triệu đồng. Mức phạt này áp dụng cho cá nhân, với tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài mức phạt tiền nêu trên, theo quy định tại điểm b, điểm c, khoản 8, điều 58 nghị định 117/2020/NĐ-CP, cá nhân có hành vi bán thuốc hết hạn sử dụng còn có thể bị xử phạt bổ sung với hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược từ 3 - 6 tháng. Đối với tổ chức có thể bị xử phạt đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 6 - 9 tháng.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận