23/10/2024 10:50 GMT+7

Bán thuốc online: Quản lý ra sao?

Luật Dược sửa đổi chuẩn bị được bấm nút thông qua tại kỳ họp Quốc hội. Một trong những điểm mới của luật được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm là quy định về mua bán thuốc online.

Bán thuốc online: quản lý ra sao? - Ảnh 1.

Các nhà thuốc quảng cáo cách đặt mua thuốc online qua app, qua điện thoại - Ảnh: T.T.D.

Làm sao để quản lý bán thuốc online, không bán thuốc kê đơn và đảm bảo chất lượng thuốc?

Khó đứng ngoài xu thế online

Ông Nguyễn Hữu Trọng, tổng thư ký Hội Tin học y tế VN, cho biết các nước trên thế giới và trong khu vực đã triển khai bán thuốc online từ nhiều năm qua. Ví dụ những sàn thương mại điện tử hoặc những ứng dụng nổi tiếng thế giới như Amazon (toàn cầu), Uber (công ty vận tải bán cả thuốc) ở Mỹ, Trung Quốc có ứng dụng Wedoctor, Ấn Độ có 3 - 5 ứng dụng.

Tất cả những ứng dụng này đều ra mắt và triển khai vào cuộc sống từ những năm 2019 trước đại dịch COVID-19 vì nhu cầu mua thuốc online không phải chỉ phát sinh từ đại dịch.

Tại nhiều nước đặc biệt là Mỹ và châu Âu đang cho người bệnh tự đưa đơn thuốc của mình lên mạng để mua bán và chịu trách nhiệm về đơn mình đưa, không giám sát nguồn gốc đơn thuốc cho từng giao dịch. Chủ yếu trông vào sự chân thật, tôn trọng pháp luật và sự hiểu biết về sức khỏe của chính mình, của mỗi người bệnh.

Ở VN, bán thuốc online bắt đầu có từ những năm 2017 - 2018 và ngày càng phát triển mạnh. Có nhiều hình thức trá hình cho việc bán thuốc online để lách luật, để xóa dấu vết. Ví dụ như các chuỗi nhà thuốc đang cho mua thuốc, chọn thuốc trên website của chuỗi nhà thuốc đó.

"Nếu đơn thuốc là thuốc kê đơn sẽ gọi điện cho khách giao dịch trực tiếp và giao hàng. Một số ứng dụng di động khác... thì khi khách chọn thuốc sẽ giới thiệu khách với một nhà thuốc và nhà thuốc sẽ gọi điện thoại tư vấn rồi giao xe ôm giao hàng nếu khách muốn mua và nhiều hình thức khác.

Theo ước tính thị trường thuốc online VN tới năm 2024 đang đạt khoảng 5 - 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng", ông Trọng dẫn chứng.

Ông Lê Việt Dũng, phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), thừa nhận kinh doanh thuốc khó nằm ngoài xu hướng mua bán online nên khi sửa đổi Luật Dược lần này, Bộ Y tế đã đề xuất các quy định liên quan phương thức kinh doanh online.

"Tuy nhiên, thuốc là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng. Vì vậy việc mua bán online cần có hành lang pháp lý để tăng cường quản lý sao cho đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người sử dụng", ông Dũng nói.

Bán thuốc online: quản lý ra sao? - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Quy định cụ thể, giám sát và xử phạt

Từ đề xuất nói trên, ông Lê Việt Dũng thông tin thêm đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và buộc phải tuân thủ những quy định nhất định.

"Chẳng hạn phải đảm bảo thuốc có nguồn gốc xuất xứ, an toàn cho người dân và phải có nhân lực để hướng dẫn người dân sử dụng thuốc, có giấy phép hoạt động. Đồng thời dự thảo cũng giới hạn những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ... không được phép kinh doanh online. Những nhà thuốc này chỉ được bán thuốc không kê đơn", ông Dũng nêu rõ.

Ông Nguyễn Hữu Trọng nhấn mạnh việc luật hóa và quản lý bán thuốc online cần triển khai ngay để cơ quan quản lý nhà nước quản được một cách thực sự các hoạt động này tránh tình trạng mua bán chui lủi, cơ quan chức năng không biết hoặc vô cùng khó bắt, khó phát hiện.

Khi có luật, Bộ Y tế phối hợp Bộ Công Thương để kiểm tra giám sát và công nhận công bố các ứng dụng, các sàn thương mại điện tử đáp ứng được quy định quản lý.

"Nhiều dược sĩ cho rằng muốn quản lý bán thuốc trên mạng tốt, đầu tiên phải cho nhà thuốc đăng ký bán thuốc trên mạng, từ đó cơ quan chức năng quản lý các nhà thuốc này. Ngoài ra, việc bán thuốc online cần đi theo một lộ trình, bắt đầu từ một nhóm thuốc nào đó để quản lý cho tốt, sau đó dần mở rộng sang những nhóm thuốc tiếp theo", ông Trọng kiến nghị.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng), cũng cho rằng đầu tiên phải quản lý được các cơ sở kinh doanh thuốc trên các sàn thương mại điện tử. Việc này cần có sự kết hợp của Cục Quản lý dược, Bộ Công Thương... Kế đến phải đảm bảo được chất lượng thuốc, vận chuyển thuốc từ người bán đến tay người mua.

"Đặc biệt cần nâng cao nhận thức của người dân khi sử dụng thuốc. Dù là mua trực tiếp hay mua thuốc online, người dân cần hiểu loại thuốc đó có phải thuốc kê đơn hay không. Cần đòi hỏi việc giao hàng phải đảm bảo, lựa chọn các cơ sở uy tín để mua hàng", ông Hoàng khuyến cáo.

Đặt đề bài đến đâu sẽ có cách làm đến đó

Chia sẻ về việc quản lý bán thuốc online, bà Trần Thị Huyền, trưởng Phòng pháp chế FPT Retail, dẫn lại ý kiến của bà Lê Thị Hà (trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) trong hội thảo gần đây do báo Tuổi Trẻ tổ chức: Công nghệ cho phép làm mọi thứ, vấn đề "đặt đầu bài" tới đâu, chúng ta sẽ có cách để làm tới đó.

"Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý công bố quy định rõ ràng về điều kiện, để các cơ sở cung ứng thuốc nếu đạt được sẽ được mở rộng phạm vi cung ứng qua ứng dụng điện tử", bà Huyền nói.

Bà cũng đề nghị các cơ quan quản lý công bố công khai, minh bạch danh sách các đơn vị cung ứng đủ điều kiện lên các cổng thông tin của ngành y tế để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và lựa chọn các địa chỉ mua thuốc uy tín, tin cậy, tiện lợi.

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc bán thuốc kê đơn ở các nhà thuốc hiện nay còn chưa thực hiện kiểm soát được, nếu thuốc được bán online sẽ càng khó kiểm soát hơn, bà Huyền cho rằng thực tế, việc bán thuốc qua môi trường điện tử nếu đáp ứng đầy đủ các giải pháp trên còn an toàn và hiệu quả hơn hoạt động mua thuốc tại nhà thuốc hiện nay.

"Thực tế hiện nay nhiều người bệnh không thể ra nhà thuốc trực tiếp mua mà nhờ người nhà mang toa đi mua. Nếu thực hiện qua môi trường điện tử sẽ minh bạch và dễ dàng kiểm soát cho các cơ quan chức năng hơn rất nhiều như nội dung tư vấn có thể được ghi âm, vận chuyển thuốc có thể theo dõi hành trình chi tiết, việc giao nhận thuốc với người bệnh có đối chiếu qua hình ảnh, ký tá xác nhận về số lượng, chất lượng và lưu giữ bằng chứng trên môi trường điện tử phục vụ truy xuất vài tháng sau đó vẫn khả thi.

Đặc biệt nếu trong tình huống có sự cố ngoài ý muốn thì việc truy xuất đường đi của hàng hóa sẽ đơn giản và chính xác hơn rất nhiều", bà Huyền nói.

Bán thuốc online: quản lý ra sao? - Ảnh 3.

Trình bày: T.ĐẠT

52.000

Đó là số website thương mại điện tử bán hàng được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phê duyệt, trong đó 900 website có chữ cái bắt đầu bằng "thuốc" hoặc "pharma". Rõ ràng nhu cầu mua bán thuốc online là có.

Đại biểu TRẦN THỊ NHỊ HÀ (phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội):

Cần sớm có danh mục thuốc không kê đơn

Đa số các nước đều quy định chỉ cho phép bán thuốc không kê đơn online, thậm chí cấm. Tuy nhiên việc bán thuốc online là phương thức kinh doanh rất phù hợp với xu thế, việc quy định nội dung này trong dự luật, với các điều kiện cụ thể, là cần thiết và việc quy định thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử là thuốc không kê đơn là phù hợp.

Hiện nay dự thảo quy định thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và nguyên liệu làm thuốc... Việc này gây ra sự lẫn lộn trên giao dịch sàn và sẽ rất khó để quản lý, nhất là với nguyên liệu thuốc làm kháng sinh. Vì vậy, theo tôi, dự thảo cần sửa đổi theo hướng chỉ bán thuốc không kê đơn.

Bộ Y tế phải ban hành danh mục thuốc không kê đơn được bán trên thương mại điện tử và các loại thuốc này phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, đảm bảo chất lượng. Đơn vị kinh doanh trên thương mại điện tử cũng phải có đầy đủ các giấy chứng nhận kinh doanh thuốc...

Các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra để đảm bảo các quy định được thực hiện đúng.

Mỗi đơn thuốc phải có mã số, mã QR

Bán thuốc online: quản lý ra sao? - Ảnh 3.

Dược sĩ bốc thuốc theo toa trong nhà thuốc bệnh viện tại TP.HCM - Ảnh: X.MAI

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra), cho hay hiện nay trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đang quy định chỉ cho phép bán online với thuốc không kê đơn. Trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, bệnh nhân được phép mua thuốc kê đơn.

Về ý kiến đề nghị nên mở rộng cho phép bán online thuốc kê đơn để phù hợp với việc khám chữa bệnh online, từ xa, ông Nghĩa cho rằng nếu muốn quy định như vậy phải có dữ liệu kê đơn thuốc rất tốt, kiểm soát được.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay hệ thống dữ liệu này chưa đảm bảo, cần thêm các đánh giá kỹ lưỡng bởi thực trạng hạ tầng của chúng ta hiện nay thì nguy cơ tác động xấu lớn hơn tốt.

"Do vậy chưa cho phép bán online với thuốc kê đơn, kể cả khi người bệnh khám, chữa bệnh online. Tất cả ở đây đều nhằm mục tiêu kiểm soát tốt chất lượng thuốc nhằm mục đích cuối cùng là phục vụ người bệnh tốt nhất", ông Nghĩa chia sẻ.

Ông Nghĩa thông tin thêm kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước cũng cho phép người dân được mua online thuốc kê đơn nhưng yêu cầu phải có cơ sở dữ liệu về đơn thuốc đầy đủ.

"Thời gian tới khi có cơ sở dữ liệu đơn thuốc đầy đủ, tức mỗi đơn thuốc sẽ có mã số, mã QR và khi mua thuốc online, người bệnh scan đơn thuốc đó lên và cơ sở bán thuốc có quyền truy cập dữ liệu đơn thuốc, xác định đúng người bệnh cần thuốc này. Khi đó có thể cho phép bán online thuốc kê đơn", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nói ông hoàn toàn đồng ý cho việc bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự luật, bởi hiện nay đã và đang diễn ra.

Các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn (OTC) và các thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử và bệnh án điện tử.

Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định cấp phép, nên bắt đầu thử nghiệm ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử.

"Sau khi Luật Dược (sửa đổi) thông qua, nếu Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay. Còn theo chiều ngược lại không quản lý được thì cấm khiến rất nhiều người sẽ bị vi phạm pháp luật khi luật có hiệu lực", ông Hiếu nói.

Singapore và Trung Quốc đã làm thế nào với thuốc kê đơn?

* Singapore: Quy trình bán thuốc kê đơn online được giám sát chặt chẽ bởi Cơ quan khoa học y tế Singapore. Theo Đạo luật sản phẩm y tế do Bộ Y tế Singapore kiểm duyệt, chỉ các nhà thuốc đã đăng ký giấy phép kinh doanh và dược sĩ có giấy phép hành nghề mới có quyền bán thuốc kê đơn theo cả hai hình thức trực tiếp và online.

Luật pháp Singapore yêu cầu các đơn thuốc online phải có sự uy tín tương đương đơn thuốc trực tiếp. Cụ thể, đơn thuốc phải có chữ ký điện tử từ một hiệu thuốc được cấp phép nhằm xác thực danh tính dược sĩ/bác sĩ kê đơn.

Ngoài ra, tất cả các hiệu thuốc có hình thức bán online cần lưu trữ thông tin bệnh án an toàn theo quy định của pháp luật, nhằm hạn chế rò rỉ thông tin cá nhân và hồ sơ thuốc.

Chính phủ Singapore quy định mỗi đơn thuốc online chỉ được sử dụng một lần. Ngoài ra đơn thuốc không được chỉnh sửa hay can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào, trừ khi được thực hiện bởi một bác sĩ đủ điều kiện chuyên môn.

Không chỉ vậy, tất cả các đơn thuốc online phải được đóng gói đúng cách, tránh xa những tác nhân thời tiết gây ảnh hưởng đến sản phẩm, cũng như đảm bảo thời hạn sử dụng đủ dài để giữ nguyên chất lượng khi đến tay bệnh nhân.

* Trung Quốc: Năm 2022, Trung Quốc ban hành quy định mới trong Luật quản lý dược phẩm hiện hành nhằm giám sát việc bán thuốc từ xa, cũng như tạo tiền đề để các doanh nghiệp dược trong nước mở rộng kênh phân phối thông qua hình thức bán hàng trực tuyến. Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12-2022.

Trước đây, Trung Quốc có các quy định nghiêm ngặt trong việc mua bán thuốc thông qua Internet. Nước này từng cấm tuyệt đối các hành vi bán thuốc kê đơn online. Tuy nhiên theo thời gian, Luật quản lý dược phẩm dần nới lỏng về quy định bán thuốc qua các kênh trực tuyến.

Về quy trình quản lý các hoạt động mua bán thuốc, các doanh nghiệp và cơ sở bán thuốc trực tuyến có thể bán thuốc kê đơn, tuy nhiên thuốc kê đơn trước khi được bán qua các kênh trực tuyến phải đảm bảo tính xác thực và mức độ tin cậy của từng loại thuốc, đồng thời cần xác minh danh tính người mua và người bán.

Không chỉ vậy, các nhà bán lẻ thuốc online phải ký kết thỏa thuận với bên cung cấp đơn thuốc online và bên phân phối thuốc theo đơn một cách nghiêm ngặt theo quy định hiện hành, cũng như đánh dấu những đơn thuốc đã giao dịch để tránh trường hợp người mua sử dụng lại đơn thuốc cũ.

Ngoài ra, Trung Quốc cho phép người mua sử dụng bản sao của đơn thuốc để mua thuốc trên các nền tảng trực tuyến, với điều kiện họ phải cam kết không sử dụng lại các đơn thuốc.

Bán thuốc online: quản lý ra sao? - Ảnh 5.Từ đơn thuốc điện tử đến bán thuốc online

TTCT - Dữ liệu sức khỏe nếu được đặt vào một hệ thống liên thông hiệu quả và bảo mật sẽ mang nhiều lợi ích cho tất cả các bên, từ bác sĩ và bệnh viện tới nhà thuốc và bệnh nhân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp