Chứng khoán lao dốc sau tin xấu liên quan đến COVID-19 - Ảnh: BÔNG MAI
Sau tin xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 lây cộng đồng, chứng khoán lập tức hứng trận "cuồng phong", quật ngã giá cổ phiếu.
Ở phiên giao dịch 28-1 có hơn 500 mã chứng khoán của các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều bị rớt xuống giá sàn. Có thời điểm tất cả thành viên rổ VN30, 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán đều giảm sàn, trắng bên mua.
Nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu bằng mọi cách, các công ty chứng khoán kích hoạt lệnh bán khống với các tài khoản vượt ngưỡng an toàn, dùng đòn bẩy cao, vay ký quỹ (margin). Nhiều người bị thiệt hại nặng về tài sản, "cháy" tài khoản.
Cung vượt cầu, lệnh bán bị "tắc đường". Theo thống kê của FiinTrade, chỉ riêng sàn HOSE, trước phiên ATC (xác định giá đóng cửa) có tới 15.663 tỉ đồng đang chờ bán.
Đóng cửa, VN-Index chính thức rớt 73,23 điểm (-6,67%), lùi về mốc 1.023,94 điểm. Đây là phiên có tỉ lệ giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động trong 20 năm qua, giảm mạnh hơn cả lúc bị ảnh hưởng do khủng hoảng tài chính, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đồng thời, VN-Index cũng xác lập tỉ lệ giảm mạnh nhất thế giới trong hôm nay.
Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 21.046 tỉ đồng, khối ngoại tăng mua ròng gấp 20 lần so với phiên trước với hơn 572 tỉ đồng.
Quan sát thị trường, ông Nguyễn Thế Minh (giám đốc khối phân tích, chứng khoán Yuanta) nhận định hôm nay tin xấu liên quan đến COVID-19 đã giáng một đòn mạnh khiến thị trường chứng khoán thêm tồi tệ.
Theo ông Minh, cũng đứng trước tin không tốt từ dịch, nhưng lần này nhà đầu tư phản ứng tiêu cực một cách nhanh và thiệt hại nặng hơn hồi tháng 3-2020.
"Tháng 3-2020, nhà đầu tư non trẻ - F0 chưa vào thị trường nhiều, đa số là nhà đầu tư đã có kinh nghiệm. Từ đầu năm 2020 đến nay, dòng tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường rất lớn, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 90% giá trị giao dịch, trong đó có nhiều người mới gia nhập.
Đối với những nhà đầu tư mới này, khi gặp thông tin tiêu cực họ phản ứng rất mạnh. Biến cố hôm nay nếu thị trường có nhiều nhà đầu tư tổ chức thì họ sẽ phân tích tác động của dịch thế nào, liệu có xử lý được trong thời gian ngắn không, mức độ tác động lên nền kinh tế..., suy nghĩ trước khi hành động, vì ảnh hưởng đến danh mục đầu tư do họ quản lý. Nhưng nhà đầu tư cá nhân lại thường không quan tâm, cứ đè bán trước đã, chuyện gì đến sẽ đến rồi xử lý sau, ai cũng giẫm đạp nhau chạy, thị trường mất thanh khoản, dẫn đến độ biến động rất lớn", ông Minh phân tích.
Theo chuyên gia này, hiện tình trạng dư bán còn nhiều, cộng áp lực bán khống, nhiều khả năng chứng khoán giảm sâu trong phiên tiếp theo. Khi rơi về ngưỡng 970-1.000 điểm thị trường có khả năng cân bằng, áp lực từ vay ký quỹ được giải tỏa.
Hiện vẫn có khi nhiều nhà đầu tư đang nắm "tiền tươi" - không vay ký quỹ, vẫn chờ nhịp hồi chứ quyết không bán. Đồng thời khối ngoại cũng đang canh mua cổ phiếu giá rẻ.
"Nguyên nhân thị trường xuống bằng lý do gì thì phải lên bằng lý do đó. Kiểm soát tốt dịch tốt thì khả năng thị trường hồi phục rất lớn", ông Minh nói.
Ông Huỳnh Minh Tuấn (giám đốc môi giới hội sở, Mirae Asset) cho rằng nhà đầu tư nên giảm tỉ trọng nắm giữ cổ phiếu trong những phiên hồi sắp tới, hạn chế bán ở vùng giá thấp.
Trường hợp dùng đòn bẩy cao, có thể xoay thêm bên ngoài để đắp vào, đưa tỉ lệ về mức an toàn tránh bị bán giải chấp, hoặc tận dụng đợt hồi để giảm tỉ trọng.
Các vị thế an toàn hơn như không vay ký quỹ và có lợi nhuận đệm dày (từ 40-50% trở lên) thì tâm lý thoải mái hơn, bình tĩnh xử lý danh mục theo hướng tận dụng các phiên hồi và đưa tỉ trọng về quanh 40 - 60% cổ phiếu, chờ thị trường tái tạo xu hướng khi nương theo những diễn biến vĩ mô.
Riêng nhà đầu tư đang có tỉ trọng tiền mặt lớn từ 70-80% trở lên có thể tận dụng giai đoạn này để gia tăng danh mục cổ phiếu, và ưu tiên nhóm có vốn hóa lớn, vì đây là nhóm phục hồi đầu tiên khi thị trường cân bằng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận