Chỉ cách biên giới Campuchia khoảng 2,5km, ngôi nhà gỗ kiên cố, bề thế của anh Trương Văn Tiến trở thành niềm mơ ước của công nhân xứ cao su biên giới Bắc Tây Nguyên này.
Từ người khó khăn, anh đoàn viên, công nhân trẻ này "ăn nên làm ra" nhờ tinh thần ham học hỏi, luôn nâng cao tay nghề cạo mủ cao su và phát triển kinh tế. Anh vừa lọt vào top 3 bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su của Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Bén duyên với cây cao su từ khốn khó
Từ trong tủ, anh Tiến đưa ra nhiều bằng khen, cúp, bằng công nhận là bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su nhiều năm liền của công ty, tập đoàn. Anh Tiến kể kỷ niệm từng giấy khen, cúp và bằng chứng nhận mình đạt được.
"Tất cả (giấy khen, bằng chứng nhận - PV) là toàn bộ sự nỗ lực của mình và chỉ bảo của nhiều anh chị lành nghề đi trước", Tiến tâm sự.
Nhớ lại 12 năm trước, với vài chỉ vàng tích cóp sau ngày cưới, Tiến bán để làm lộ phí tạm biệt quê hương Thanh Hóa vào vùng biên giới này tìm cơ hội làm ăn. Thôn 4, xã Ia H'Đrai lúc bấy giờ vẫn là "vùng rừng thiêng nước độc", đi lại khó khăn, cuộc sống thiếu thốn đủ bề.
"Vào đến nơi, vợ bị động thai phải nằm viện mất gần 2 tháng. Vợ xuất viện thì số tiền bán vàng cũng hết sạch. Tháng 9-2011, tôi làm đơn xin vào Nông trường cao su Suối Đá để có lương nuôi vợ", anh Tiến nhớ lại.
Ông Nguyễn Hữu Sinh - phó giám đốc Nông trường cao su Suối Đá - nói rất tự hào vì dù là đơn vị quá mới so với bề dày ngành cao su, nhưng hiện đời sống công nhân đã được nâng lên, xuất hiện nhiều người có tay nghề giỏi.
Theo ông Sinh, anh Tiến là người có tay nghề cạo mủ cao su giỏi nhất không chỉ của đơn vị, mà của cả công ty và nằm trong top xuất sắc của Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Lúc mới vào nghề, anh Tiến nhận chăm sóc 16ha cao su vườn kiến thiết cơ bản. Với sự siêng năng, chăm chỉ, ham học nghề từ cán bộ kỹ thuật và đồng nghiệp, vườn cây anh chăm luôn thông thoáng, tỉ lệ cây sống cao.
Từ năm 2017 đến nay, anh Tiến nhận nhiệm vụ khai thác và chăm sóc hơn 4ha cao su và nhiều năm nay luôn là người đi đầu trong lao động sản xuất.
"Là người trẻ với tinh thần học hỏi, rèn luyện cao nên anh Tiến có tay nghề cao, hệ số kỹ thuật luôn đạt khá, giỏi. Không những tay nghề cao mà còn là người luôn đi tiên phong trong việc giữ mủ sạch và chạy đua sản lượng 3 tháng nước rút cuối mỗi năm", ông Sinh cho hay.
"Phải cố thành người làm việc có chất lượng"
Ông Sinh cho biết nông trường có tổng diện tích 1.665ha, tổng sản lượng năm 2022 là 3.220 tấn mủ khô. Trong 9 tháng của năm 2023, sản lượng đơn vị đã đạt gần 2.400 tấn mủ khô.
Theo ông, mỗi công nhân ở đơn vị được khoán 3 phần cạo (tương đương với 2.000 - 2.100 cây trên diện tích 4,2ha) và anh Tiến luôn là công nhân hoàn thành sớm nhất, sản lượng mủ đông thu về chất lượng rất tốt.
Anh Trương Văn Tiến (đoàn viên, công nhân Nông trường cao su Suối Đá):
Từ những ngày đầu chưa biết gì về cao su, tôi luôn chăm chỉ học hỏi từ cán bộ kỹ thuật của công ty, tập đoàn. Trong vùng, vườn cây của nhà nào tốt, năng suất mủ cao tôi đều tìm đến để học hỏi. Tôi nghĩ rằng, bất kỳ nghề nghiệp gì mình cũng phải học hỏi từ nhiều người giỏi và mỗi ngày luôn cố gắng để thành người làm việc có chất lượng
Lãnh đạo nông trường cho hay năng suất trung bình mỗi công nhân của nông trường đạt 8 - 8,5 tấn mủ khô/năm, còn anh Tiến luôn đạt khoảng 10-11 tấn. Bởi, theo ông, ngoài giống, việc chăm sóc cây thì tay nghề cạo mủ quyết định rất lớn đến năng suất của vườn cây.
Nói về yếu tố quyết định đến năng suất, người đoạt giải ba hội thi "Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su toàn ngành năm 2022" cho biết phải gởi tâm huyết vào từng nhát cạo. Anh nói, để năng suất cây cao su đạt cao nhất, việc cạo mủ tốt nhất sẽ bắt đầu từ 2h đến 6h sáng mỗi ngày.
"Kỹ thuật áp má dao cạo vào thân cây cao su với lực vừa phải, nhanh và dứt khoát cũng là kinh nghiệm tôi tích lũy được. Nhát cạo phải vừa đủ sâu để cắt đứt hết các túi mủ dọc thân cây nhưng không được phạm vào phần thân gỗ, gây hại cho cây", anh Tiến bật mí.
Bàn tay vàng cạo mủ cao su, điển hình làm kinh tế giỏi
Anh Hoàng Văn Duẩn - bí thư chi đoàn Nông trường cao su Suối Đá - cho biết anh Trương Văn Tiến là đoàn viên điển hình của công nhân trẻ khi đạt danh hiệu "Bàn tay vàng công nhân cao su" toàn quốc.
Anh cũng trở thành người xuất sắc nhất trong các công nhân cạo mủ cao su ở biên giới Bắc Tây Nguyên khi đoạt giải ba bàn tay vàng cá nhân trong hội thi thu hoạch cao su toàn quốc, giải nhất người dân tộc thiểu số thu hoạch cao su xuất sắc nhất Việt Nam năm 2022.
Anh Duẩn nói thêm, không chỉ là lao động giỏi ở nông trường, anh Tiến cũng là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Vào thời gian rảnh, anh Tiến còn tranh thủ làm hơn 4ha đất trồng cây điều, xoan đào. Ngoài ra, anh còn nuôi một đàn bò 10 con để tăng thu nhập cho gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận