01/06/2018 10:59 GMT+7

'Bán' tài khoản ngân hàng và chiếc bẫy không ngờ

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Bán mỗi tài khoản ngân hàng và thẻ ATM được 200.000 đồng, nhưng hệ quả sẽ lớn hơn gấp bội nếu rơi vào chiếc bẫy lừa "lấy mỡ rán mỡ" được giăng ra.

Bán tài khoản ngân hàng và chiếc bẫy không ngờ - Ảnh 1.

Bảng thông tin cảnh báo “Đừng để rơi vào bẫy lừa đảo!” tại ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là một trong những hình thức "bán" đang diễn ra ở nhiều nơi, dùng giấy tờ thật để mở tài khoản và làm thẻ, đổi lại người cung cấp thông tin cá nhân có được một số tiền. Chỉ trong 5 ngày qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi hai cảnh báo về việc này.

Thuê người nghèo mở thẻ

Những người có ý đồ xấu đứng ra thuê người lao động, công nhân, sinh viên dùng giấy tờ tùy thân của họ để mở tài khoản và làm thẻ, sau đó mua lại tài khoản và thẻ này.

Do thủ tục rất đơn giản, chỉ cần dùng chứng minh nhân dân có thể mở tài khoản để có được 5 thẻ ở 5 NH khác nhau. Mỗi thẻ sẽ được "trả công" 200.000 đồng. Nghĩ chỉ đi một buổi sẽ kiếm được 1 triệu đồng nên nhiều người đã đồng ý.

Hằng, sinh viên mới ra trường đang tìm việc làm, cho biết ban đầu khi được chào mời đã đồng ý vì đang cần tiền.

Hằng đã đến 5 ngân hàng nhưng nhân viên ngân hàng nghi ngờ nên hỏi rất kỹ. Cụ thể như đã mở ở ngân hàng nào chưa, có ai thuê mở thẻ không.

"Thậm chí khi đó nhân viên ngân hàng yêu cầu phải khai số điện thoại thật rồi họ còn dùng điện thoại kiểm tra có đúng là điện thoại tôi đang dùng hay không", Hằng kể.

Trong khi đó, những người có ý đồ mua tài khoản cũng biết cách dè chừng. Trước khi đưa người đồng ý "bán" tài khoản đến ngân hàng để làm thủ tục cũng đã "tập huấn" cho họ cách đối phó với nhân viên ngân hàng.

Nếu nhân viên ngân hàng hỏi thì phải trả lời là mở thẻ vì có nhu cầu sử dụng chứ không phải ai nhờ làm.

Rồi người đồng ý "bán" tài khoản được phát một sim điện thoại rác và báo với ngân hàng số điện thoại này để mở thẻ chứ không đưa số điện thoại thật.

Nhưng sau đó, sim điện thoại này đối tượng mua tài khoản sẽ thu lại. Sim điện thoại rác được dùng để đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thông báo biến động số dư để thuận tiện cho những đối tượng thuê thực hiện rút tiền sau này.

Bán tài khoản ngân hàng và chiếc bẫy không ngờ - Ảnh 2.

Bảng thông tin cảnh báo “bẫy lừa đảo” tại ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hằng trả lời trơn tru và mở trót lọt 5 thẻ, nhưng nhiều trường hợp khác đi cùng Hằng bị ngân hàng nghi ngờ nên không mở được đủ 5 thẻ ATM.

Thường ít ai bỏ cuộc, họ lại đến chi nhánh khác để làm.

Những người được thuê mở thẻ mà chúng tôi từng tiếp xúc hầu hết là người bán hàng ăn nhỏ, sinh viên mới ra trường chưa có việc làm hoặc bà nội trợ.

Điểm chung là những người ít hiểu biết về pháp lý, có thu nhập thấp hoặc đang cần tiền. Họ gần như ít biết đến những rắc rối có thể xảy ra nếu đứng tên mở thẻ ATM rồi bán lại cho người khác.

Như vậy, với cách trên, các đối tượng có ý đồ xấu đã biến chiếc thẻ được phát hành đúng quy trình từ giấy tờ thật, người mở thẻ thật, được thực hiện tại ngân hàng thành thẻ bị mạo danh vì sau đó dùng tài khoản và thẻ lại là người khác.

Cũng có trường hợp một số cá nhân sử dụng giấy tờ giả đăng ký làm thẻ ATM, tài khoản thanh toán rồi bán lại cho bên mua để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.

Coi chừng bị "lấy mỡ rán mỡ"

Một chiêu thức khác cũng có thể được các đối tượng phạm tội lợi dụng, là dùng tiền từ chính NH để cho vay nặng lãi.

Theo đó, một số người khi ngặt nghèo, cần vay vài ba chục triệu đã đưa giấy tờ và hợp đồng lao động cho đối tượng cho vay. Những người cho vay này đã dùng chính giấy tờ này làm thẻ tín dụng, sau đó rút tiền rồi cho chủ giấy tờ vay lại với mức lãi suất rất cao.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sở dĩ các đối tượng có thể thực hiện theo phương thức trên là do hiện nay các ngân hàng vẫn cho phép chủ thẻ được rút tiền từ thẻ tín dụng để chi tiêu chứ không phải chỉ "cà thẻ trả tiền", dù không khuyến khích. Mức phí khoảng 4-5% số tiền rút.

Bán tài khoản ngân hàng và chiếc bẫy không ngờ - Ảnh 3.

“Mua” thông tin cá nhân để có tài khoản ngân hàng dùng vào mục đích xấu - Đồ họa: NHƯ KHANH

Bên cạnh đó, các dịch vụ "cà thẻ rút tiền" tại các cửa hàng cũng nở rộ. Chẳng hạn một trang có tên "Dịch vụ cà thẻ, đáo hạn thẻ tín dụng" cho biết có thể rút 100% số tiền trong thẻ, phí cà thẻ chỉ từ 1,5% với thẻ Visa, Master.

Điều kiện rất đơn giản là thẻ tín dụng phải đứng tên của người giao dịch, khách hàng ở khu vực TP.HCM, lần đầu giao dịch phải xuất trình CMND của chủ thẻ...

Thậm chí khách hàng không cần đến cửa hàng vẫn có thể được phục vụ tận nơi. Các dịch vụ này có thể qua mặt ngân hàng bằng cách cho khách hàng cà thẻ mua hàng, sau đó khách hàng lấy lý do nào đó để làm thủ tục trả hàng và bên bán trả lại tiền mặt.

Chủ thẻ nhận được tiền mặt trong khi cửa hàng lại được phí, chỉ ngân hàng bị chiếm dụng tiền.

Ngân hàng liên tục cảnh báo

Trước tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu cân nhắc xem xét giới hạn số lượng tài khoản thanh toán và thẻ mở cho một khách hàng, đồng thời kiểm tra, rà soát giao dịch thanh toán của các đơn vị chấp nhận thẻ để phát hiện các giao dịch đáng ngờ.

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ tài khoản thanh toán, thẻ cho người khác.

Các ngân hàng thương mại cũng liên tục phát đi cảnh báo. Như Sacombank, bên cạnh việc đưa cảnh báo lên mạng xã hội, còn cài banner cảnh báo khi khách hàng truy cập website với nội dung yêu cầu các khách hàng không mở thẻ ATM theo đề nghị của người lạ, không đưa tài khoản hoặc thẻ ATM của mình cho người khác để tránh sử dụng vào mục đích lừa đảo. Thậm chí, còn đặt bảng cảnh báo ngay tại quầy giao dịch.

Bán tài khoản ngân hàng và chiếc bẫy không ngờ - Ảnh 4.

Dùng hợp đồng lao động của người khác để làm thẻ tín dụng, rồi mua hàng và thanh toán qua máy POS, sau đó trả lại hàng và được bên bán hàng trả lại tiền mặt là cách để rút tiền từ thẻ tín dụng - Ảnh: T.THẮNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc trung tâm thẻ Sacombank, cho biết đưa ra cảnh báo sau khi ngân hàng ghi nhận được tình trạng trên.

Khi thấy một nhóm khách hàng tới các điểm giao dịch của Sacombank yêu cầu thực hiện mở tài khoản, thẻ có dấu hiệu nghi vấn, ngân hàng đã tư vấn, khuyến cáo, đồng thời từ chối cung cấp dịch vụ.

Sacombank, theo ông Phúc, cũng yêu cầu nhân viên kiểm tra kỹ, đối chiếu các thông tin trên hồ sơ pháp lý (CMND/căn cước công dân/hộ chiếu) với người đến giao dịch nhằm đảm bảo hồ sơ khách hàng cung cấp là thật.

Theo nhiều ngân hàng, việc kiểm tra thông tin khách hàng khi giao dịch rất quan trọng trong công tác phòng chống gian lận, giả mạo, rửa tiền.

Tuy nhiên, việc xác minh các thông tin khác của khách hàng như điện thoại, email có phải chính chủ hay không rất khó thực hiện khi có sự cấu kết, vô tình hoặc cố ý của khách hàng và kẻ xấu.

Sacombank cho biết sẽ tiếp tục tư vấn cho nhân viên và khách hàng nhận diện các chiêu thức lừa đảo, đặc biệt truyền thông cho sinh viên còn thiếu hiểu biết về các hành vi lừa đảo tài chính.

Xem xét giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng

TTO - Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng cân nhắc xem xét giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng mở cho một khách hàng, kiểm tra, rà soát giao dịch thanh toán của các đơn vị chấp nhận thẻ để phát hiện các giao dịch đáng ngờ.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp