Tuần qua, ông Hoàng Đạo Cương, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, đã có cuộc kiểm tra các đội tuyển quốc gia đang tập huấn tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn). Tại đây, nhiều VĐV và HLV bắn súng đã phản ảnh về tình trạng phải tập luyện với điều kiện không có đạn.
Lo cho thành tích ở tương lai?
Bắn súng là môn thể thao trọng điểm số 1 trong chương trình đầu tư của thể thao Việt Nam cho Asiad và Olympic.
Sau khi Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic 2016, trong cơn hưng phấn đã có rất nhiều hứa hẹn từ những người có trách nhiệm rằng sẽ cải thiện trường bắn, cung cấp đầy đủ đạn cho các xạ thủ tập luyện nhằm duy trì thành tích đỉnh cao ở đấu trường thế giới. Nhưng thực tế các xạ thủ vẫn tập ở trường bắn bia giấy, đạn thiếu triền miên.
Phải đến năm 2022, khi Việt Nam là chủ nhà SEA Games 31, Chính phủ mới cấp kinh phí để cải tạo trường bắn bia giấy ở Nhổn thành trường bắn điện tử. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một xạ thủ của đội tuyển nói: "Ngay sau SEA Games 31 vào tháng 5-2022, chúng tôi lại thiếu đạn tập, nhiều lúc chẳng có viên nào. Không có đầy đủ đạn tập, việc nâng cao thành tích gần như là không thể".
Một HLV bắn súng chia sẻ: "Thiếu đạn, trang thiết bị tập luyện đã gây nhiều hệ lụy. Từ chỗ có HCV Olympic 2016 nhưng đến Olympic Tokyo 2020 không có xạ thủ nào của Việt Nam vượt qua vòng loại để đến Olympic nên phải đi bằng vé mời.
Còn ở các địa phương, không có đạn thì không tuyển được VĐV mới, không đào tạo được VĐV trẻ tài năng. Nhiều VĐV được tuyển vào nhưng đi tập vài tháng không có đạn các em cũng bỏ tập. Vì thế, 5-7 năm tới thành tích của bắn súng Việt Nam có thể còn tệ hơn nữa vì tình trạng thiếu đạn hiện nay".
Nỗ lực tìm nguồn đạn
Nguyên nhân của việc thiếu đạn là vì thiếu tiền. Ngân sách cấp cho sự nghiệp thể thao những năm gần đây trung bình là 700 - 800 tỉ đồng. Với khoản tiền ít ỏi này, ngành thể thao chủ yếu dành để chi tiền ăn, tiền công, đi thi đấu nước ngoài cho hàng ngàn VĐV quốc gia. Tiền để mua sắm trang thiết bị tập luyện của VĐV như đạn, súng, cung tên, thảm tập, giày, quần áo... rất hạn chế. Với bắn súng, mỗi viên đạn bắn ra là bắn ra... tiền, nên việc thiếu đạn cứ diễn ra triền miên.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mỗi năm Trung tâm Nhổn chi từ 1-2 tỉ đồng để mua đạn cho đội tuyển bắn súng Việt Nam. Nhưng kể cả năm được mua đến 2 tỉ tiền đạn thì cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu tập luyện của VĐV chứ chưa bao giờ đủ.
Đạn mua năm nào được dùng trong năm đó, cũng không thể mua gối đầu cho năm sau vì không có kinh phí. Vì vậy, tình trạng hết đạn hiện nay của đội tuyển bắn súng là do chưa mua được đạn của năm 2023. Lãnh đạo Trung tâm Nhổn đang nỗ lực làm việc với nhà cung cấp của Bộ Quốc phòng để mua đạn cho đội tuyển.
Tính cả đến chuyện vay mượn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết theo chỉ đạo của ông Hoàng Đạo Cương, ngày 15-3 phải có đạn cho đội tuyển bắn súng, nếu chưa có thì phải cố gắng vay mượn đạn của quân đội, công an cho đội tuyển có đạn tập.
Dù được thành lập đã lâu, nhưng cũng như hầu hết các liên đoàn, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam hoạt động kém hiệu quả nên chẳng đóng góp được gì nhiều cho bắn súng Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, trong 6 năm từ 2016 - 2022, đơn vị này chỉ thu được 4,3 tỉ đồng tiền tài trợ. Số tiền này chẳng thấm vào đâu với nhu cầu phát triển phong trào bắn súng Việt Nam và hỗ trợ cho các đội tuyển quốc gia.
Chờ bước đi đột phá
Tháng 6-2022, tại Đại hội Liên đoàn Bắn súng Việt Nam khóa 7 (2022 - 2027), đơn vị này cho biết đã phối hợp với Nhà máy quốc phòng Z113 nghiên cứu sản xuất đạn thể thao nội địa, bao gồm đạn đĩa bay và đạn súng hơi.
Bước đi đột phá này được hy vọng sẽ giúp bắn súng Việt Nam giải quyết một phần khó khăn về việc thiếu đạn trong tập luyện. Dù vậy, đến thời điểm này, việc thiếu đạn của đội tuyển bắn súng vẫn đang diễn ra trầm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận