Ông Lý Gia Siêu (trái) tuyên thệ làm trưởng đặc khu Hong Kong trước sự chứng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 1-7 - Ảnh: REUTERS
Tuyên bố chung Trung - Anh về trao trả Hong Kong, được ký năm 1984 giữa hai thủ tướng Thatcher và Triệu Tử Dương, tuyên bố đặc khu có thể duy trì nền kinh tế tư bản cùng những quyền tự do như trước đây trong vòng 50 năm (tức đến năm 2047).
Hệ thống tư pháp độc lập, luật pháp hiệu quả cùng các quyền tự do cá nhân tương đối là một trong các quyền mà những khu vực khác của đại lục không được hưởng.
Lời trấn an của ông Tập
Dù Hong Kong vẫn đang duy trì một số quyền tự do theo tuyên bố chung Trung - Anh nhưng các nỗ lực trong những năm gần đây của chính quyền Bắc Kinh nhằm đưa lối sống của đặc khu Hong Kong gần gũi hơn với đại lục thông qua giới thiệu chương trình giáo dục đạo đức cùng quốc dân vào 2011, thực hiện luật an ninh quốc gia vào 2020 đã làm dấy lên lo ngại rằng bản sắc Hong Kong đang bị xói mòn.
Người dân Hong Kong đang lo lắng rằng lãnh thổ này rồi cũng sẽ như các thành phố khác và e ngại quá trình này sẽ diễn ra nhanh trước mốc thời gian 50 năm.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu kỷ niệm 25 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình trấn an: "Không có lý do gì để một hệ thống tốt như vậy phải thay đổi, và nó phải được duy trì trong một thời gian dài".
Ông Tập cho biết khuôn khổ hiện nay cho phép Hong Kong có luật pháp, chính phủ riêng biệt và sự thành công của mô hình này đã được "công nhận rộng rãi".
Khuôn khổ "một quốc gia, hai chế độ" với quyền tự chủ tương đối như vậy đã củng cố vị trí của Hong Kong như một trung tâm tài chính và kinh doanh hàng đầu toàn cầu.
Tuy nhiên, nếu xét về sức ảnh hưởng của nền kinh tế Hong Kong lên đại lục thì có sự sụt giảm rõ rệt. Quy mô nền kinh tế Hong Kong chiếm chỉ chưa tới 3% GDP của Trung Quốc đại lục vào năm 2020, giảm so với mức 18,4% vào năm 1997 khi vùng lãnh thổ này quay trở lại Trung Quốc.
Nhưng đặc khu này đã vượt lên trên tầm ảnh hưởng kinh tế của nó do hệ thống tài chính và luật pháp đẳng cấp thế giới. Trung Quốc đã và đang được hưởng lợi từ việc Hong Kong như một cửa ngõ để kết nối với thế giới.
Nhiều công ty Trung Quốc đang tận dụng khả năng tiếp cận của Hong Kong với các nhà đầu tư toàn cầu để huy động vốn, trong khi xuất khẩu từ đại lục qua đặc khu này đến các nơi khác trên thế giới có thể chịu thuế thấp hơn.
Thách thức trong 25 năm tới
Trong bài phát biểu chào mừng vào ngày 30-6, được truyền thông Trung Quốc mô tả là "quan trọng", Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Hong Kong "trỗi dậy từ đống tro tàn". Đây là một cách nói hình tượng của phượng hoàng lửa tái sinh.
Cũng trong bài phát biểu, ông Tập kêu gọi người dân Hong Kong đóng góp vào "sự phục hưng lớn của chủng tộc Trung Quốc" và nhấn mạnh rằng chính quyền trung ương luôn hành động "vì lợi ích của Hong Kong".
Mặc dù hiện tại nền kinh tế Hong Kong được coi vẫn tương đối tốt với bình quân thu nhập đầu người tương đương với nước Đức, tuy nhiên khi nhìn về tương lai, ngày càng có nhiều người Hong Kong không đồng ý với ông Tập.
Cái họ lo lắng không phải là câu chuyện về kinh tế. Hong Kong sau hơn hai thập niên quay trở về Trung Quốc đang chứng kiến khuynh hướng nhiều người di cư trong những năm gần đây.
Cư dân và công ty Hong Kong chuyển đến Singapore cũng như tới các nơi khác như Dubai, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đang gia tăng. Vào năm 2020 khi luật an ninh quốc gia được áp dụng, Hong Kong chứng kiến 93.000 người di cư. Và chỉ trong 2 tuần đầu tiên của tháng 3-2022, thời điểm dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, có 53.000 người rời Hong Kong, theo Sở Di trú của đặc khu.
Nửa chặng đường sau khi được trao trả về Trung Quốc đại lục không giúp người Hong Kong cảm thấy mình mang bản sắc Trung Quốc hơn, mà ngược lại.
Cách đây 5 năm, trong một điều tra của Trường đại học Hong Kong vào năm 2017, nhân kỷ niệm 20 năm Hong Kong được trao trả về Trung Quốc, có một câu hỏi: liệu họ là người Hong Kong, người Trung Quốc hay là một bản sắc hỗn hợp của cả hai.
Nhìn chung, 37% được xác định là người Hong Kong, trong khi 21% trả lời là Trung Quốc, trong khi 40,2% tự nhận "người Hong Kong ở Trung Quốc" hoặc "người Trung Quốc ở Hong Kong". Nhưng chỉ 3,1% số người được hỏi trong độ tuổi từ 18 đến 29 cho biết họ xác định là người Trung Quốc.
Sau khi chính quyền Bắc Kinh đưa ra luật dẫn độ vào tháng 6-2019, cuộc khảo sát ngay sau đó cho thấy chưa đến 10% người Hong Kong ở mọi lứa tuổi khảo sát cho biết họ xác định là người Trung Quốc, một mức thấp trong lịch sử. Hầu như không ai ở Hong Kong dưới 30 tuổi xác định là người Trung Quốc.
Và đó là một trong những thách thức lớn nhất của chính quyền đại lục khi nhìn về 25 năm tới.
Ông Lý Gia Siêu nhậm chức lãnh đạo Hong Kong
Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 1-7, tân Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lý Gia Siêu nhấn mạnh ưu tiên kinh tế và chính trị song song.
Theo Hãng tin Reuters, ông Lý cho rằng Hong Kong cần tăng cường khả năng cạnh tranh về tài chính, thương mại và vận tải biển, đồng thời đảm bảo sự ổn định. "Pháp quyền là nền tảng và giá trị cốt lõi cho sự thành công của thành phố", ông nói.
Ông Lý cũng cho biết trong 5 năm tới sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được kể từ sau khi thành phố này thực thi luật an ninh quốc gia và hoàn thiện hệ thống bầu cử.
Sau phần tuyên thệ của ông Lý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định không có lý do gì để thay đổi mô hình "một quốc gia, hai chế độ" của Hong Kong. Ông Tập cho rằng nguyên tắc này đã thành công dưới "quyền tài phán toàn diện" của Trung Quốc. (VŨ NGUYÊN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận