29/12/2021 16:21 GMT+7

Ban quản lý rừng khoán đất trồng rừng cho viên chức... trái luật

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Luật quy định viên chức ban quản lý rừng không phải đối tượng nhận khoán đất trồng rừng, nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Hòa (Phú Yên) vẫn giao khoán, thậm chí lấy đất vườn ươm của ban "cho mượn".

Ban quản lý rừng khoán đất trồng rừng cho viên chức... trái luật - Ảnh 1.

Khu rừng trồng keo 7-8 năm tuổi ở thôn Lạc Sanh (xã Sơn Thành Đông) được người dân cho hay là của một viên chức Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa - Ảnh: DUY THANH

Một số người dân ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) phản ánh với Tuổi Trẻ Online rằng nhiều cán bộ, viên chức của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Hòa nhận khoán đất trồng rừng trái quy định pháp luật để trồng keo thu lợi cá nhân. Trong khi dân cần đất trồng rừng kinh tế thì không được giao khoán.

"Mấy ổng (cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa - PV) mở cả chục hecta trong khu Suối Hàn để trồng keo rồi khai thác, bán lấy tiền bỏ túi. Trong khi nhiều khu ở đây hồi xưa chúng tôi là dân kinh tế mới lên khai hoang, giờ mình muốn trồng cũng không được" - bà Nguyễn Thị Hằng, một người dân, bức xúc.

Giám đốc và nhiều viên chức vi phạm

Ông Nguyễn Trọng Tùng - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên - cho biết từ tố cáo của dân, sở đã xác minh và vừa có kết luận vấn đề trên.

Theo nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27-12-2016 của Chính phủ có hiệu lực thi hành ngày 15-2-2017, thì cán bộ, viên chức, người lao động của ban quản lý rừng không còn là đối tượng được hợp đồng giao khoán đất rừng như trước. 

Tuy nhiên, kết luận nêu, tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Hòa, "hợp đồng giao khoán hầu hết được giao cho viên chức và người lao động của ban quản lý rừng".

Ban quản lý rừng khoán đất trồng rừng cho viên chức... trái luật - Ảnh 2.

Biển cấm trong rừng trồng thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Hòa - Ảnh: DUY THANH

Cụ thể, ông Đào Ngọc Dũng - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa - đứng tên trên 2 hợp đồng khoán vào ngày 18-11-2004 và ngày 12-10-2016 với tổng diện tích 3,59ha, thực tế ông này đang sử dụng 3,78ha, nghĩa là có 0,19ha ngoài ranh giới hợp đồng. 

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên xác định ông Dũng không thuộc đối tượng chuyển tiếp nhận khoán đất rừng theo nghị định 168, nhưng vẫn sử dụng diện tích đất rừng trên là không phù hợp quy định.

Các viên chức của Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa nhận khoán đất trồng rừng sau khi nghị định 168 có hiệu lực đều không phù hợp quy định, gồm các ông, bà Ngô Văn Thương (2,3ha), Đào Thị Thu Hằng (2,4ha), Nguyễn Văn Hải (5,36ha).

Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa còn lấy 3,2ha đất vườn ươm cho phòng kế hoạch - kỹ thuật của ban (do ông Ngô Văn Thương đại diện) "mượn" để trồng keo!

Bà Hoàng Thị Hồng, vợ ông Thái Bá Bình (viên chức của ban quản lý rừng), nhận khoán 10,63ha đất trồng rừng vào ngày 16-4-2018 là đúng đối tượng, nhưng trình tự, thủ tục khoán không phù hợp theo quy định của nghị định 168…

‘Rút kinh nghiệm sâu sắc’

Ban quản lý rừng khoán đất trồng rừng cho viên chức... trái luật - Ảnh 3.

Một người dân xã Sơn Thành Đông chỉ về hướng mà bà cho rằng nhiều viên chức của Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa nhận khoán đất trồng rừng diện tích lớn sai quy định pháp luật - Ảnh: DUY THANH

"Qua làm việc, đối thoại những người có liên quan, sở nhận thấy có tình trạng mua, bán (bằng hình thức viết giấy tay) trên diện tích đất được Nhà nước giao cho ban quản lý rừng quản lý. Từ lúc mua bán đất đến khi thực hiện việc giao, nhận khoán theo nghị định 168 thì những người nhận khoán nêu trên đã tự ý sử dụng đất của Ban quản lý rừng để canh tác, sản xuất làm lợi cho cá nhân" - kết luận của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên nêu.

Kết luận này cũng cho hay sau khi hợp đồng giao khoán được ký kết, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện khoán không thường xuyên, liên tục nên để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất so với hợp đồng ban đầu.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên yêu cầu giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa tổ chức kiểm tra, rà soát, thu hồi tất cả diện tích đất được giao khoán không đúng quy định để thực hiện việc giao, nhận khoán đúng quy định hiện hành.

Các cá nhân nhận diện tích giao khoán sai này, nếu đã khai thác rừng trồng thì giao trả lại đất ngay cho ban quản lý rừng; nếu cây chưa đến kỳ khai thác thì chăm sóc đến đúng kỳ, khai thác và trả đất ngay. Riêng ông Ngô Văn Thương khai thác ngay 3,2ha keo để trả lại đất vườn ươm cho ban.

Ông Nguyễn Thành - chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên - cho biết: "Tập thể lãnh đạo và các cá nhân của Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa có vi phạm đã kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc. Những người nhận khoán đất rừng sai quy định đều cam kết trả lại đất sau khi khai thác rừng trồng".

Dân sai xử nghiêm, sao cán bộ sai chỉ rút kinh nghiệm?

Sau khi biết hình thức xử lý đối với các cán bộ, viên chức Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa có vi phạm như trên, người dân bày tỏ không đồng tình.

"Dân lỡ trồng rừng trên đất của Nhà nước thì bị ban quản lý rừng phòng hộ nhổ cây vứt hết, bị phạt tiền, bị dọa xử lý hình sự.

Còn cán bộ, đảng viên, viên chức của ban cố ý giao nhận khoán đất sai luật, lấn chiếm đất rừng, lấy đất của Nhà nước cho "mượn" trong hàng chục năm trời để làm lợi cá nhân lại chỉ rút kinh nghiệm thì quá vô lý!" - ông Nguyễn Kim Tín, một người dân xã Sơn Thành Đông, nói.

Để mất hơn 777ha rừng, lãnh đạo sở nhận Để mất hơn 777ha rừng, lãnh đạo sở nhận 'kiểm điểm rút kinh nghiệm'

TTO - Để mất hơn 777ha rừng, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng nhận hình thức 'kiểm điểm rút kinh nghiệm'.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp