Khi ký tôi cũng không biết những người này ở đâu, chỉ có danh sách còn con người tôi cũng không biết mặt... |
Rừng tự nhiên tại Bình Phước giảm nghiêm trọng, đất trồng cao su tăng (Nguồn: Tuổi Trẻ tổng hợp từ báo cáo hiện trạng rừng của Bộ NN&PTNT) - Dữ liệu: BÁ SƠN - Đồ họa: V.CƯỜNG |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm trao đổi với PV Tuổi Trẻ:
* Dư luận cho rằng trong khi quỹ đất của tỉnh ngày càng eo hẹp, nhiều người dân có nhu cầu nhưng thiếu đất sản xuất thì một số cán bộ lại được UBND tỉnh ưu ái giao nhiều hecta đất cho thuê, ông nghĩ sao về việc này?
- Ông Nguyễn Văn Trăm: Trước đây quỹ đất còn rộng rãi thì có một thời gian ngắn lúc trước đúng là có việc giao đất cho cá nhân, nhưng nay đã dừng hết rồi. Từ khi tôi làm chủ tịch UBND tỉnh tới nay (bắt đầu từ ngày 5-4-2013 - PV) chưa hạ bút ký cho ai một mét đất nào.
Tôi cũng chưa bao giờ đề nghị với thường trực UBND tỉnh, thường vụ tỉnh ủy ký giao cho cá nhân này, doanh nghiệp kia đất này đất khác. Chưa bao giờ có. Tôi ngủ rất sâu việc này. Có chăng do giấy hết hạn, đổi giấy thì có ký. Còn ký giao đất cho cá nhân thì chưa có.
* Vậy những quyết định do ông ký tháng 10-2014 mới đây thu hồi đất rừng để cho một số cán bộ như trường hợp ông Lê Hoàng Thanh - viện trưởng Viện KSND tỉnh 8ha, ông Võ Ngọc Vinh - trưởng phòng tổ chức hành chính UBND tỉnh 9,7ha hay trường hợp vợ của giám đốc Sở TN-MT, vợ các lãnh đạo Sở NN&PTNT mỗi người 6-9ha...?
- Cái này để coi lại chứ tôi chưa thò bút ký, để phải coi lại cụ thể...
(PV đưa ra một số quyết định thu hồi đất để cho cán bộ thuê do ông Nguyễn Văn Trăm vừa ký ngày 14-10-2014).
- Ông Trăm: À, cái này trước khi ký tôi có hỏi hết... Có cơ sở của nó hồi trước. Lúc ký tôi có hỏi cơ quan tham mưu bên dưới tại sao họ giải thích cái này có từ lâu rồi, có một cọc văn bản pháp lý phía sau thì tôi mới ký, nếu không tôi không ký.
Lúc trước từ thời anh Nguyễn Tấn Hưng, anh Trương Tấn Thiệu làm chủ tịch UBND tỉnh có quyết nghị của thường trực tỉnh ủy cho cán bộ thuê đất.
Ví dụ danh sách có khoảng 30 gia đình thì trước đây mới có 20 gia đình làm giấy tờ. Những hộ còn sót lại chưa làm giấy, sau này bên dưới họ trình lên có xác nhận từ xã, huyện, sở nông nghiệp, sở tài nguyên thẩm định rồi trình lên, nói là ngày xưa còn sót ký bổ sung để làm giấy tôi mới ký.
* Thưa ông, các cá nhân được cho thuê đất nói trên đều là cán bộ lãnh đạo, vợ, con của họ...khiến dư luận đặt dấu hỏi các cán bộ này có công lao gì đặc biệt hoặc có hoàn cảnh khó khăn không mà lại được ưu ái như vậy, trong khi cán bộ khác không được, hoặc nhiều người dân khó khăn cũng đang thiếu đất sản xuất?
- Có mặt phóng viên ở đây, tôi nói thật là tôi rất bình thản. Tôi chưa ký cho ai một mét đất nào, chưa ký cho doanh nghiệp nào, cũng chưa ký cho một miếng cây miếng củi nào qua biên giới. Tôi rất bình thản về việc này.
Còn những cái quyết định vừa đưa ra, mới nhìn tôi cũng bất ngờ nhưng cái này đã có quyết nghị từ 5-7 năm rồi, là người ta làm bổ sung giấy tờ để hợp lý hóa. Ký cái này là có và tôi chịu trách nhiệm.
Tôi không ký cũng chẳng ai ký và ký là để thực hiện chủ trương từ trước. Khi ký tôi cũng không biết những người này ở đâu, chỉ có danh sách còn con người tôi cũng không biết mặt...
Tôi không sợ cái này, vì nó hợp hiến hợp pháp. Cái gì cũng sợ hết thì không làm được việc. Nếu giờ ký mới cho ai 1-2ha thì tôi không dám ký. Ký là mất chức liền.
Còn những quyết định vừa rồi là thủ tục để hợp thức hóa, còn chủ trương có từ trước rồi, sai sót chưa làm sổ nên giờ làm. Tôi ký xong cũng không ai tới nhận sổ trực tiếp, không biết ai. Thấy căn cứ pháp lý rõ ràng “hai năm rõ mười” thì tôi ký thôi.
Giờ văn bản đưa lên chủ tịch UBND tỉnh có tới bốn “cổng gác”, cổng gác sở NN&PTNT, sở tài nguyên trình lên rồi mới đưa qua chánh văn phòng, phó chánh văn phòng UBND tỉnh, rồi trợ lý của tôi... Qua bốn tầng lớp “gác” như vậy khó có sai sót được.
* Nhưng thưa ông, trong số các cơ quan tham mưu kể trên thì chính cán bộ văn phòng UBND tỉnh, vợ giám đốc các sở lại là những người có tên trong danh sách được ra quyết định?
- Cũng có thể họ có trong danh sách chung vì văn phòng ủy ban hồi xưa hầu hết đều có, lúc đó đất còn rộng rãi...
Hồi nãy tôi đã nói các quyết định có căn cứ pháp lý rõ ràng như vậy, nhưng tôi sẽ yêu cầu văn phòng và các sở tham mưu rằng việc báo chí đặt vấn đề như vậy để họ giải thích...
* Nhiều người cũng lo ngại việc chuyển đổi đất rừng để trồng cao su khiến rừng tự nhiên của Bình Phước ngày càng thu hẹp?
- Giờ đã có quy hoạch như thế, muốn chuyển đổi 1ha rừng cũng phải qua Bộ NN&PTNT thẩm định rồi trình Thủ tướng chứ không phải ai tự quyết xuống làm cũng được.
Giờ quy định ngày càng chặt chẽ, trước kia phá rừng nhiều nhưng giờ có quản lý từ tỉnh đến xã, ai sai phạm là bị kỷ luật liền...
Tiếp tục lấy đất rừng trồng cao su Trong khi diện tích đất rừng tự nhiên ngày càng giảm, nhưng tỉnh Bình Phước đang tiếp tục xin chuyển đổi đất rừng để trồng cao su. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh hiện có 17 dự án chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su với tổng diện tích rừng bị chuyển đổi là 9.160ha. Vào tháng 1-2014, Bộ NN&PTNT rà soát và trình Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi sáu dự án với diện tích 3.033ha. Các dự án còn lại, Bình Phước đang hoàn thiện thủ tục để trình Bộ NN&PTNT và Chính phủ cho phép chuyển đổi. Trong đó, có 2.000ha đất rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết dự kiến được giao cho Công ty TNHH một thành viên cao su Sông Bé để trồng cao su... Điều đáng nói là đất rừng sau khi được chuyển đổi trồng cao su của công ty này đã nhiều lần được UBND tỉnh thu hồi giao cho một số cán bộ. Thậm chí lãnh đạo công ty này còn từng “phù phép” để chuyển đất của công ty nhà nước cho doanh nghiệp “sân sau” của gia đình mình thuê và bị Thanh tra Chính phủ kết luận là sai phạm. Trước việc chuyển đổi nhanh chóng như vậy đã khiến diện tích rừng tự nhiên tại Bình Phước giảm nghiêm trọng. Theo số liệu tổng hợp của Tuổi Trẻ, nếu như năm 2002 Bình Phước có tới 127.800ha rừng tự nhiên thì hơn 10 năm sau, vào năm 2013 chỉ còn 58.600ha (giảm hơn một nửa). |
Cho vợ đứng tên để... “mấy bả ở nhà sản xuất” PV Tuổi Trẻ cũng tìm gặp những cán bộ được chia đất, nhiều cán bộ thừa nhận việc “ban phát” đất cho một số cán bộ lãnh đạo, người nhà lãnh đạo dễ gây so bì, nghi kỵ giữa các cán bộ và tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tánh - quyền chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước - cho biết: “Tôi được cho thuê hơn 6ha. Chủ trương của tỉnh trong thời gian mới trồng cao su Nhà nước chưa thu tiền, tới thời kỳ thu hoạch có thu nhập từ cây trồng sẽ bắt đầu thu tiền thuê đất. Hồi mới được cho thuê đất, chúng tôi háo hức lắm, ráng theo chăm sóc. Nhưng nói thật, với giá cao su hiện nay nếu đưa vào cạo mủ chúng tôi sẽ lỗ. Cao su người ta năm năm đã thu hoạch nhưng mình đã để năm thứ sáu sang năm sau là năm thứ bảy, Nhà nước đã bắt đầu thu tiền thuê đất nhưng tôi cũng không biết có nên cạo mủ hay không vì càng cạo sẽ càng lỗ” - ông Tánh nói. Chúng tôi đặt câu hỏi vì sao UBND tỉnh cho thuê đất nhưng ông không đứng tên lại để cho vợ đứng tên, ông Tánh giải thích: “Tại vì là người nhà nên cho đứng tên để mấy bả ở nhà sản xuất, mình làm nhà nước nên phải làm vậy. Kê khai tài sản từ năm 2008 đến nay, tôi đều có kê khai 6ha cao su với nguồn gốc đất là tỉnh cho thuê”. Còn ông Nguyễn Phú Quới, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Phước, cho rằng: “UBND tỉnh Bình Phước có chủ trương cho cán bộ công chức mỗi người có nhu cầu không quá 10 ha, nhưng không có đất nên có cán bộ chỉ có 4-5 ha. Chủ trương của tỉnh cho thuê, Sở NNPT&NT lập tờ trình, Sở TN-MT căn cứ trên hồ sơ làm thủ tục để cho thuê”. Trả lời câu hỏi có dư luận vợ giám đốc Sở TN-MT được nhận hàng trăm hecta đất, ông Quới nói ngay: “Không có chuyện UBND tỉnh cho cá nhân nhà tôi thuê hàng trăm hecta đất. Mỗi cán bộ được thuê không quá 10ha, số lượng hàng trăm hecta đó có thể là tổng diện tích đất thuê của cả chục người. Mặc dù chủ trương cho thuê 10ha/người, nhưng bà xã tôi cũng chỉ được thuê 6,6ha”. Về việc người dân bức xúc khi chỉ có một số cán bộ được thuê đất, ông Quới phân trần: “Hồi trước tỉnh cho thuê đất nhiều cán bộ không chịu làm, thậm chí một số người trả lại, sau đó cao su có giá lại xin thuê nhưng còn đất đâu?! Trước đây, ông nào có nhu cầu thuê đất lập vườn, làm đơn cá nhân xin thuê chứ không lập danh sách gì...”. Một cán bộ sở thừa nhận việc cho cán bộ thuê đất ở Bình Phước là do các cán bộ “rỉ tai” nhau rồi làm đơn gửi lên lãnh đạo, mỗi người tự làm đơn riêng chứ không có thông báo, danh sách gì cả. “Việc xét cho thuê đất chủ yếu dựa trên “tình nghĩa” thôi!” - vị cán bộ này nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận