Phòng học lớp tiểu học ở bản Khạn, xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) làm bằng tranh tre nứa sơ sài - Ảnh: Hà Đồng |
Bản Khạn cách trung tâm xã Trung Thượng khoảng 10km, trong đó có 7km đường đồi núi, dốc cao, lởm chởm đá, ổ gà, ổ voi. Đây là bản khó khăn nhất trong số sáu bản của xã Trung Thượng, với nhiều cái “không” như: không có đường ôtô đến trung tâm bản, không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại di động, không có phòng học tiểu học, mầm non kiên cố.
Ông Đinh Xuân Giang - phó Phòng dân tộc huyện Quan Sơn - cho rằng việc bản Khạn bị đưa ra khỏi danh sách bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) khiến lãnh đạo, phòng chức năng của huyện cũng bất ngờ, khó hiểu. Bởi chính UBND xã, huyện không đề nghị trung ương đưa bản này ra khỏi diện ĐBKK.
Theo kết quả xét duyệt hộ nghèo năm 2013 của UBND xã Trung Thượng, bản Khạn có 62 hộ dân tộc Thái (299 khẩu). Trong đó, tỉ lệ hộ nghèo là 41,93%, hộ cận nghèo là 14,51%. Thế nhưng, quyết định 447 ngày 19-9-2013 của Ủy ban Dân tộc (thuộc trung ương) quyết định công nhận các thôn, bản ĐBKK... lại không có tên bản Khạn.
Trong khi đó, bản này đạt tiêu chí là bản ĐBKK theo quyết định số 30/2012 của Thủ tướng Chính phủ (tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên, trong đó tỉ lệ hộ nghèo là 25% trở lên).
Ông Giang cho biết thêm do không còn nằm trong danh sách bản ĐBKK nữa, nên từ năm ngoái đến nay bản Khạn không được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo Chương trình 135 của Chính phủ và người dân ở đây bị cắt một số hỗ trợ khác...
Cũng theo ông Giang, hiện nay UBND huyện Quan Sơn đang lập hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền của tỉnh, trung ương xét duyệt, công nhận bản Khạn thuộc diện ĐBKK.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận