Mua sắm tại siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Không chỉ vung tiền ra "sắm" các điểm bán lẻ sẵn có thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập "nửa kín nửa hở", nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã chủ động tăng tốc cạnh tranh khi thị phần bán lẻ đang dần vào cuộc rượt đuổi quyết liệt dịp cuối năm sắp đến.
"Khắc xuất, khắc nhập"
Tiếp tục khẳng định "tiền chỉ là chuyện nhỏ", việc Tập đoàn Vingroup công bố sở hữu toàn bộ 100% vốn từ 23 siêu thị thuộc một doanh nghiệp bán lẻ ngoài Hà Nội càng thêm chứng minh thị trường bán lẻ nội địa cạnh tranh cũng tàn khốc so với cuộc đối đầu giữa các đại gia bán lẻ ngoại đang hoạt động tại VN.
Cùng chọn một hình thức như đã từng làm với một hệ thống siêu thị tư nhân cách đây hai năm là tung tiền ra để sở hữu hệ thống bán lẻ sẵn có, đến nay, Tập đoàn Vingroup trở thành đối trọng duy nhất cạnh tranh trực diện với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) về quy mô điểm bán lẫn độ phủ trên khắp cả nước.
Tiếp nhận thông tin từ các cuộc mua bán sáp nhập diễn ra với độ nóng "hừng hực" trên thương trường thời gian gần đây, ông Đỗ Quốc Huy - giám đốc Marketing hệ thống Saigon Co.op không phủ nhận "Saigon Co.op đang đứng trước nhiều áp lực cạnh tranh, mà sức ép từ chính các nhà bán lẻ nội địa với nhau cũng đầy cam go không kém".
Theo ông Huy, điều này cũng khá dễ hiểu khi VN được xếp trong Top 30 thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, và ngày càng trở nên hấp dẫn với tất cả các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ.
"Một thị trường có quy mô ước tính hơn 160 tỉ USD từ năm 2025 trở đi, với dân số 90 triệu đầy tiềm năng, khiến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ liên tục được thực hiện trong gần một thập niên qua giữa các đối tác trong nước và ngoài nước. Tôi cảm nhận sức nóng từ cuộc chiến giành thị phần đã biến thị trường VN trở thành "trận địa" nóng bỏng giữa các "đối thủ" khi tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản trị, làm chủ công nghệ quản lý logistics ngày được đặt lên như một lợi thế cạnh tranh hàng đầu", ông Huy nhận định.
Đó cũng là lý do, chuỗi hệ thống Co.opmart của Saigon Co.op không chỉ dần quen thuộc với người tiêu dùng Việt, mà một loạt các thương hiệu bán lẻ khác như BigC, Aeon, Lotte, Parkson, Metro… bắt buộc cùng phân chia lại thị phần bán lẻ để trở thành điểm đến thân thuộc cho các nhu cầu mua sắm, ở tất cả các phân khúc nhu cầu tiêu dùng.
Tăng tốc mở mới, phủ sóng điểm bán
Dù xuất thân từ mô hình hợp tác xã từ thời bao cấp để lại, nhưng quan điểm kinh doanh và tiêu chí xác lập mô hình phát triển cho Saigon Co.op đã sớm "vẽ" ra con đường vận hành tiệm cận với xu hướng bán lẻ hiện đại cần và phải có.
Trong đó, "nhất cự ly", người tiêu dùng chỉ cần "một bước là tới nơi" để tiếp cận hàng hóa được Saigon Co.op "thấu hiểu" nhanh nhất. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động hơn 5 siêu thị đạt chuẩn quốc gia tại nhiều thành phố lớn trong cả nước.
Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết từ Co.opmart được xây dựng đầu tiên, đến nay Saigon Co.op đã phát triển thành công gần 100 siêu thị Co.opmart phân bố rộng khắp và trở thành điểm đến mua sắm tin cậy của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt.
Ngoài chính sách hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và giá cả phải chăng. Hệ thống Co.opmart còn là hệ thống phân phối hiệu quả 9 nhóm hàng bình ổn giá như đường, sữa, gạo, trứng, dầu ăn, nước mắm,… góp phần điều tiết giá cả thị trường, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Việc Co.opmart từng từ chối thẳng thừng không kinh doanh trái cây, nông sản có xuất xứ Trung Quốc, gà thải loại Hàn Quốc; trong chừng mực nào đó, đã cho thấy con đường mà Co.opmart lựa chọn đều gắn chặt với lợi ích của hàng chục triệu người tiêu dùng.
Ông Huy cũng cho rằng, để đạt được những kết quả nói trên, Saigon Co.op đã tiến hành rà soát tổng thể và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với chuyển biến của tình hình thực tế. Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai bốn dự án quan trọng là nhân sự, công nghệ thông tin, không gian mua sắm và hậu cần.
Đơn cử tại các điểm bán, Saigon Co.op luôn đặt việc nâng cao thái độ phục vụ lên hàng đầu. Nếu đã có điểm bán hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng chất lượng phục vụ không tương xứng cũng sẽ khó giữ chân thượng đế", ông Huy thừa nhận.
Không những vậy, để dành được nhiều sự ủng hộ của khách hàng, kế hoạch phát triển mạng lưới, hàng hóa và hậu cần, xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp luôn được lãnh đạo Saigon Co.op đặc biệt chú trọng.
Theo bà Lê Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Saigon Food, dù còn nhiều vấn đề cần bàn, nhưng dưới góc độ một doanh nghiệp có sản phẩm cung ứng vào nhiều chuỗi hệ thống bán lẻ, việc Saigon Co.op có dành các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tại VN, như ưu tiên trong chính sách mua hàng, diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mãi cho các doanh nghiệp hàng Việt… ở các thời điểm thích hợp, "là một trong những cách mà Saigon Co.op đồng hành cùng doanh nghiệp Việt".
Nhận định này cũng phù hợp với tôn chỉ mà Saigon Co.op đang đeo đuổi, cũng như kiên định cùng hàng Việt trên con đường đã lựa chọn, là được người tiêu dùng Việt hiểu và chia sẻ.
“Điều đáng tự hào nhất của hệ thống siêu thị Co.opmart trong 21 năm qua chính là việc kiên trì làm bệ phóng cho hàng Việt nói riêng và hàng hóa sản xuất trong nước nói chung, bất chấp hấp lực lợi nhuận của hàng ngoại. Hệ thống siêu thị Co.opmart kiên định duy trì tỉ lệ hàng Việt hơn 90% để thiết thực quảng bá và giúp hàng Việt tiếp cận sâu rộng thị trường trong nước. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng để không bao giờ vì lợi nhuận trước mắt mà đi ngược với niềm tin của người tiêu dùng. Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận