Ông Bùi Sỹ Lợi - Ảnh: Lê Kiên |
* Đâu là áp lực buộc Chính phủ phải đề xuất tăng tuổi hưu, thưa ông?
- Mấu chốt của đề xuất này là nguy cơ mất cân bằng mà nhiều người gọi là vỡ quỹ BHXH. So với nhiều nước, lao động VN có thời gian lao động rất ngắn, mức đóng BHXH rất thấp, trong khi công thức tính lương hưu lại dựa trên mức đóng BHXH 5-10 năm cuối tối đa 70% là rất cao (tuy nhiên mức lương tuyệt đối thực hưởng vẫn thấp so với nhu cầu). VN hiện đang có hơn 2,5 triệu người nghỉ hưu, bình quân tuổi nghỉ hưu hiện tại của người VN mới hơn 54 tuổi.
Nếu tính lao động nam về hưu ở tuổi 60 thì số năm hưởng lương hưu trung bình cho đến khi chết là 18 năm 1 tháng, với nữ nếu tính 55 tuổi nghỉ hưu thì thời gian hưởng trung bình là 24 năm 6 tháng. Toàn bộ thời gian đóng BHXH của người lao động không đủ cho họ nhận lương hưu với thời gian như trên, Nhà nước đang phải bảo trợ thêm. Vì vậy, các tổ chức lao động quốc tế đã tính toán và dự báo VN sẽ đạt cân bằng quỹ BHXH năm 2021 và mất cân đối quỹ, không đảm bảo khả năng chi trả năm 2034. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu là một giải pháp quan trọng để tránh nguy cơ vỡ quỹ.
* Nhưng nâng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp duy nhất?
- Đúng vậy, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì hiện nay hơn 16 triệu lao động có quan hệ lao động phải tham gia đầy đủ BHXH, nhưng chúng ta mới thu BHXH được có 10,9 triệu người, tức còn tới gần 30% số lao động thuộc diện BHXH bắt buộc vẫn chưa đóng BHXH. Theo dự kiến của Tổng liên đoàn Lao động VN, mỗi năm đang thất thu khoảng 50.000 tỉ đồng.
Một vấn đề khác là tiền lương để đóng BHXH của lao động khu vực sản xuất mới đóng bằng khoảng 50% tiền lương thực hưởng của người lao động. Nếu đóng đủ thì mỗi năm quỹ BHXH phải được bổ sung khoảng 20.000-30.000 tỉ đồng nữa. Tức là nếu chúng ta thu đủ, chủ sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật thì mỗi năm quỹ BHXH sẽ thu thêm được khoảng 80.000 tỉ đồng, đây không phải là số nhỏ. Điều này cũng có nghĩa là quỹ sẽ chưa thể vỡ vào năm 2034.
Tất nhiên, theo tờ trình của Chính phủ và phân tích của nhiều chuyên gia thì chúng ta không thể không tính toán đến việc nâng tuổi hưu, bởi đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Có điều cần phải làm rõ là tại sao Chính phủ lại đề nghị nâng tuổi hưu của công chức, viên chức theo lộ trình là cứ một năm tăng bốn tháng để đến năm 2022 thì tuổi nghỉ hưu của nữ là 60, nam là 62. Và lộ trình của lao động khu vực sản xuất đến năm 2032 thì nam 62, nữ 60. Câu hỏi đặt ra là trong điều kiện lao động như tôi vừa đề cập ở trên thì người lao động có đủ sức để làm việc đến độ tuổi ấy hay không?
* Cá nhân ông đề xuất như thế nào?
- Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã có ý kiến và quan điểm cá nhân tôi còn rất băn khoăn với phương án nâng tuổi hưu theo lộ trình Chính phủ đề xuất. Trước mắt, Chính phủ cần thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều 187 Bộ luật lao động cho nhóm cán bộ quản lý, cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm năm năm nữa để làm thí điểm. Sau đó, chúng ta sẽ tổng kết, đánh giá mọi mặt, từ sức khỏe người lao động đến khả năng cân đối quỹ và sẽ từng bước nâng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động có điều kiện lao động thuận lợi hơn.
Cuối cùng, mới nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh. Còn lại, đối với những người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo vẫn thực hiện giảm tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2, điều 187 Bộ luật lao động 2012.
Kết dư hơn 62.000 tỉ đồng: không bình thường! Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2013, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phát hiện quỹ bảo hiểm ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp) kết dư quá lớn. Cụ thể, quỹ ốm đau và thai sản năm 2013 kết dư lũy kế bằng 14.726 tỉ đồng, quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp kết dư lũy kế bằng 16.281 tỉ đồng, quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 31.642 tỉ đồng. Như vậy, tổng cộng kết dư ba quỹ này hơn 62.649 tỉ đồng. Trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nói: “Qua giám sát của chúng tôi cho thấy kết dư của quỹ bảo hiểm ngắn hạn như thế là không bình thường. Bởi vì đây là quỹ bảo hiểm ngắn hạn, được đóng hằng năm để được bảo hiểm những vấn đề trong năm đó. Ở đây có vấn đề về chính sách, thành ra sử dụng không hết quỹ bảo hiểm ngắn hạn này. Ví dụ như vấn đề tai nạn lao động là rất lớn trong khi chi quỹ bảo hiểm cho tai nạn lao động rất thấp. Chỗ này giữa chính sách và thực tế đang có độ vênh, vì vậy cần bổ sung chính sách để làm sao cho quỹ bảo hiểm ngắn hạn đáp ứng được nhu cầu thực tế. Không thể vì quỹ nói trên kết dư lớn mà đề nghị chuyển sang quỹ hưu trí được. Mỗi quỹ bảo hiểm mà người lao động đóng để được bảo hiểm vấn đề đó, ví dụ như đóng cho thai sản để được bảo hiểm thai sản, đóng cho bệnh nghề nghiệp thì phải được chi cho mục tiêu này... Ủy ban Về các vấn đề xã hội không thống nhất việc điều chuyển như thế. Quan trọng nhất là phải bổ sung chính sách để làm sao sử dụng có hiệu quả nhất quỹ bảo hiểm ngắn hạn này, không để kết dư nhiều. Theo tôi, mỗi năm chỉ giữ lại phần dự phòng thôi là hợp lý, còn toàn bộ phải được sử dụng cho người lao động. Trong khi đó trên thực tế, nhiều người lao động bị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động hằng năm cũng rất lớn. Thực tế như vậy nhưng tại sao quỹ bảo hiểm ngắn hạn lại kết dư lớn? Điều này do chính sách (chi trả) còn hẹp, cần phải được bổ sung”. QUỐC THANH “Vỡ” quỹ bảo hiểm xã hội trong tương lai Đó là nhận định của Chính phủ trong tờ trình về việc sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội được Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo Quốc hội chiều 26-5. “Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỉ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hằng năm có xu hướng tăng nhanh. Nếu như năm 2007 tỉ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì sang năm 2008 con số này là 73,7%, năm 2010 là 76,3%; ước năm 2013 là 76,6%. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế, với các chính sách hiện hành thì quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu” - bà Chuyền cho biết. Dự luật này sẽ được Quốc hội thảo luận vào ngày 29-5. L.KIÊN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận