19/09/2012 07:10 GMT+7

Băn khoăn với bút điện tử

VĨNH HÀ - ĐĂNG NGỌC
VĨNH HÀ - ĐĂNG NGỌC

TT - Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020 đang được thực hiện ở năm học thứ 3 với việc dạy đại trà ở lớp 3, 4 và thí điểm ở lớp 5 và 6.

kFnvGkHH.jpgPhóng to
Robot teacher của Viện Vật lý VN là sản phẩm bút chấm đọc đầu tiên được đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giới thiệu cho các cơ sở GD-ĐT - Ảnh: Việt Dũng

Và trong 14 danh mục thiết bị cần thiết để dạy học tiếng Anh theo yêu cầu của đề án trên có bút điện tử (thường gọi là bút chấm đọc). Việc có tên trong danh mục này khiến nhiều địa phương buộc phải quan tâm, đầu tư và xem như “một thiết bị bắt buộc phải có khi thực hiện đề án”.

Đầu tư bút chấm đọc

Theo Ban chỉ đạo đề án thí điểm dạy học tiếng Anh: “Bút chấm đọc là phương tiện hữu ích có thể khắc phục được phát âm chưa chuẩn của giáo viên người Việt”.

Phát biểu này tại một số hội thảo tập huấn thí điểm tiếng Anh đã củng cố thêm niềm tin của các nhà quản lý ở nhiều địa phương về việc “đầu tư bút chấm đọc để thay thế giáo viên không đạt chuẩn”.

Trước khi bút chấm đọc có tên trong danh mục thiết bị cần thiết của đề án, ở các thành phố lớn, nhiều trường cũng sử dụng bút chấm đọc cho giáo viên và giới thiệu với phụ huynh mua cho học sinh sử dụng.

Phần lớn các loại bút chấm đọc có trên thị trường hơn 10 năm qua đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan. Bút đi kèm với sách được mã hóa. Người học chấm bút vào các chữ đã được mã hóa trong sách thì có thể nghe phát âm chuẩn để học theo.

So với cách học nghe nói truyền thống (nghe băng cassette) thì bút chấm đọc tiện dụng và thích hợp với tâm lý trẻ em (bậc tiểu học). Nhưng giá cả các loại bút chấm đọc trên thị trường phần lớn đều rất đắt, dao động 2-3 triệu đồng/chiếc (thời kỳ đầu), chất lượng không đồng đều. Mục đích của bút là giúp người học phát âm chuẩn, nhưng có những loại bút phát âm không chuẩn, âm thanh bị méo...Vì thế không phải ai cũng sẵn sàng đầu tư bút chấm đọc mà lựa chọn những thiết bị rẻ hơn vẫn đạt hiệu quả cho đến khi... bút chấm đọc có tên trong danh mục thiết bị của Bộ GD-ĐT.

Giai đoạn thí điểm đầu tiên (lớp 3, 4), Bộ GD-ĐT giới thiệu sản phẩm bút chấm đọc (Robot teacher) của Viện Vật lý VN. Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng - thường trực ban chỉ đạo đề án, “đây là sản phẩm đã được thẩm định về chất lượng và an toàn trong sử dụng”.

Robot teacher lập tức được rất nhiều địa phương đặt mua theo kinh phí của đề án dạy học ngoại ngữ, với giá đắt gần 2,5 triệu đồng/chiếc. TS Doãn Hà Thắng, tác giả của Robot teacher, cho biết có trên 90 trường tiểu học trong hệ thống thí điểm của đề án đã sử dụng thiết bị này.

Theo một số hiệu trưởng các tỉnh thành, tùy theo khả năng của địa phương có nơi chỉ đầu tư 1 bút chấm đọc/trường, có nơi 1 giáo viên dạy tiếng Anh của đề án/chiếc, nhưng cũng có nơi vận động cả phụ huynh học sinh mua. Robot teacher trong giai đoạn đầu thí điểm đề án tiếng Anh đã mặc nhiên được hiểu là “bạn đồng hành” với vai trò hỗ trợ.

Rắc rối

Tháng 3-2012, trong thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chỉ đạo về dạy tiếng Anh thí điểm trong hệ thống giáo dục quốc dân đã nêu rõ: “Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục in sách giáo khoa có phụ mã mở với các thiết bị phụ trợ để các đơn vị cùng khai thác. Các đơn vị tham gia số hóa thiết bị tài liệu phải có thiết bị nhận dạng có chất lượng đọc được 64.000 mã phân biệt trên tài liệu sách giáo khoa của NXB Giáo Dục”.

Tiếp thu chỉ đạo này, NXB Giáo Dục phối hợp với ban chỉ đạo đề án tổ chức thẩm định đối với các đơn vị có sản phẩm bút chấm đọc đang chào hàng. Ngoài Robot teacher được “đặc cách” chọn thẳng (do đã được sử dụng thí điểm trước đó), bảy đơn vị còn lại được kiểm tra, thẩm định về thủ tục pháp lý và chất lượng sản phẩm. 4/7 đơn vị được xác nhận “đảm bảo chất lượng” và được chính thức giới thiệu cùng với Robot teacher. Từ mức giá 2,5 triệu đồng/chiếc, bút chấm đọc của các đơn vị mới đã hạ giá xuống mức 1,5 triệu đồng/chiếc.

Ngoài những sản phẩm được chính thức giới thiệu, một số trường, giáo viên cũng chủ động mua bút chấm đọc trên thị trường. Nhưng rắc rối xảy ra khi không có mã nguồn mở cho tất cả các loại bút chấm đọc nên mỗi loại bút chỉ đọc được loại sách cho riêng nó.

Trong hội thảo tập huấn thí điểm tiếng Anh lớp 5 đầu năm học mới tổ chức tại Hà Nội mới đây, giáo viên nhiều tỉnh thành đã bày tỏ ý kiến về việc “được trang bị bút nhưng không dùng được”. Giải thích về việc này, ông Nguyễn Ngọc Hùng cho biết: do chưa có bộ mã mở dùng chung cho tất cả các loại bút được thẩm định nên nếu dùng mã của đơn vị này thì đơn vị khác không thể tham gia.

Trong khi đó do năng lực cung ứng và khả năng phục vụ của doanh nghiệp tới địa phương hạn chế nên NXB Giáo Dục chỉ mã hóa số lượng sách theo nhu cầu của doanh nghiệp hay sở GD-ĐT chứ không thể mã hóa tất cả số lượng sách cho học sinh trong diện thí điểm. Có nghĩa các sở GD-ĐT chọn mua loại bút nào thì phải “đặt hàng” số lượng với NXB Giáo Dục để mã hóa sách theo code tương ứng.

Đại diện NXB Giáo Dục cho biết năm học 2012-2013 sẽ phủ mã code 130.000 cuốn sách giáo khoa tiếng Anh lớp 3 sử dụng cho năm loại bút đã được thẩm định và phủ mã code khoảng 20.000 cuốn sách giáo khoa lớp 4 cho một loại bút. Việc nghiên cứu mã nguồn mở vẫn là bài toán chưa xác định được thời hạn hoàn thành.

Có thay được giáo viên?

Cô Giao - một giáo viên tiếng Anh ở Trường THCS Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội - cho rằng bút chấm đọc có hiệu quả với giáo viên nhưng không thật hữu ích cho học sinh, nhất là học sinh mới phát âm. Với trẻ em cần dạy các em đặt lưỡi, uốn lưỡi thế nào, giáo viên phải trực tiếp sửa thì học sinh mới phát âm chuẩn được. Lạm dụng và đặt niềm tin quá nhiều vào bút chấm đọc là không đúng.

Một số giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học ở TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) nhận xét: bút chấm đọc có ưu điểm gọn nhẹ, thay thế máy cassette nhưng việc kiểm tra đọc của học sinh không hiệu quả vì giáo viên chỉ có một chiếc bút, nên không thể cho tất cả 35 học sinh được nghe nói trong một tiết học. Nếu trang bị cho mỗi học sinh/chiếc thì quá đắt. Trong điều kiện hiện tại, dạy học sinh phát âm qua đài, đĩa vẫn tiện lợi hơn.

Ông Bùi Anh Tuấn, trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Nam Định, cho biết: Nam Định đến nay không trang bị bút chấm đọc cho giáo viên dạy tiếng Anh thí điểm.

“Bút chấm đọc chỉ là phương tiện hỗ trợ trong điều kiện kinh tế khá giả. Nó chỉ thuận lợi cho học sinh tự học ở nhà (khi bố mẹ không biết tiếng Anh), còn trên lớp nó không thể thay thế giáo viên. Một bút chấm đọc có chất lượng tốt, phát âm chuẩn nhưng để mấy chục học sinh nghe được phải phát ra loa chuẩn. Còn hiện tại loa của bút rất nhỏ, không thích hợp trong điều kiện giáo viên chỉ có một chiếc bút” - ông Tuấn nhận xét.

Năm đơn vị sản xuất bút chấm đọc đang được ban chỉ đạo đề án dạy học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân giới thiệu: Viện Vật lý (Viện Khoa học - công nghệ VN) - sản phẩm Robot teacher; Công ty TNHH MTV Viễn thông và dịch vụ truyền hình VTC Kids TV1 và Kids TV2; Công ty TNHH Tân Nhật Minh - Talk Pen; Công ty CP Giáo dục và công nghệ thành phố Thông Minh Smart - Talk và Tot-Talk; Công ty TNHH Thạch Liên Hưng E Pen - Tân từ điển.

VĨNH HÀ - ĐĂNG NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp